'Mơ Rồng': Phá vỡ những giới hạn của sân khấu

Đạo diễn Lê Quý Dương đã chính thức giới thiệu vở diễn 'Mơ Rồng' dự Liên hoan sân khấu thử nghiệm 2019, với sự tham gia của các nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn của Nhà hát múa rối Thăng Long. 'Mơ Rồng' áp dụng nhiều cách làm lần đầu tiên thực hiện với sân khấu múa rối, đem đến cho khán giả một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ.

NDĐT – Đạo diễn Lê Quý Dương đã chính thức giới thiệu vở diễn “Mơ Rồng” dự Liên hoan sân khấu thử nghiệm 2019, với sự tham gia của các nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn của Nhà hát múa rối Thăng Long. “Mơ Rồng” áp dụng nhiều cách làm lần đầu tiên thực hiện với sân khấu múa rối, đem đến cho khán giả một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ.

Câu chuyện của “”Mơ Rồng” xoay quanh chuyến phiêu lưu vòng quanh thế giới của Rồng Thăng Long và chú Tễu, khởi đầu từ giấc mơ của một nghệ sĩ tạo hình các nhân vật rối, ngủ thiếp đi trong khi đang làm việc.

Hành trình của chú Tễu và Rồng Thăng Long trải dài khắp thế giới, từ châu Á sang châu Âu, đến châu Mỹ, châu Phi và châu Đại Dương. Những câu chuyện mà Tễu và Rồng Thăng Long trải qua đều mang tính thời đại: động đất, chiến tranh, bắt cóc trẻ con, vấn nạn công nghệ, đói nghèo, xung đột quyền lực, tranh chấp đại dương… Những câu chuyện được kể qua ngôn ngữ của những con rối (tượng trưng) có tuổi đời mười thế kỷ, được đưa lên từ đổ nát, chôn vùi… Và chuyến hành trình kết thúc tại nhà thủy đình với hàng chữ Hà Nội – The city of peace.

Đây là lần đầu tiên, một vở rối đẩy lùi toàn bộ giới hạn giữa rối người, rối dây, rối nước, cùng với giới hạn của không gian sân khấu. Con rối có thể xuất hiện từ bất cứ đâu, cửa phòng diễn, cánh gà, hàng ghế khán giả, hai bên lối đi cạnh ghế khán giả, thậm chí con rối được chuyền qua tay của các khán giả... Vở diễn cũng kết hợp giữa rối truyền thống với những cách biểu đạt hiện đại, mở rộng khả năng diễn tả của con rối. Lần đầu tiên buồng trò, nơi giấu các diễn viên điều khiển con rối trở thành một phần của sân khấu, nơi diễn ra câu chuyện của vở diễn. Các diễn viên rối nước, lâu nay vốn chỉ giấu mình phía sau sân khấu, nay đã được đưa toàn bộ lên sân khấu, diễn cả dưới bể nước và trên cạn, sử dụng biểu cảm và hình thể của mình bên cạnh việc điều khiển những con rối. Nghĩa là diễn viên không chỉ điều khiển con rối mà còn nhập tâm và diễn cùng nhân vật.

Vở diễn còn có một điểm đặc biệt nữa, là toàn bộ phần âm nhạc do nhạc sĩ nổi tiếng của Australia Darin Verhagen đảm nhiệm. Âm nhạc mang phong cách hiện đại, châu Âu kết hợp với chất liệu truyền thống Việt Nam trong vở diễn đã đem lại cho “Mơ Rồng” một sự khác biệt và lạ lẫm.

Lâu nay, người xem vẫn biết đến Lê Quý Dương như một người dàn dựng cho các chương trình biểu diễn, ca nhạc, kỷ niệm, liên hoan lớn… Ít ai hình dung được chính anh lại là đạo diễn của “Mơ Rồng” - một vở rối, không liên quan lắm đến những việc anh thường làm. Đạo diễn chia sẻ.

Là bạn học khóa trước với Lê Quý Dương, ở vở diễn “Mơ Rồng”, đạo diễn, NSƯT Lê Chí Kiên đảm nhiệm vai trò phó đạo diễn. Anh cho biết, toàn bộ con rối của vở diễn được làm hoàn toàn mới, và do một người cũng rất mới, họa sĩ tạo hình Nguyễn Đạt Phú thực hiện. Đây là lần đầu tiên họa sĩ Nguyễn Đạt Phú tham gia tạo hình rối, và anh mất ba tháng để hoàn thiện được các con rối, trong đó có rối hươu cao cổ cao tới hơn 2m, các con rối rồng, sư tử nặng vài chục kg…

Đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ, ban đầu khi đưa ra ý tưởng diễn cả trên bờ và dưới nước, các diễn viên đều thấy rất thích thú: “Họ đã quá quen với một cấu trúc quen thuộc của múa rối truyền thống là nhà thủy đình và mặt nước. Khi đặt vấn đề với họ về cách mở rộng không gian, diễn ở trên cạn, trên không, diễn rối bóng, rối dây, biến bể nước múa rối thành trung tâm, anh chị em diễn viên rất thích. Tôi cũng có may mắn là được làm việc với nhà hát múa rối Thăng Long, nơi các diễn viên rất năng động, diễn rất tốt, rất mở và sẵn sàng đón nhận cái mới”.

Một điểm khác biệt nữa của “Mơ Rồng” là âm nhạc. Đạo diễn Lê Quý Dương cho biết, múa rối từ trước đến nay đều đi với âm nhạc truyền thống, luôn nhẹ nhàng duyên dáng. Nhưng ở vở này, âm nhạc của thời công nghệ, hội nhập, phải kết hợp và mở ra để dung nạp yếu tố hiện đại. Âm nhạc của vở diễn này tạo ra một nền tảng về không gian, cảm xúc cho người diễn viên, và đó chính là điều giúp cho những con rối biểu cảm mạnh hơn.

Chia sẻ về vở diễn, đạo diễn, NSƯT Lê Chí Kiên cho biết, thực ra từ Liên hoan sân khấu thử nghiệm lần thứ nhất, Nhà hát đã phá hết cả giới hạn sân khấu và lối diễn truyền thống để đưa diễn viên ra ngoài. Nhưng đến bây giờ thì diễn viên Nhà hát mới diễn bằng ngôn ngữ hình thể để nói lên văn hóa của mình.

Được biết, sau khi tham gia Liên hoan sân khấu thử nghiệm, kể từ ngày 20-10, vở diễn sẽ phục vụ khán giả tại Nhà hát múa rối Thăng Long vào các buổi sáng thứ 7 hằng tuần.

TUYẾT LOAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/nghe-doc-xem/item/41667802-%E2%80%9Cmo-rong%E2%80%9D-pha-vo-nhung-gioi-han-cua-san-khau.html