Mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - Trung Quốc (Trùng Khánh)

Ngày 16/10, Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Ủy ban Xúc tiến thương mại thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư và kết nối giao thương Việt Nam – Trung Quốc (Trùng Khánh).

Mở thêm nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng khẳng định, các hoạt động này không chỉ góp phần củng cố, tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và chính quyền thành phố Trùng Khánh, mở ra thêm nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - Trùng Khánh; mà còn đóng góp thực chất vào việc triển khai “Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc”.

Thứ trưởng Phan Thị Thắng khẳng định: "Trong 20 năm qua, Trung Quốc luôn giữ vững vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc năm 2022".

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Moit.gov.vn)

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Moit.gov.vn)

Bộ Công Thương Việt Nam rất coi trọng vai trò của thành phố Trùng Khánh - địa phương cửa ngõ quan trọng trong thúc đẩy giao lưu, hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa khu vực Tây Nam, Trung Quốc với Việt Nam. Có thể nói, hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Trùng Khánh, quan hệ phối hợp công tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và chính quyền nhân dân thành phố Trùng Khánh đã có bề dày nhiều năm và không ngừng được củng cố, phát triển trong những năm gần đây.

Nhằm tiếp tục khai thác, phát huy đầy đủ những tiềm năng, nhu cầu của cả hai bên, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị chính quyền thành phố Trùng Khánh quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trùng Khánh các mặt hàng có thế mạnh (trái cây, thủy sản, nông sản khác, hàng dệt may,…); ủng hộ doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành chế biến nông sản, dược liệu mà Trùng Khánh có ưu thế, qua đó giúp nâng cao năng lực chế biến nông sản cho Việt Nam; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh, Trung Quốc; tạo điều kiện thuận lợi để Ủy ban thương mại Trùng Khánh và Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam thực hiện hiệu quả Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư ngành công thương giữa Việt Nam và Trùng Khánh.

Đối với doanh nghiệp hai nước, đặc biệt là doanh nghiệp của thành phố Trùng Khánh, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị: Cần chủ động trao đổi, kết nối thông tin về nhu cầu thị trường và các quy định, chính sách thương mại của mỗi nước thông qua hệ thống các Thương vụ/Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại các địa phương của Trung Quốc như tại Bắc Kinh, Quảng Châu, Nam Ninh, Côn Minh, Trùng Khánh, Hàng Châu và tới đây là Hải Khẩu, Thành Đô; tích cực tham dự các hội chợ triển lãm quốc tế được tổ chức tại mỗi nước như: Hội chợ Thương mại đầu tư quốc tế miền Tây Trung Quốc tại Trùng Khánh (IFCEW), Hội chợ Thực phẩm quốc tế Foodexpo, Hội chợ thương mại quốc tế VietNam Expo... để kết nối trực tiếp, đẩy mạnh các hoạt động giao thương, hợp tác kinh tế, thương mại ổn định, lâu dài, hiệu quả.

 Bà Trương Quốc Trí, Phó Thị trưởng chính quyền nhân dân Thành phố Trùng Khánh phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Moit.gov.vn)

Bà Trương Quốc Trí, Phó Thị trưởng chính quyền nhân dân Thành phố Trùng Khánh phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Moit.gov.vn)

Bà Trương Quốc Trí, Phó Thị trưởng chính quyền nhân dân Thành phố Trùng Khánh bày tỏ sự nhất trí, ủng hộ đối với quan điểm và những đề xuất từ phía Bộ Công Thương Việt Nam. Phía Trùng Khánh mong muốn phía Việt Nam cùng thúc đẩy nhiều hơn nữa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia cùng xây dựng “Tuyến đường mới trên bộ trên biển”, hai bên sẽ mở rộng hợp tác kinh tế thương mại thực chất giữa các doanh nghiệp, đặc biệt trong một số lĩnh vực như vận tải, chế tạo, mua bán xe năng lượng mới, lụa tơ tằm…

Phản hồi ý kiến của lãnh đạo thành phố Trùng Khánh, Thứ trưởng Phan Thị Thắng khẳng định tầm quan trọng của việc mở rộng hợp tác thực chất giữa doanh nghiệp hai bên trong kinh tế thương mại, đặc biệt là khi thực tế kim ngạch thương mại Việt Nam – Trùng Khánh còn chiếm tỷ lệ tương đối khiêm tốn (3%) trong tổng kim ngạch thương mại hai nước.

