Mở rộng và đẩy nhanh việc tiêm vác xin để ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục trên gia súc

Hiện nay, tình hình bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên đàn gia súc vẫn diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Hà Giang. Với sự vào cuộc mạnh của tỉnh, ngành Nông nghiệp và các địa phương, đã từng bước ngăn chặn sự bùng phát, lây lan dịch. Đồng thời, đẩy mạnh tiến độ tiêm vác xin phòng dịch VDNC trên đàn trâu, bò. Để tìm hiểu về diễn biến của dịch VDNC cũng như nỗ lực phòng, chống dịch của tỉnh, trong đó có việc tiêm vác xin cho đàn trâu, bò, Báo Hà Giang điện tử có cuộc trao đổi với đồng chí Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh.

Đồng chí Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh

Đồng chí Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh

P.v: Xin đồng chí cho biết, tình hình diễn biến dịch bệnh VDNC trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào?.

Đ.c Trịnh Văn Bình:

Dịch VDNC đã có những diễn biến phức tạp trong thời gian qua, gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi trong tỉnh. Tính đến hết ngày 3.8.2021, bệnh VDNC đã xảy ra tại 91 xã của 10 huyện, với tổng gia súc mắc bệnh 8.837 con trâu, bò. Trong đó tiêu hủy 596 con (trâu 1 con, bò 595 con) tại 58 xã của 7 huyện, trọng lượng 116.239 kg. Số xã đã qua 21 ngày không phát sinh là 26 xã; Số con đã khỏi triệu chứng lâm sàng 2.316 con.

P.v: Thời gian qua, công tác triển khai tiêm phòng vắc xin VDNC đã được các địa phương thực hiện như thế nào?

Đ.c Trịnh Văn Bình:

Ngành Nông nghiệp cũng như Chi cục Thú y tỉnh xác định, trong công tác phòng, chống dịch bệnh VDNC thì biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất là tiêm phòng vắc xin. Qua đó, đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương bố trí kinh phí và tổ chức tiêm phòng bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 80% số gia súc thuộc diện tiêm. Tính đến ngày 30.7.2021, tổng số vắc xin VDNC đã cung ứng cho các huyện, thành phố là 171.450 liều, bảo đảm tỷ lệ 62% tổng đàn trâu, bò của toàn tỉnh. Đến nay các huyện, thành phố đã thực hiện tiêm được 136.564 con trâu, bò. Một số huyện, thành phố có tỷ lệ đạt cao là: Tp. Hà Giang đạt 95,4% so với tổng đàn; huyện Yên Minh đạt 84,5% so với tổng đàn; huyện Đồng Văn đạt 76,5% so với tổng đàn; huyện Bắc Mê đạt 70,3% so với tổng đàn.

Từ thực tế công tác tiêm phòng vắc xin VDNC cho đàn trâu, bò tại các huyện, thành phố cho thấy, các huyện, thành phố kịp thời bố trí kinh phí và tổ chức tiêm phòng với tỷ lệ cao thì dịch bệnh được khống chế, giảm số lượng gia súc mắc bệnh như: Huyện Yên Minh, Bắc Mê, Đồng Văn và huyện Bắc Quang, đến nay đã công bố hết dịch trên địa bàn.

Hình ảnh một con bò mắc bệnh VDNC tại xã Yên Cường, huyện Bắc Mê (Hồng Cừ)

Hình ảnh một con bò mắc bệnh VDNC tại xã Yên Cường, huyện Bắc Mê (Hồng Cừ)

P.v: Để đẩy mạnh việc tiêm phòng vắc xin, tiến tới tiêm phòng đầy đủ cho đàn trâu, bò toàn tỉnh, chúng ta còn gặp những khó khăn gì thưa đồng chí?

Đ.c Trịnh Văn Bình:

Với chức năng của mình, Chi cục Thú y tỉnh đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh bố trí kinh phí phòng, chống dịch VDNC trên địa bàn tỉnh, trong đó vắc xin tiêm phòng phải đảm bảo đạt 90% tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh. Về nguồn cung vác xin VDNC hiện nay không khó khăn, có thể đáp ứng được yêu cầu của các địa phương. Tuy nhiên, để đẩy mạnh việc tiêm phòng vắc xin trong thời gian tới, tiến tới tiêm phòng đầy đủ cho đàn trâu, bò toàn tỉnh, chúng ta gặp một số khó khăn sau:

Việc bố trí kinh phí chống dịch tại một số địa phương chưa kịp thời, nhất là kinh phí mua vắc xin để tiêm phòng khẩn cấp bao vây ổ dịch. Việc thực hiện xã hội hóa người dân chi trả toàn bộ vắc xin tiêm phòng thực hiện còn nhiều bất cập... Vì vậy, tiến độ tiêm phòng chậm, tỷ lệ tiêm đạt thấp làm dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan thời gian qua, đặc biệt trong tháng 7. Cùng với đó, công tác tuyên truyền chưa thực sự sâu rộng, một bộ phận người dân chưa hiểu được tác hại của dịch bệnh và hiệu quả của việc tiêm phòng vắc xin VDNC cho đàn trâu, bò để ngăn chặn, khống chế dịch bệnh nên chưa quan tâm, còn chủ quan.

Một khó khăn nữa là đội ngũ nhân viên khuyến nông, khuyến lâm, thú y, môi trường ở thôn, tổ dân phố theo Nghị quyết số 40/2020/NQ-HĐND ngày 9.12.2020 của HĐND tỉnh được hưởng mức bồi dưỡng còn hạn hẹp, nên khó khăn trong việc huy động lực lượng này dành tâm huyết tham gia phòng, chống dịch bệnh VDNC, đặc biệt là tiêm phòng vắc xin VDNC cho đàn trâu, bò. Cùng với đó, do nhận thức của bà con ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa chưa đồng đều, bà con vẫn còn tin tưởng vào các phương pháp phòng, điều trị bệnh theo dân gian cho đàn trâu, bò, như bôi dầu cao, đắp lá cây thuốc, thậm chí còn có hộ mời cả thầy cúng…, do đó, vừa không hiệu quả trong phòng, chống, điều trị bệnh mà còn có nguy cơ khiến dịch bùng phát, khó khống chế.

Đặc biệt, do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diến biến phức tạp nên việc nhập và cung ứng vắc xin VDNC cho các huyện gặp khó khăn, đặc biệt là nhập vắc xin VDNC từ đơn vị cung ứng có địa chỉ tại Hà Nội. Do việc chúng ta thực hiện các quy định về giãn cách theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 nên cũng phần nào ảnh hưởng đến công tác tập trung nhân lực phòng, chống dịch. Cùng với đó, do địa bàn Hà Giang chia cắt, đường xá cơ sở hết sức khó khăn, ảnh hưởng đến việc bảo quản, vận chuyện vác xin đảm bảo chất lượng, yêu cầu. Trước những khó khăn đó, chúng ta cần phải nỗ lực khắc phục để có thể mở rộng việc tiêm vác xin đảm bảo cho ít nhất 90% số lượng trâu, bò. Từ đó, từng bước ngăn chặn, khống chế dịch trên địa bàn toàn tỉnh.

P.v: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh!

Đ.T

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/phong-chong-thien-tai-va-dich-benh/202108/mo-rong-va-day-nhanh-viec-tiem-vac-xin-de-ngan-chan-benh-viem-da-noi-cuc-tren-gia-suc-780065/