Mở rộng truy vết giúp tăng hiệu quả trong ngăn chặn dịch COVID-19
Kết quả nghiên cứu được công bố mới đây của một nhóm nhà khoa học thuộc Đại học KULeuven của Bỉ do nhà vi sinh vật học Emmanuel André đứng đầu cho thấy việc mở rộng xét nghiệm và truy vết đã mang lại hiệu quả nhiều hơn trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, trong những tháng đại dịch bùng phát dữ dội nhất tại Bỉ, các nhóm xét nghiệm và truy vết đã liên lạc qua điện thoại với những người có nguy cơ cao và có triệu chứng bệnh, tìm hiểu những cuộc tiếp xúc gần đây nhất của những người này, liên hệ với những đối tượng mà họ tiếp xúc, sau đó yêu cầu họ tự cách ly. Mỗi vùng có một cơ quan riêng phụ trách truy vết và xét nghiệm, chẳng hạn như Cơ quan vì cuộc sống chất lượng (AVIQ) của vùng Wallonia; Ủy ban cộng đồng chung (COCOM) của thủ đô Brussels và cộng đồng người nói tiếng Hà Lan và tiếng Đức. Đây là phương pháp hiệu quả và không tốn kém.
Trong khuôn viên của Đại học KULeuven, một chiến lược xét nghiệm và truy vết quy mô hơn đã được thực hiện từ tháng 9/2020. Chiến lược này đã được nghiên cứu và phân tích trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 5/2021. Khi phát hiện người có triệu chứng bệnh hoặc được chẩn đoán mắc bệnh, nhóm truy vết sẽ lật lại các cuộc tiếp xúc của người đó trong vòng 7 ngày trước đó, thay vì chỉ 2 ngày như quy định hiện nay.
Với phương pháp truy vết ngược dòng mở rộng này, hiệu quả phát hiện các ca bệnh tăng lên đáng kể giúp kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Cụ thể, số lượng các cuộc tiếp xúc được xác định tăng 49,2% và số người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tăng 42%. Theo nhà vi sinh vật học Emmanuel André, đây thực sự là một nghiên cứu đầu tiên ở cấp quốc tế cho thấy hiệu quả và tác dụng của cách tiếp cận mở rộng truy vết tiếp xúc.