Mở tiếp 5 vòm cầu Phùng Hưng: Thêm phố đi bộ trong tương lai?

Một năm sau khi mở thành công vòm cầu đầu tiên, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội được chấp thuận để tái thi công đục thông năm vòm cầu liên tiếp.

Làm cuốn chiếu

Cục Đường sắt Việt Nam ngày 9/4/2020 ký văn bản số 568 về cải tạo thí điểm các ô vòm cầu từ 79 đến 83 đoạn đường dẫn cầu Long Biên, tuyến đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng. Cục đồng ý để BQL Phố cổ Hà Nội chủ trì thực hiện cải tạo năm vòm cầu này, với mục đích hoàn chỉnh đồng bộ các hạng mục không gian hai bên mặt vòm (đoạn từ phố Hàng Giấy đến phố Hàng Cót).

Vòm cầu số 93 đục thông thí điểm thành công Ảnh: DUY PHẠM

Vòm cầu số 93 đục thông thí điểm thành công Ảnh: DUY PHẠM

Cục Đường sắt yêu cầu mỗi đợt chỉ được tiến hành thi công từng vòm, tổ chức kiểm tra, theo dõi đảm bảo an toàn trong quá trình thi công. Trước khi thi công, BQL phải chủ trì phối hợp với Tổng cty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan để xác định các công trình nằm trong phạm vi thi công, thống nhất biện pháp để đảm bảo an toàn.

“Việc thi công cải tạo thí điểm các ô vòm cầu nêu trên không làm ảnh hưởng đến ổn định, tuổi thọ, đảm bảo an toàn công trình cầu đường sắt, an toàn giao thông vận tải đường sắt, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, kết cấu chịu lực và nhiều quy định khác”, lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam nêu.

Khi được hỏi lí do ngưng trệ cả năm nay mới được đục tiếp năm vòm cầu, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết do phải chờ đợi quy trình thẩm định, thủ tục phê duyệt từ phía cơ quan chức năng. Vòm cầu số 93 được mở ra từ tháng 6/2019, đảm bảo các yếu tố về an toàn chịu lực cho cây cầu, đúng dự liệu của nhóm các chuyên gia khảo sát trước đó.

Tổng Giám đốc Tổng cty Đường sắt Việt Nam ngày 26/5/2020 ký Quyết định số 359 về việc chấp thuận mở điểm thi công xây dựng Công trình cải tạo thí điểm 5 ô vòm đá từ số 79 đến 83 đoạn đường dẫn phía Nam cầu Long Biên. Nội dung được thực hiện: Thi công đúng nội dung được Cục Đường sắt Việt Nam cho phép tại văn bản 568 ngày 9/4/2020, đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt với quy mô chủ yếu: Đục phá phần đá xây bịt của vòm cầu cũ kết hợp với gia cố chống đỡ vòm cầu cũ bằng kết cấu khung vòm thép, sử dụng dầm bó ray để gia cường cho đường sắt khu vực vòm đá, kết hợp xử lý hạng mục thoát nước, chống thấm vòm đá xây cũ, sửa chữa một số hư hỏng phát sinh nếu có khi đục thông vòm, hoàn thiện mặt ngoài vòm đá sau khi đục thông và gia cố.

MỞ RA KHÔNG GIAN MỚI

Mở thêm năm vòm cầu chỉ là bước đầu trong dự án cải tạo không gian vòm cầu dẫn lên cầu Long Biên. Ông Phạm Tuấn Long cho biết, song song với việc đục thông vòm cầu, quận giao BQL Phố cổ Hà Nội chủ trì thiết kế không gian bên trong vòm cầu sau khi đục thông. “Chúng tôi xác định phố đi bộ Phùng Hưng trong tương lai sẽ gắn với nghề thủ công truyền thống, thủ công mỹ nghệ của quận Hoàn Kiếm tạo ra không gian văn hóa, thương mại và dịch vụ”, ông Long nói.

