Mở rộng vùng rau an toàn Thủ đô
Xây dựng cơ chế chính sách phát triển các vùng chuyên canh rau an toàn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cơ hội tiếp cận nguồn thực phẩm sạch của người dân. Tuy nhiên, để thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh của người dân, đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều ngành, nhiều cấp, sự liên kết giữa các tỉnh, thành phố cũng như sự nhập cuộc nhanh nhạy của các nhà đầu tư.
Xây dựng cơ chế chính sách phát triển các vùng chuyên canh rau an toàn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cơ hội tiếp cận nguồn thực phẩm sạch của người dân. Tuy nhiên, để thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh của người dân, đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều ngành, nhiều cấp, sự liên kết giữa các tỉnh, thành phố cũng như sự nhập cuộc nhanh nhạy của các nhà đầu tư.
Quy hoạch chậm và rối
Quyết định số 5391/QÐ-BNN-TT, ngày 26-12-2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) được ban hành nhằm xây dựng quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn (RAT) cung cấp cho TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Theo đó, tính riêng TP Hà Nội đã quy hoạch khoảng 22 nghìn đến 26 nghìn ha đất nông nghiệp để sản xuất RAT tại chín tỉnh, thành phố thường xuyên cung cấp rau cho TP Hà Nội, gồm: Vĩnh Phúc (2.500 ha), Hà Nam (915 ha), Hưng Yên (710 ha), Bắc Giang (3.000 ha), Bắc Ninh (2.035 ha), Sơn La (460 ha), Hòa Bình (5.000 ha), Lào Cai (600 ha), Hà Nội (6.940 ha). Ðịnh hướng đến năm 2030 vùng cung cấp rau cho TP Hà Nội tại các tỉnh trong vùng quy hoạch đạt khoảng 106.000 - 125.000 ha.
Quy hoạch đã tính toán đến bình diện của từng vùng, và người sản xuất kỳ vọng được hỗ trợ, khuyến khích áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… để tạo ra sản phẩm chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP); khuyến khích DN và Hợp tác xã (HTX) liên kết với người dân. Song sau ba năm, trên thực tế việc thực hiện QÐ 5391 chưa hề có tiến triển. Trong khi các tỉnh, thành phố còn chưa có động thái phối hợp triển khai QÐ này, thì lại đến thời điểm Luật Quy hoạch có hiệu lực. Vậy là kể từ ngày 1-1-2019, các địa phương không còn thực hiện theo quyết định của Bộ NN&PTNT, thay vào đó, tự lên phương án quy hoạch vùng RAT cho mình, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) - đơn vị được giao chủ trì, tham mưu cho bộ hướng dẫn các địa phương trong vùng quy hoạch triển khai thực hiện phương án quy hoạch, cho biết.
Ở góc độ chuyên gia nông nghiệp, ông Hoàng Trọng Thủy cho rằng, việc quy hoạch vùng sản xuất RAT vô cùng phức tạp và phải tính toán nhiều vấn đề. Cách thức để Bộ NN&PTNT quy hoạch cho các tỉnh, thành phố rất khó thành công vì mang tính áp đặt, chủ quan. Thêm nữa, đất đai là do nông hộ quản lý, việc trồng cây gì để cung cấp ra thị trường còn phụ thuộc nguồn lao động của hộ dân đó, cộng với nguồn đầu tư, hỗ trợ và phối hợp của các HTX nông nghiệp. Mấu chốt của vấn đề vẫn phải trông vào quyết tâm hành động của các địa phương.
Phát triển vùng chuyên canh - cách nào?
Quay trở lại với quy hoạch vùng RAT ở Hà Nội. Vào năm 2012, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định 17/2012/QÐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nông nghiệp TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng năm 2030. Cũng trong năm này, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 7260/UBND-KH&ÐT chấp thuận phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất rau quả an toàn đến năm 2020 ở một số xã, thị trấn khu vực ngoại thành. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn vướng mắc ở khâu thực thi.
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục ban hành Kế hoạch số 137/KH-UBND ngày 3-7-2020 về việc "Duy trì, mở rộng phát triển sản xuất và tiêu thụ RAT thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025". Theo đó thành phố chỉ đạo ngành nông nghiệp mở rộng thêm từ 3.000-4.000 ha sản xuất RAT, với giá trị sản xuất đạt từ 300-500 triệu đồng/ha/năm. Ðồng thời, tăng cường kiểm soát 30-40 mô hình chuỗi cung cấp RAT và 100% sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm ATTP. Với phần diện tích sản xuất rau không chuyên canh, nhỏ lẻ, manh mún, xen kẹt, thành phố chỉ đạo quản lý và hướng dẫn thực hiện theo đúng quy trình sản xuất an toàn.
