Mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ ưu tiên tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô…
Kiểm soát lạm phát
Tại Hội nghị "Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025" do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 14/12/2024, theo NHNN, trong năm 2024, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm và không đều, lạm phát các nước hạ nhiệt rõ hơn sau thời gian thắt chặt tiền tệ và giá dầu giảm, các Ngân hàng Trung ương hạ lãi suất, thị trường hàng hóa, tiền tệ biến động mạnh do tính bất định của kinh tế toàn cầu. Kinh tế trong nước tăng trưởng tích cực, lạm phát được kiểm soát phù hợp với mục tiêu đề ra. So với các nước trên thế giới, Việt Nam là điểm sáng về kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thu hút vốn FDI.
Tuy nhiên, Việt Nam có độ mở lớn nên gặp nhiều khó khăn, thách thức khi kinh tế thế giới phục hồi chưa bền vững, rủi ro lạm phát vẫn hiện hữu, khả năng chống chịu còn hạn chế, vừa phải thích ứng với tình hình bên ngoài, vừa phải giải quyết các vấn đề nội tại, hậu quả từ những năm trước để lại (đại dịch Covid-19; năm 2023 nền kinh tế có nhiều khó khăn do tác động của kinh tế thế giới), thiên tai, bão lũ, đặc biệt là cơn bão số 3... là những thách thức lớn đặt ra cho điều hành kinh tế vĩ mô.
Trước những thách thức và cơ hội, trên cơ sở những kết quả đạt được và những bài học kinh nghiệm của năm 2023, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động bám sát diễn biến kinh tế thế giới và trong nước để triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng (NH), phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD).
Kết quả, trong điều hành CSTT đã góp phần ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, giữ ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối. Trong điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế; tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay; yêu cầu các TCTD thực hiện báo cáo và công bố công khai mức lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân trên trang thông tin điện tử của TCTD.
Theo báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại (NHTM), đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm khoảng 0,96%/năm so với cuối năm 2023. NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, góp phần hấp thu các cú sốc bên ngoài; đồng thời phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, thanh khoản ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều tăng/giảm, phù hợp với điều kiện thị trường...
Nhiệm vụ và định hướng
Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ ưu tiên tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh... Cụ thể, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT; theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục theo dõi và chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
NHNN cũng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng NH; mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế "tín dụng đen"; tiếp tục theo dõi, đôn đốc các TCTD triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...; triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025" góp phần phát triển hệ thống các TCTD hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh...
Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã điểm lại những kết quả quan trọng về phát triển kinh tế xã hội năm 2024, qua đó biểu dương, đánh giá cao những đóng góp của NHNN cùng các NHTM toàn ngành NH đối với sự phát triển của đất nước. NHNN đã điều hành CSTT hợp lý, hiệu quả, lãi suất ổn định và có xu hướng giảm để hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế; tăng trưởng tín dụng tốt; ổn định tỷ giá; hỗ trợ tín dụng cho các khách hàng bị ảnh hưởng bão số 3 gây ra; tái cơ cấu 2 NH; thanh khoản được bảo đảm... Phó Thủ tướng cũng nhất trí với các phương hướng, nhiệm vụ NHNN đã đề ra cho năm 2025.
Phó Thủ tướng nêu một số nội dung trọng tâm như đề nghị NHNN tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế thế giới để sẵn sàng các giải pháp điều hành kịp thời, phù hợp, hiệu quả; phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để đảm bảo an toàn hệ thống NH, giảm nợ xấu, cung cấp vốn thúc đẩy phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, lưu ý việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của NHNN phải bảo đảm hoạt động bình thường của hệ thống NH phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, không để gián đoạn. Đề nghị NHNN và các TCTD tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trên tinh thần "cả hai cùng thắng".
Ngoài ra, tăng cường bảo mật và bảo đảm an toàn trong hoạt động thanh toán của NH; đẩy mạnh phát triển NH số, thanh toán điện tử, nâng cao tiện ích cho khách hàng... Tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ vốn cho phát triển xanh, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, năng lượng sạch; xử lý nợ xấu; tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém... Điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá ổn định, hợp lý, kiểm soát tốt lạm phát, điều hành tín dụng phù hợp để thúc đẩy phát triển. Đẩy mạnh phòng, chống rửa tiền; tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế trong lĩnh vực NH; kịp thời triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng gặp rủi ro do thiên tại, dịch bệnh.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "NHNN cần coi NH Chính sách Xã hội Việt Nam là một công cụ quan trọng bảo đảm an sinh xã hội để có các biện pháp đầu tư phù hợp, hiệu quả; tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm minh bạch, bình đẳng giữa các NH, doanh nghiệp, bảo đảm an toàn của hệ thống NH".