Mở rộng thị trường rau quả 'thắng hay thua' tùy thuộc năng lực doanh nghiệp Việt
Trong khi nhiều lĩnh vực khác gặp nhiều khó khăn thì ngành rau quả đang có nhiều điều kiện thuận lợi, lợi thế cho việc mở rộng thị trường xuất khẩu trong năm nay. Tuy nhiên, việc mở rộng thị trường này 'thắng hay thua', không để 'đánh rơi' hàng tỷ USD lại tùy thuộc nhiều vào năng lực của các doanh nghiệp Việt trong các khâu chất lượng, thương hiệu, chế biến, tiếp cận thị trường, cạnh tranh thương mại…
Ngoài Trung Quốc được xem là thị trường chủ lực, khi được hỏi về việc mở rộng thị trường xuất khẩu (XK) cho rau quả trong năm 2023 và các năm tới, Ts. Lê Văn Đức, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho rằng việc này phụ thuộc nhiều vào năng lực của các doanh nghiệp (DN) Việt và sự nỗ lực của Chính phủ trong đàm phán.
Tiếp cận thị trường một cách tốt nhất
Theo ông Đức, hiện nay, trong quá trình Việt Nam đàm phán XK chính ngạch rau quả với các nước thì thường "đánh đổi", có qua có lại, nên chúng ta phải từng bước tiếp cận thị trường tiềm năng trên thế giới. Trong đó, các thị trường Bắc Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… sẽ có nhiều cơ hội thâm nhập cho rau quả nhiệt đới của Việt Nam.
Sức hút của tráisầu riêng là minh chứng cho lợi thế, cơ hội XK cho ngành rau quả Việt trong năm nay.
Thời gian tới, bên cạnh việc đẩy nhanh hoàn tất các thủ tục mở cửa thị trường cho một số loại trái cây Việt vào Trung Quốc (gồm bưởi, bơ, na, roi, dừa), Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy thủ tục để xuất chính ngạch vào thị trường Mỹ (gồm bơ, sầu riêng), Nhật Bản (bưởi, chôm chôm, vú sữa), Đài Loan (chôm chôm), Myanmar (nhãn, vải, thanh long, chôm chôm), Ấn Độ (thanh long, nhãn, bưởi, chôm chôm, sầu riêng), Australia (nhãn), Hàn Quốc (vú sữa), New Zealand (bưởi, nhãn)...
Theo chia sẻ của Ts. Lê Văn Đức tại hội thảo quốc tế chuyên ngành sản xuất và chế biến rau quả tổ chức ở Tp.HCM ngày 1/3 trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế về rau quả - HortEx Vietnam 2023 (quy tụ 200 thương hiệu đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ), các địa phương, DN cần có kế hoạch tiếp cận những thị trường này một cách tốt nhất. Đặc biệt là với Trung Quốc, bởi đây vẫn tiếp tục là thị trường chủ đạo, cực kỳ quan trọng cho XK rau quả của Việt Nam.
Để mở rộng thị trường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt đề nghị cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại XK trái cây, giữ thị trường lớn và thị trường truyền thống, đồng thời mở thêm thị trường mới. Hơn nữa, rất cần các cơ quan quản lý hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm quả.
Còn đứng ở góc độ DN, trao đổi với VnBusiness, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, nhấn mạnh việc mở rộng thị trường đòi hỏi các DN trong ngành hàng này phải làm sao bảo vệ được chất lượng và thương hiệu. Xét về chất lượng, đó là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, độ tươi và độ ngon khi lên kệ hàng và tới tay người tiêu dùng ngoại phải được bảo đảm.
“Còn về thương hiệu, điều quan trọng là cách thức truyền thông, cách thức bảo vệ thương hiệu cho rau quả Việt khi XK vào thị trường các nước. Qua truyền thông, chúng ta hay nói nhiều về việc canh tác nhỏ lẻ, manh mún, không an toàn, không đảm bảo vệ sinh… Những thông tin tiêu cực như vậy sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng trên thế giới”, ông Tùng lưu ý.
Đừng để “đánh rơi” hàng tỷ USD
Có nhiều ý kiến cho rằng, so với khó khăn chung trong hoạt động XK của nhiều ngành hàng, riêng ngành hàng rau quả sẽ tương đối thuận lợi và được dự báo sẽ tăng trưởng 20% so với năm ngoái. Điều này nhờ vào việc rộng cửa XK ở thị trường Trung Quốc và các thị trường lớn, thị trường mới khác.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định giá cước vận tải biển đang giảm sâu là điều kiện rất thuận lợi cho việc mở rộng thị trường của rau quả Việt. Nhất là giá cước giảm thì thuế suất nhập khẩu rau quả Việt vào thị trường ngoại sẽ giảm rất nhiều. Đó là lợi thế lớn.
Với một số điều kiện thuận lợi như vậy, vấn đề quan trọng còn lại là năng lực của DN Việt liệu có tận dụng được các cơ hội để thâm nhập, mở rộng thị trường XK rau quả hay không.
Theo ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc CTCP Phúc Sinh, phía công ty luôn chủ trương đa dạng thị trường với hơn 100 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, từ châu Á, EU cho đến Bắc Mỹ. Ngay như thị trường EU vốn chịu ảnh hưởng bởi lạm phát ảnh hưởng đến sức mua, nhưng do Phúc Sinh làm sản phẩm chế biến từ rau quả nên nếu người tiêu dùng EU không mua sản phẩm này thì vẫn có thể mua sản phẩm chế biến khác của công ty.
Xét về năng lực DN Việt thì cũng cần "soi" thêm trong vấn đề chế biến. Số liệu cập nhật mới nhất từ Cục Trồng trọt cho thấy hiện cả nước có trên 150 cơ sở chế biến rau quả có quy mô công nghiệp, tổng công suất thiết kế khoảng 1 triệu tấn sản phẩm/năm. Tuy nhiên, trên thực tế công suất hiện chỉ đạt trên 50%.
Ngoài ra, đến nay chế biến đồ hộp vẫn chiếm 50%, sau đó là sản phẩm nước quả cô đặc (chiếm 18%), chiên sấy (chiếm 12%), nước giải khát (10%), sản phẩm IQF (8%), các loại sản phẩm khác (2%) và lạnh đông…
Giới chuyên gia cho rằng do năng lực chế biến rau quả còn hạn chế nên dù có mở rộng thị trường nhưng các DN Việt trong ngành hàng này đã “đánh rơi” hàng tỷ USD khi mà nhu cầu của người tiêu dùng quốc tế đang nghiêng về sử dụng sản phẩm rau quả đã qua chế biến.
Ngoài điểm yếu chế biến, mặt hạn chế của ngành rau quả Việt còn ở vấn đề về giống cây ăn quả, quy trình canh tác, về quy mô sản xuất, thu hoạch và công nghệ bảo quản sau thu hoạch, tổ chức liên kết sản xuất, tiếp cận thị trường và phân phối, sản phẩm và thị trường tiêu thụ, cạnh tranh thương mại…
Vì thế, một khi đã nhắm đến mở rộng thị trường, thâm nhập sâu thị trường mới thì các DN Việt trong ngành hàng rau quả cần khắc phục những mặt hạn chế nêu trên. Có như vậy mới tận dụng được những cơ hội, lợi thế mà ngành này đang có, để không chỉ giúp XK rau quả tăng trưởng cao trong năm nay mà còn hướng đến mục tiêu đạt kim ngạch XK trên 5 tỷ USD vào năm 2025.