Mộ soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền được xếp hạng Di tích Lịch sử

Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền là nhà nho, giỏi chữ Hán Nôm, ông tinh thông chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp. Ông sáng tác nhiều thể loại như thơ, thơ tuồng, đặc biệt là tuồng cải lương; là một trong những người mở đường cho nghề soạn tuồng, làm thầy tuồng cải lương, với di sản đồ sộ với hơn 90 tuồng, trong đó có nhiều tuồng kinh điển như 'Phụng Nghi Đình', 'Giọt máu chung tình' (Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà)...

Sáng 11-10, lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích Lịch sử cấp thành phố "Mộ soạn giả - Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền", diễn ra tại phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Đại diện lãnh đạo quận Thốt Nốt đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử cấp thành phố "Mộ soạn giả - Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền"

Đại diện lãnh đạo quận Thốt Nốt đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử cấp thành phố "Mộ soạn giả - Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền"

Soạn giả Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền sinh năm 1876 (tức năm Bính Tý) tại làng Thạnh Hòa Trung Nhứt, tổng Định Mỹ, quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên; nay là phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền là nhà nho, giỏi chữ Hán Nôm, ông tinh thông chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp. Ông sáng tác nhiều thể loại như thơ, thơ tuồng, đặc biệt là tuồng cải lương.

Trong 50 năm cầm bút, làm thầy tuồng, Soạn giả Mộc Quán–Nguyễn Trọng Quyền đã có những đóng góp to lớn: Góp công khai sáng nghệ thuật cải lương; tham gia lập gánh hát Tập Ích Ban, gánh hát đầu tiên vùng Long Xuyên – Cần Thơ.

Ông là một trong những ngườimở đường cho nghề soạn tuồng, làm thầy tuồng cải lương, với di sản đồ sộ: hơn 90 tuồng, trong đó có nhiều tuồng kinh điển như “Phụng Nghi Đình”, “Đêm trăng vĩnh biệt” (Huyền Trân công chúa), “Giọt máu chung tình” (Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà), “Hoa Mộc Lan tùng quân”… Trong đó, có 3 trích đoạn cải lương kinh điển được đưa vào giáo trình giảng dạy của Trường Đại học Sân khấu TPHCM.

Một góc Khu Di tích Lịch sử Mộ soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền

Một góc Khu Di tích Lịch sử Mộ soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền

Ngày 21-9-1953, Mộc Quán qua đời, được con cháu an táng tại quê nhà. Mộ Soạn giả Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền sau hai lần cải táng, di dời vẫn được giữ nguyên vẹn hài cốt bên trong, được chính quyền và nhân dân Cần Thơ xây dựng khang trang trong khuôn viên Khu tưởng niệm tại khu vực Qui Thạnh 1, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt.

Đây là nơi yên nghỉ của một soạn giả với 50 năm cầm bút, làm thầy tuồng, đã góp công hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương thời kỳ đầu ở Nam bộ.

Nơi thờ soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền

Nơi thờ soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền

Theo bà Nguyễn Thị Mỹ, Phó Giám đốc Bảo tàng TP Cần Thơ, cùng với các Di tích Lịch sử - Văn hóa, điểm du lịch như: Đình Thạnh Hòa, Vườn cò Bằng Lăng, hệ thống nhà cổ, các điểm vườn du lịch sinh thái trên Cù lao Tân Lộc, Di tích Lịch sử Mộ Soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền sẽ là điểm tham quan kết nối giữa trung tâm thành phố và quận Thốt Nốt, nhằm góp phần phát huy di tích gắn với phát triển du lịch trên địa bàn TP Cần Thơ.

CAO PHONG - HỮU LỄ

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/mo-soan-gia-moc-quan-nguyen-trong-quyen-duoc-xep-hang-di-tich-lich-su-621922.html