Phác thảo không gian bên trong ô vòm cầu Phùng Hưng trong tương lai

Phác thảo không gian bên trong ô vòm cầu Phùng Hưng trong tương lai

Còn nhớ khi không gian bích họa Phùng Hưng khai trương năm 2018, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm đã nhắc tới kế hoạch dài hơi để biến Phùng Hưng thành phố đi bộ trong tương lai. Khu phố này kết nối với các đường ngang trong khu vực như chợ Đồng Xuân, phố đi bộ quanh Hồ Gươm, tuyến phố chợ đêm Đồng Xuân-Hàng Đường-Hàng Ngang-Hàng Đào. Tháng 7 này, quận Hoàn Kiếm khai trương không gian phố đi bộ mở rộng phía Nam phố cổ Hà Nội, nhằm kết nối không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm với khu vực phụ cận thành thể thống nhất, dần dần mở ra cả không gian đi bộ khắp phố cổ Hà Nội.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giám tuyển khu bích họa Phùng Hưng cho rằng, mở thêm không gian văn hóa, thương mại và dịch vụ ở tuyến phố Phùng Hưng này là điều nên làm và tín hiệu vui. “Khu vực này có thể trở thành không gian làng nghề, trưng bày tác phẩm nhỏ, cà phê nghệ thuật... Thực tế khu vực này chưa có đời sống về đêm, vì thế Hà Nội có thể đưa nơi đây thành không gian biểu diễn cũng rất thú vị, nhất là cho các hoạt động sắp đặt, mỹ thuật để tăng tính tương tác nhiều hơn là chỉ là nơi để chụp ảnh”, anh nói.

Chính vì dự án đục thông và cải tạo không gian nghệ thuật cộng đồng ở Phùng Hưng trong tương lai, nên tác phẩm bích họa Phùng Hưng trước đó chỉ được thực hiện trên các tấm tháo rời. Sứ mệnh của nó là đánh thức không gian bị lãng quên. Sự xuất hiện của bích họa Phùng Hưng thay đổi diện mạo của khu vực này, đúng như Nguyễn Thế Sơn đánh giá “đánh thức cảm thức về nơi chốn thường bị bỏ quên trong quá trình đô thị hóa”. Những giá trị văn hóa bị khuất lấp, đôi khi nhường chỗ cho giá trị kinh tế trước mắt. Vì thế mở ra không gian đi bộ Phùng Hưng với không gian nghệ thuật, dịch vụ bên trong các ô vòm cầu chính là làm giàu thêm đời sống văn hóa cho Hà Nội.

“Không gian Phùng Hưng được đánh thức, sau này thậm chí có thể kết nối với cả khu nghệ thuật Phúc Tân thành khu vực đi bộ. Cây cầu Long Biên sau này cũng dần biến đổi trở thành biểu tượng văn hóa nhiều hơn, bớt công năng phục vụ giao thông đi lại. Tôi nghĩ trong tương lai, khu phố cổ trở thành khu vực đi bộ hoàn toàn, dần dần biến thành phố cổ tương tự Hội An. Khu vực này chính là khu vực lõi về văn hóa nghệ thuật của Hà Nội”, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn nêu quan điểm.

Phát triển không gian văn hóa 131 vòm cầu

Chủ tịch UBND TP Hà Nội đồng ý nguyên tắc ý tưởng thiết kế tổng thể phát triển không gian văn hóa, thương mại, dịch vụ đối với 131 vòm cầu dẫn đường sắt phía Nam cầu Long Biên và ý tưởng phân chia chức năng khu vực sử dụng theo chủ đề.

Lãnh đạo thành phố giao UBND quận Hoàn Kiếm đôn đốc đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến để hoàn thiện hồ sơ thiết kế tổng thể và chi tiết dự án; đề xuất mô hình cơ chế đầu tư, cơ chế khai thác kinh doanh, đảm bảo đúng quy định về quản lý và sử dụng tài sản công; đề xuất hình thức đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư và thời gian khai thác bao năm để đảm bảo thu hồi vốn.

Nguyên Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/mo-tiep-5-vom-cau-phung-hung-them-pho-di-bo-trong-tuong-lai-1684074.tpo