Mở rộng thị trường xuất khẩu dệt may

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam (DMVN) trong bốn tháng qua đạt 11,43 tỷ USD, tăng 9,56% so cùng kỳ năm trước, nhưng hàng DMVN vẫn chỉ quanh quẩn ở thị trường truyền thống. Ðể tận dụng tốt cơ hội, nhất là thị trường các nước thành viên Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như Australia, Canada,... đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) phải chủ động nguồn nguyên phụ liệu, nâng cao sức cạnh tranh để phát triển các thị trường mới tiềm năng.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty cổ phần May mặc Bình Dương.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty cổ phần May mặc Bình Dương.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam (DMVN) trong bốn tháng qua đạt 11,43 tỷ USD, tăng 9,56% so cùng kỳ năm trước, nhưng hàng DMVN vẫn chỉ quanh quẩn ở thị trường truyền thống. Ðể tận dụng tốt cơ hội, nhất là thị trường các nước thành viên Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như Australia, Canada,... đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) phải chủ động nguồn nguyên phụ liệu, nâng cao sức cạnh tranh để phát triển các thị trường mới tiềm năng.

Chủ động nguồn hàng

Tính đến thời điểm hiện tại, phần lớn các DN dệt may đã có đơn hàng đến hết quý III, thậm chí có DN ký đơn hàng đến hết năm là những tín hiệu tích cực để ngành hoàn thành kế hoạch xuất khẩu năm 2019. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương, các đơn vị thành viên của Hugaco đều có lượng đơn hàng ổn định, tích cực mở rộng sản xuất nhằm phấn đấu đạt 550 tỷ đồng doanh thu bán hàng, lợi nhuận trước thuế đạt 65 tỷ đồng theo kế hoạch năm đề ra. Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, Tổng công ty cũng đẩy mạnh nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ quản lý và người lao động. Ðồng thời, tiếp tục mở rộng một số thị trường mới, hướng đến sản xuất ODM (thiết kế sản phẩm gốc), OBM (sản xuất thương hiệu gốc) thay vì cắt may thuê để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Tương tự, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Phong Phú Phạm Xuân Trình khẳng định, để đẩy mạnh hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, thời gian tới, Tổng công ty tiếp tục đổi mới công nghệ và thiết bị hiện đại tự động cao, tiến tới tự động hóa từng công đoạn theo xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tiếp tục phát huy, phát triển nguồn nhân lực, tập trung vào ngành nghề cốt lõi, có thế mạnh để mở rộng thị trường với mục tiêu cả năm đạt doanh thu 4.470 tỷ đồng.

Số liệu thống kê của Hiệp hội DMVN (Vitas) cho thấy, trong bốn tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt 11,43 tỷ USD, tăng 9,56% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ tiếp tục dẫn đầu khi chiếm hơn 39,6%, CPTPP hơn 17%, EU gần 13%, Hàn Quốc gần 10%,... tổng kim ngạch xuất khẩu DMVN. Mặc dù đạt được kết quả khả quan, tuy nhiên, các sản phẩm của DMVN hiện vẫn chủ yếu xuất khẩu vào các thị trường truyền thống mà chưa phát triển đạt kỳ vọng tại các thị trường mới, nhất là các nước thành viên của CPTPP.

Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu đánh giá, đã bốn tháng sau khi CPTPP có hiệu lực, nhưng vẫn chưa cho thấy tín hiệu xuất khẩu tăng trưởng tại các thị trường nội khối CPTPP. Hiện nay, CPTPP có hiệu lực đối với bảy trong số 11 nước thành viên gồm Nhật Bản, Singapore, Canada, Mexico, Australia, New Zealand và Việt Nam. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của DMVN sang thị trường này khoảng 5,3 tỷ USD, riêng Nhật Bản đã chiếm bốn tỷ USD.