Phía Việt Nam sẽ tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện phù hợp, có nhu cầu cùng kết nối với các doanh nghiệp Trùng Khánh nói riêng và Trung Quốc nói chung để khai thác hiệu quả “Tuyến đường mới trên bộ trên biển”. Ngoài ra, sẽ tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp của Trùng Khánh có trình độ cao, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực xe năng lượng mới hợp tác, đầu tư và phát triển tại Việt Nam.

Đồng thời, Bộ Công Thương Việt Nam sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung Quốc cũng như của Trùng Khánh để làm cầu nối hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên triển khai các hoạt động hợp tác trong tương lai.

Cơ hội bứt phá cho Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng

Trao đổi với Phóng viên bên lề Hội nghị, TS. Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng thông tin, theo Tổng cục Hải quan, trong bối cảnh xuất khẩu vào các thị trường ảm đạm, tháng 7, xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn ghi nhận điểm sáng khi đạt gần 4,6 tỷ USD, tăng 16,75% so với cùng kỳ năm 2022 và tính chung 7 tháng đầu năm tăng 2,4% so với cùng kỳ. Đây là những con số rất tích cực trong việc xúc tiến thương mại của hai nước.

 TS. Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng.

TS. Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng.

"Phải nói rằng, Trung Quốc là thị trường rất lớn của Việt Nam, chiếm 32,7% kim ngạch cả nước. Chỉ tính riêng tỉnh Vân Nam, theo Bộ Công Thương, 6 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tăng 107,6%. Đáng chú ý, 6 tháng năm 2023, tỉnh Vân Nam đã nhập khẩu 141,9 triệu USD nông sản từ Việt Nam. Trung Quốc là thị trường lớn nhất nên hầu như tất cả nhóm hàng nhập khẩu chủ lực của Việt Nam đều có sự xuất hiện của thị trường Trung Quốc. Bởi chỉ trong 6 tháng nhưng có tới 12 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên".

 TS. Trần Khắc Tâm làm việc với Ủy ban xúc tiến thương mại TP.Trùng Khánh.

TS. Trần Khắc Tâm làm việc với Ủy ban xúc tiến thương mại TP.Trùng Khánh.

TS. Trần Khắc Tâm bày tỏ, việc hợp tác của các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc ngày càng toàn diện trên mọi lĩnh vực sản xuất. Rất nhiều nhà đầu tư lớn từ Trung Quốc sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, trong đó có khu vực ĐBSCL.

Hiện Trung Quốc có hơn 400 doanh nghiệp đầu tư vào ĐBSCL với tổng vốn lũy kế hơn 2,4 tỷ USD, chủ yếu là hợp tác trong lĩnh vực chế biến. Tại chương trình giao lưu - kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức ở TP.Cần Thơ mới đây, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng bày tỏ mong muốn gia tăng hợp tác, đầu tư, đặc biệt là trong thời điểm ĐBSCL đang phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng. Phía doanh nghiệp nước bạn mong muốn chúng ta có giải pháp hiệu quả hơn trong đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu lao động tay nghề cao cho sản xuất công nghiệp.

 Các hoạt động diễn ra tại Hội nghị.

Các hoạt động diễn ra tại Hội nghị.

Văn Chương

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/mo-rong-quan-he-thuong-mai-dau-tu-viet-nam-trung-quoc-trung-khanh-81630.html