Mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh

Sàng lọc trước sinh và sơ sinh là giải pháp quan trọng nhằm phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh để những đứa trẻ được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dân số. Tại Thanh Hóa, năm 2021 chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, tập trung vào 2 hoạt động chính là siêu âm sàng lọc chẩn đoán trước sinh và lấy mẫu máu gót chân cho trẻ sơ sinh.

Tư vấn sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho phụ nữ mang thai tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thọ Xuân.

Mường Lát là huyện nghèo, nhiều dân tộc anh em sinh sống, ngôn ngữ bất đồng, dân trí không đồng đều do vậy việc triển khai công tác tuyên truyền về lợi ích của việc khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh gặp nhiều khó khăn. Đa số các sản phụ, đặc biệt là sản phụ dân tộc Mông rất ít đến các cơ sở y tế để sinh đẻ. Việc vận động và lưu giữ các sản phụ ở lại sau 24 giờ để lấy máu xét nghiệm sàng lọc sau sinh cho trẻ cũng khá khó khăn do sản phụ thường xin xuất viện sớm hơn 24 giờ. Để nâng cao chất lượng dân số, Trung tâm Y tế huyện đã chủ động tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản và triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động đề án tại 8 xã, thị trấn của huyện. Hằng năm chỉ đạo ban dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) các xã, thị trấn soạn tin bài phát thanh tuyên truyền nằm trong chương trình thực hiện đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh phát thanh trên các phương tiện thông tin đại chúng được Nhân dân và đối tượng nhiệt tình hưởng ứng.

Ông Lê Quốc Huấn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Lát, cho biết: Hằng năm, đơn vị đã xây dựng kế hoạch triển khai để phối hợp với Bệnh viện Đa khoa huyện thực hiện tư vấn, lấy mẫu máu gót chân cho trẻ. Đồng thời, thực hiện khám sàng lọc trước sinh cho các sản phụ tại phòng khám dịch vụ của đơn vị; chỉ đạo ban DS-KHHGĐ xã xây dựng kế hoạch, tăng cường công tác truyền thông cho Nhân dân biết về lợi ích của việc khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ tại các xã; lồng ghép, tư vấn trong chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu và 3 tháng giữa về sàng lọc trước sinh, sơ sinh nhằm tầm soát các dị tật bẩm sinh cho trẻ. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, nhiều chị em đã chủ động đến các cơ sở y tế làm sàng lọc trước sinh, nhiều trường hợp xuất hiện dị tật thông qua sàng lọc đã được các bác sĩ kịp thời hỗ trợ, tư vấn. Trong 2 năm 2020, 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn huyện có 495 người sàng lọc trước sinh; triển khai sàng lọc sơ sinh được 147 mẫu.

Nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung triển khai đồng loạt nhiều hoạt động như: xây dựng kế hoạch và ban hành các văn bản hướng dẫn tư vấn, tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên cập nhật trên trang thông tin điện tử của huyện và trên hệ thống loa truyền thanh tuyến xã, thôn, khu dân cư; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các buổi truyền thông về sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Thông qua việc lồng ghép trong sinh hoạt câu lạc bộ, người dân được cung cấp các sản phẩm truyền thông, tờ rơi, áp phích về đề án. Ngành dân số từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng kế hoạch để triển khai hoạt động lồng ghép trong kế hoạch chung của đơn vị, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030. Hoạt động tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh tật trước sinh và sơ sinh ở trẻ cũng được triển khai ở 27/27 huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị đã tổ chức các buổi tư vấn lồng ghép tại các trạm y tế nhân ngày tiêm chủng mở rộng cho các bà mẹ mang thai, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn, trên các trang mạng xã hội về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh, những nguy cơ do dị tật bẩm sinh để lại. Nhờ vậy, nhận thức của người dân về việc tham gia sàng lọc có những chuyển biến tích cực. Năm 2021, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã ký hợp đồng với các bệnh viện và Trung tâm Y tế để thực hiện sàng lọc trước sinh cho 2.400 người. Cùng với phương thức xã hội hóa đã có hơn 60.000 lượt phụ nữ mang thai được siêu âm và hơn 6.000 người được xét nghiệm; có 9.137 cháu được lấy mẫu máu, trong đó số đối tượng nghi ngờ thiếu men G6PD là 97 cháu, các cháu đã được tư vấn khám và điều trị.

Lấy mẫu gót chân để tiến hành sàng lọc cho trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, được biết: Sàng lọc trước sinh là hoạt động can thiệp đối với phụ nữ đang mang thai thông qua các kỹ thuật siêu âm, xét nghiệm máu để chẩn đoán các dị tật bẩm sinh ở thai nhi, như: hội chứng Down, dị tật ống thần kinh, di truyền tế bào, rối loạn chuyển hóa... Còn sàng lọc sơ sinh là hoạt động can thiệp đối với trẻ sơ sinh bằng xét nghiệm máu gót chân trong 48-72 giờ sau khi trẻ chào đời nhằm phát hiện các rối loạn bẩm sinh, di truyền ở trẻ (như: thiếu men G6PD, thiểu năng trí tuệ, suy giáp bẩm sinh...). Mục đích của sàng lọc trước sinh là phát hiện sớm các thai dị tật để xử trí kịp thời, tránh sinh ra những đứa trẻ có dị tật, dị dạng không thể chữa trị. Còn sàng lọc sơ sinh nhằm phát hiện sớm trẻ bị bệnh bẩm sinh để có biện pháp can thiệp kịp thời, mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Theo đó, năm 2022, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện với mục tiêu, phổ cập tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh nhằm giảm thiểu số trẻ em sinh ra bị bệnh tật bẩm sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Cụ thể, tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh 62%; tỷ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh 45%; tăng tỷ lệ nam, nữ thành niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn lên 5% so với năm 2021; phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ đảm bảo chất lượng..., năm 2022, hoạt động hỗ trợ sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh được triển khai ở 27 huyện, thị, thành phố; hoạt động tư vấn tiền hôn nhân triển khai tại 200 xã/18 huyện, thị, thành phố, gồm thị xã Bỉm Sơn, thị xã Nghi Sơn, các huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa, Đông Sơn, Nông Cống, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Triệu Sơn, Yên Định, Hà Trung, Như Thanh, Cẩm Thủy, Như Xuân, Thường Xuân, Lang Chánh và Bá Thước, trong đó duy trì hoạt động tại 46 xã và mở rộng thêm 154 xã.

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới đặt ra nhiều giải pháp quan trọng; trong đó yêu cầu cần phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra sức khỏe sinh sản trước hôn nhân để nâng cao chất lượng dân số một cách toàn diện. Nghị quyết số 21 xác định mục tiêu đến năm 2030, 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất. Để đạt mục tiêu trên, ngoài nỗ lực của ngành chức năng, các thai phụ nên tham gia sàng lọc trước sinh và sơ sinh để sinh ra những đứa con khỏe mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Bài và ảnh: Hà Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/y-te-suc-khoe/mo-rong-tam-soat-chan-doan-dieu-tri-mot-so-benh-tat-truoc-sinh-va-so-sinh/160124.htm