Tận dụng tốt cơ hội

Trong các nước nội khối CPTPP hiện nay có Ca-na-đa và Ô-xtrây-li-a là hai thị trường lý tưởng mà DMVN có định hướng đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới (dung lượng của Ca-na-đa khoảng 13 đến 14 tỷ USD/năm, Ô-xtrây-li-a khoảng 9 tỷ USD/năm), trong khi thị phần của DMVN tại hai thị trường này mới đạt dưới 5%. Ngoài CPTPP, hiện các DN cũng đang ngóng đợi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) dự báo có hiệu lực trong năm nay. Nếu suôn sẻ, đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường EU sẽ tăng thêm khoảng 16 tỷ USD, trong đó, cơ hội mang lại đối với DMVN khá lớn (hiện nay xuất khẩu dệt may qua EU mới đạt 5,37 tỷ USD).

Một trong những khó khăn ngành DMVN đang phải đối mặt là phụ thuộc nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu từ nước ngoài, trong khi muốn tận dụng được các cơ hội, đòi hỏi các DN phải chủ động được nguồn nguyên, phụ liệu sản xuất trong nước hoặc nội khối nhằm đáp ứng các yêu cầu đề ra, nhất là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA. Giám đốc điều hành Vinatex Cao Hữu Hiếu cho biết, muốn được hưởng ưu đãi về thuế từ CPTPP, hàng DMVN phải đáp ứng quy tắc xuất xứ chặt chẽ “từ sợi trở đi”, các khâu từ sợi, vải đến cắt may thành quần áo phải có xuất xứ Việt Nam hoặc trong khối CPTPP. Trong khi các nước trong khối CPTPP chỉ đáp ứng được 7% nhu cầu nhập khẩu sợi, vải của Việt Nam để sản xuất hàng xuất khẩu.

Với thực trạng nêu trên, phần lớn DN may của Việt Nam không đáp ứng được quy tắc này vì chủ yếu may gia công, nguồn vải phải nhập khẩu khiến việc đáp ứng quy tắc nêu trên rất khó khăn, không được hưởng ưu đãi 0% theo hiệp định. Ðể tận dụng tốt nhất lợi thế từ CPTPP và giảm thuế suất nhập khẩu từ 18% đến 30% tại một số thị trường mới chưa có hiệp định thương mại tự do như Ca-na-đa, Mê-hi-cô, Pê-ru, chúng ta cần đầu tư chuỗi từ sợi trở đi. Nhưng với quy mô tương đối nhỏ, tính về hiệu quả lại chưa thể cân bằng được so với số thuế giảm. Chính vì vậy, để bảo đảm hiệu quả hoạt động của DN, đòi hỏi phải có lộ trình đầu tư, bước đi phù hợp đối với từng thời điểm.

Tận dụng tốt cơ hội từ CPTPP, các DN cần nắm bắt linh hoạt một số ngoại lệ về quy tắc nguồn cung thiếu hụt hay một số quy tắc quy định cho cả set, cả bộ quần áo có thể cho phép không cần theo quy tắc về xuất xứ vẫn có thể hưởng ưu đãi về thuế. Hoặc các nhóm hàng được áp dụng quy tắc cắt may, không bắt buộc phải có nguyên liệu là vải hay sợi ở nước sở tại, gồm: va-li, túi xách, quần áo trẻ em bằng sợi tổng hợp,… Mặt khác, muốn khai thác các thị trường dệt may trong CPTPP, cần chú trọng tới công tác xúc tiến thương mại, làm việc trực tiếp với khách hàng, tránh các chi phí trung gian không cần thiết. Ðồng thời, DN phải xác định khâu rất quan trọng cần cải thiện là khả năng tự chủ về nguồn nguyên, phụ liệu bằng cách liên doanh, liên kết nhằm đầu tư theo chuỗi, trong đó, xây dựng các trung tâm tại các khu vực, vùng, miền để cung cấp nguyên liệu cho các DN làm hàng may xuất khẩu.

Kết quả xuất khẩu của ngành DMVN thời gian qua cho thấy, nếu không có sự chuẩn bị đầu tư thiết bị, trình độ tay nghề của người lao động, phương pháp quản trị, nhất là sự chủ động về nguồn nguyên, phụ liệu thì những cơ hội từ CPTPP sẽ biến thành thách thức. Do đó, các DN cần quan tâm tới việc đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường nước ngoài. Cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ DN về tài chính, đất đai; có những giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ các rào cản về thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh,… để thúc đẩy xuất khẩu.

Bài và ảnh: QUỲNH CHI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/40554402-mo-rong-thi-truong-xuat-khau-det-may.html