Mở rộng sản xuất nhờ vốn vay chính sách

Nhờ được vay vốn chính sách để tập trung phát triển nghề làm ruốc, nước mắm, gia đình bà Bùi Thị Vấn (thôn Cự Lại Trung, xã Phú Hải, Phú Vang) ngày càng mở rộng quy mô sản xuất, vươn lên làm giàu, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động trên địa bàn.

Bà Vấn đang "trở" ruốc cho được nắng

Bà Vấn đang "trở" ruốc cho được nắng

Trong nắng trưa gay gắt, những con đường vắng tiếng xe cộ và bước chân người. Những ngôi nhà trong thôn khép cửa, ngăn cái nắng nóng để sự nghỉ ngơi ban trưa được yên tĩnh, nhưng tại gia đình bà Bùi Thị Vấn, cả hai vợ chồng đang miệt mài với gần 1.000 chum ruốc, tranh thủ phơi phóng cho được nắng. Mùi ruốc đang độ chín, thơm nồng lan theo cơn gió mằn mặn từ biển, hứa hẹn “quả ngọt” từ vụ sản xuất.

Trả lời câu hỏi “nhà có bao nhiêu phi nước mắm”, gương mặt sạm nắng gió của vợ chồng bà Vấn nở ra những nụ cười chân chất, rạng rỡ: “Ôi nhiều lắm”- bà Vấn cho biết, mỗi năm gia đình bà sản xuất gần cả ngàn chum ruốc; gần 800 phi nước mắm. Sản phẩm đảm bảo chất lượng, thơm ngon, làm ra bao nhiêu xuất bán hết bấy nhiêu cho những mối hàng thường xuyên lấy sỉ, không tồn đọng. Công việc sản xuất kinh doanh phát triển, khiến kinh tế gia đình ngày càng vững vàng, có của ăn của để; đồng thời vào những vụ sản xuất, còn giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập cho gần 20 lao động.

Trong mắt của đôi vợ chồng ngư dân – nông dân xã ven biển Phú Vang, ánh lên niềm vui, phấn khởi. Vợ chồng bà Vấn nói rằng, để có được thành quả lao động ngày hôm nay, ngoài sự cần cù chịu khó của người trong cuộc, còn có hỗ trợ rất nhiều từ chính quyền địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Vang, khi quan tâm tạo điều kiện cho gia đình bà vay vốn để phát triển sản xuất. “Cầm đồng vốn Nhà nước cho vay với lãi suất ưu đãi, mình phải làm sao để bảo toàn và phát huy hiệu quả đồng vốn đó. Đây là động lực, cũng là trách nhiệm để vợ chồng tôi nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa”- bà Vấn chia sẻ.

Ngược lại thời gian mấy chục năm về trước, khi mới cưới nhau, với hai bàn tay trắng, vợ chồng bà Vấn sinh sống bằng nghề làm thuê. Ai thuê gì làm nấy, công việc rất vất vả, mà lại còn không ổn định. Do đó, thu nhập cũng bấp bênh, kinh tế gia đình khó khăn. Chồng bà Vấn theo ngư dân địa phương, làm thuê trên những tàu đánh bắt xa bờ. Nhiều năm dành dụm tích cóp, gia đình bà Vấn cùng 9 ngư dân khác chung vốn mua tàu. Sau mỗi chuyến đánh bắt xa bờ từ 10 – 20 ngày, các bà vợ đón chồng tại cảng Thuận An, nhập hải sản cho mối hàng quen.

Cách đây 10 năm, vợ chồng bà Vấn quyết định bắt tay sản xuất ruốc, nước mắm, do bà Vấn làm “trụ cột”. Những ngày không đi biển, chồng bà Vấn cùng vợ dậy từ 3 giờ sáng để ép ruốc, đánh ruốc, kịp sáng sớm đem phơi khi bắt đầu có nắng.

Từ nguồn xây dựng huyện nông thôn mới, gia đình bà Vấn được hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư máy ép ruốc thủy lực (hỗ trợ hơn 30 triệu đồng). Việc sản xuất thuận lợi nhiều hơn nữa, nhất khi bà Vấn được tạo điều kiện tiếp cận và vay vốn chính sách. “Đối với người sản xuất kinh doanh, được vay vốn ưu đãi là mừng lắm”- bà Vấn bộc bạch. Mỗi lần vay là 50 triệu đồng, bà Vấn trả hết lại được cho vay tiếp, như vậy đã 3 lần.

“Đây là hộ sử dụng vốn vay để sản xuất kinh doanh rất hiệu quả; trả nợ rất đúng hạn. Sắp tới, chúng tôi sẽ lập hồ sơ đề nghị cho bà Vấn được vay mức tối đa để gia đình có điều kiện, động lực mở rộng hơn sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động hơn nữa, góp sức cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, vươn lên phát triển kinh tế”- bà Lê Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Hải cho hay.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/mo-rong-san-xuat-nho-von-vay-chinh-sach-146823.html