'Mơ rồng' sẽ biểu diễn tại Lễ khai mạc Đại hội Sân khấu thế giới
Tiết mục Mơ rồng của Nhà hát Múa rối Việt Nam do đạo diễn Lê Quý Dương dàn dựng đã được chọn biểu diễn tại Lễ khai mạc Đại hội Sân khấu thế giới lần thứ 36, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất.
Đại hội Sân khấu thế giới lần thứ 36 được tổ chức tại thành phố Fujairah thuộc Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất UAE từ ngày 19.2 - 25.2 với chủ đề “Hội ngộ nghệ thuật biểu diễn thế giới cùng nhân loại”.
Theo Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, NSND Nguyễn Tiến Dũng, Ban chấp hành Hiệp hội Sân khấu thế giới (ITI/UNESCO) đã quyết định mời đoàn nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương tham dự và biểu diễn tiết mục Mơ rồng do Trung tâm ITI Việt Nam phối hợp với Nhà hát Múa rối Việt Nam sáng tạo và dàn dựng. Tiết mục đã được Ban tổ chức lựa chọn biểu diễn trong Lễ khai mạc Đại hội Sân khấu thế giới vào tối 21.2.
“Đây cũng là tiết mục duy nhất đại diện cho sân khấu khu vực châu Á - Thái Bình Dương biểu diễn khai mạc cùng các tiết mục của đại diện sân khấu đến từ châu Âu, châu Phi, Mỹ La-tinh, châu Đại dương và khu vực Trung Đông. Tiết mục sẽ chính thức trình diễn trước gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên và đại biểu đến từ gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Quốc gia Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất”, NSND Nguyễn Tiến Dũng cho hay.
Tác giả, đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ: "Mơ rồng là sự kết hợp và thăng hoa của nghệ thuật trống chèo truyền thống của Nhà hát Múa rối Việt Nam do NSND Nguyễn Tiến Dũng đã dựng trước đó, cộng hợp nghệ thuật sân khấu hình thể với múa rồng tạo nên nghệ thuật tổng thể vừa mang bản sắc sân khấu truyền thống Việt Nam, vừa mang tính quốc tế với hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, hình ảnh và phương pháp dàn dựng hiện đại".
Mơ rồng bắt đầu từ câu chuyện các cô thôn nữ Việt Nam xinh đẹp duyên dáng, sinh ra giữa những xóm làng thanh bình, cần cù chịu khó trên những cánh đồng lúa nước được khắc họa qua nghệ thuật múa rối và hình thể. Nhân vật rối chú Tễu được giới thiệu như một biểu tượng sinh động của văn hóa dân gian Việt Nam, thể hiện tâm hồn và tình cảm của người dân Việt Nam vốn hiền lành, chất phác, nhưng cũng rất thông minh và hóm hỉnh. Rồi chiến tranh bất ngờ ập đến. Trong mưa bom bão đạn, con người vẫn gắn bó, cưu mang và đùm bọc nhau để vượt lên những hy sinh mất mát. Chú Tễu bị dập vùi trong lửa đạn chiến tranh đã được một cặp rồng cứu sống. Sức sống mạnh mẽ và nội lực văn hóa của ngàn năm văn hiến đã giúp chú Tễu hồi sinh và lại gióng lên từng nhịp trống chèo lúc khoan lúc nhặt, lúc réo rắt, lúc hân hoan, cho sự sống đâm chồi nảy lộc. Một cặp rồng con lại được sinh ra như biểu tượng của tình yêu, nội lực và sức sống mãnh liệt của văn hóa không bao giờ lụi tắt...