Tuy nhiên, cần phải nhắc đến thực tế, với 5.044 ha sản xuất tập trung, sản lượng rau xanh do địa bàn Hà Nội sản xuất mới đạt hơn 700.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 65% nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô, phần còn lại do các địa phương khác chuyển về. Như vậy, sẽ không thể thiếu sự phối hợp quy hoạch những vùng rau "vệ tinh" quanh Hà Nội để bảo đảm tốt hơn về nguồn rau. Theo GS, TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, ở các tỉnh quanh Hà Nội đều đã có những quy hoạch, kế hoạch của riêng họ. Song hạn chế của các vùng chuyên canh hiện nay là sản xuất vẫn trên nền tảng nhỏ lẻ, chưa tính nhiều đến tham gia chuỗi liên kết, kể cả liên kết giữa các tỉnh, thành phố. Giải bài toán khó này, cần thu hút nguồn lực để phát triển các vùng chuyên canh đúng nghĩa, đạt cả về chất lượng và sản lượng. "Các tỉnh phát triển RAT, để không chỉ cung cấp cho nội tại tỉnh đó, mà còn bán cho đô thị đông dân như Hà Nội", ông Sơn nhấn mạnh.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay thành phố đã có kết nối, hợp tác về sản xuất, tiêu thụ nông sản với nhiều tỉnh. Riêng Hà Nam đã quy hoạch 20 vùng chuyển đổi trồng rau, quả chất lượng cao để cung cấp cho thị trường Hà Nội.
Ðể sự liên kết sản xuất và tiêu thụ đạt hiệu quả cao, ông Hoàng Trọng Thủy kiến nghị: "Hiện nay Luật Ðất đai chưa rõ chính sách về tập trung, tích tụ đất đai, nên người dân không muốn cho thuê đất, DN thì không muốn đầu tư. Bởi thế cần chỉnh Luật Ðất đai theo hướng rõ ràng hơn về tích tụ đất đai, để người dân tin và mạnh dạn đứng ra đầu tư".
Thêm nữa, theo các chuyên gia, rất cần đến sự phối hợp nhịp nhàng của các địa phương và quyết tâm cao của chính người dân, các HTX nông nghiệp, là chủ thể trong quy hoạch ở các địa phương, nếu không sẽ rất khó kiểm soát về chất lượng khi rau được đưa về Hà Nội. Ðồng thời cũng cần tạo cơ chế để những vùng đã được quy hoạch hoặc đã giải phóng mặt bằng có thể xây dựng đạt hiệu quả.
Ông Lê Ngọc Khanh, Chủ tịch hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam, nêu ý kiến: Nhà nước tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất RAT; ứng dụng cơ giới hóa phù hợp sản xuất rau (máy xới tay, máy phun thuốc, hệ thống tưới tiết kiệm...); áp dụng các biện pháp kỹ thuật có hiệu quả cao (nhà lưới, phủ bạt, khay gieo hạt...); ứng dụng các chế phẩm sinh học trong canh tác (phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học...); nghiên cứu khai thác thiên địch để phòng, chống sâu bệnh hại, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Một vấn đề khác, để RAT có chỗ đứng trên thị trường, cần những cơ chế, chính sách khuyến khích của nhà nước, đồng thời kết nối để người trồng rau và DN tiêu thụ rau gặp được nhau. Bà Phạm Thị Lý, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (huyện Ðông Anh) đề xuất: Ðiều cần làm là tạo điều kiện để các HTX liên kết với các chuỗi cung ứng nông sản, siêu thị, giúp RAT không còn bị đánh đồng với rau trôi nổi.
Với một thành phố đông dân thứ nhì cả nước như Hà Nội, nhu cầu tiêu thụ RAT của hơn tám triệu người dân vô cùng lớn. Bởi thế, việc triển khai các kế hoạch phát triển vùng, liên kết các tỉnh rất cần sự vận động của người nông dân, các HTX, DN… đã đến lúc RAT dần tìm được thị phần của mình.
Dự báo đến năm 2025, nhu cầu rau xanh tại Hà Nội khoảng 1.205.000 tấn, trong đó, Hà Nội tự sản xuất 799.200 tấn, còn lại 405.800 tấn được cung cấp từ các tỉnh khác. Ðến năm 2030, nhu cầu tăng lên là 1.315.000 tấn. Năng lực sản xuất tại Hà Nội đạt 867.500 tấn, các tỉnh khác cung cấp 447.500 tấn.
Tổ chức chuyên đề: Lưu Hương, Nguyễn Văn Học, Lê Ðức Nghĩa.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/chuyen-de-cuoi-tuan/mo-rong-vung-rau-an-toan-thu-do-631983/