Mô típ làm video vì người nghèo tràn lan trên TikTok

Dạng video làm vì người có hoàn cảnh khó khăn như Nờ Ô NÔ tràn lan trên mạng xã hội, nhưng lằn ranh giữa thực sự giúp đỡ và làm tổn thương họ là rất mong manh.

“Hello bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn”, “Nghèo mà còn chê đồ ăn nữa, vậy thôi khỏi ăn. Giờ hỏi lại có ăn hay không?”, “Phở rẻ vậy mà bà không có tiền mua ăn nữa hả?”, “Bớt nghèo lại đi nha”.

Đó là loạt phát ngôn gây bức xúc của TikToker tai tiếng Nờ Ô NÔ (hay Tuấn Brice) với một phụ nữ lớn tuổi trong clip đi làm từ thiện mới đây.

Cách dùng từ ngữ của người này được cho là thể hiện sự thiếu tôn trọng, khinh thường người có hoàn cảnh khó khăn.

Dù đã lên tiếng xin lỗi, Nờ Ô NÔ vẫn không thể xoa dịu cộng đồng mạng khi khẳng định những câu nói của mình “chỉ là cho vui”.

Đây không phải nhà sáng tạo duy nhất trên TikTok gây tranh cãi với nội dung làm việc tốt mà không ai yêu cầu. Wired nhận định không ít clip từ thiện trên nền tảng này đang tạo ra sự khó chịu về mặt đạo đức.

 Mang danh nghĩa đi làm từ thiện nhưng TikToker Nờ Ô NÔ lại gọi người được giúp đỡ là “bà già nghèo khổ” hay miệt thị “nghèo mà còn chê đồ ăn”.

Mang danh nghĩa đi làm từ thiện nhưng TikToker Nờ Ô NÔ lại gọi người được giúp đỡ là “bà già nghèo khổ” hay miệt thị “nghèo mà còn chê đồ ăn”.

Dễ gây tổn thương

“Random acts of kindness” (việc tốt ngẫu nhiên) và “Honesty test” (Thử lòng trung thực) là 2 trong số trào lưu liên quan tới việc làm từ thiện gây tranh cãi trên TikTok.

Theo MIC, thoạt nhìn, các video “việc tốt ngẫu nhiên” có vẻ vô hại. Nội dung có thể là TikToker cho một người đàn ông vô gia cư 500 USD để thuê phòng khách sạn hay bí mật trả tiền số hàng tạp hóa cho một phụ nữ khi cô không để ý.

Tuy nhiên, càng theo dõi clip kiểu này, người xem dễ dàng nhận ra một khuôn mẫu khó chịu: những người đàn ông (chủ yếu là người da trắng) cho đi thứ gì đó mà người người nhận không hề yêu cầu.

Mục tiêu của các “hành động tử tế” này thường là phụ nữ, người da màu hoặc người già. Về cơ bản, các TikToker này dường như đang thuyết phục bản thân và người theo dõi họ rằng mình là người nhân đạo, không bao giờ “thù ghét phụ nữ” hay “phân biệt chủng tộc”.

Chắc chắn, “việc tốt ngẫu nhiên” có thể tạm thời giúp đỡ người nào đó đang gặp khó khăn, nhưng không thể bỏ qua động cơ lợi ích ở đây.

Thực tế, một số TikToker kêu gọi khán giả gửi tiền cho mình. Họ khẳng định sẽ đưa đến tận tay người cần, nhưng không có cơ chế minh bạch nào để đảm bảo điều đó.

 Các “hành động tử tế” của TikToker thường nhắm đến phụ nữ, người da màu hoặc người già.

Các “hành động tử tế” của TikToker thường nhắm đến phụ nữ, người da màu hoặc người già.

Ngoài ra, những người nhận được sự giúp đỡ thường bị mắc kẹt trong thời điểm tồi tệ nhất cuộc đời như vô gia cư hay nghèo đói. Đó là những trải nghiệm đau thương mà ít ai muốn được hàng triệu người lạ ghi nhớ và xem đi xem lại, đặc biệt nếu đó là cách để TikToker kiếm lợi và cảm thấy tốt hơn về bản thân.

Điều đáng lo ngại nhất là trước khi cho tiền hay tặng quà, TikToker thường ép người nhận làm gì đó và buộc họ phải kể lể rằng mình tuyệt vọng như thế nào vì không có đồng xu dính túi.

Đó là trường hợp có thể thấy ở video của Jimmy Darts, người được cho là “ông vua” của thể loại video từ thiện trên TikTok, khi yêu cầu một người đàn ông da đen vô gia cư ném bóng qua lại với mình để vinh danh Ngày của Cha.

Nhiều người xem cảm thấy khó chịu với thái độ trịch thượng và cách sử dụng từ ngữ của Darts như thể đang nói chuyện với một đứa trẻ. Trong khi đó, điều anh ta cần chỉ là làm điều tốt và không cần rêu rao cho cả thế giới biết.

Về các clip “thử lòng trung thực”, TikToker thường tiếp cận người vô gia cư và giả vờ cần họ giúp đỡ về tiền bạc. Nếu đồng ý cho đi số tiền được hỏi xin, người vô gia cư sẽ kinh ngạc khi được tặng lại số tiền gấp 50, thậm chí 100 lần.

Zachery Dereniowski thu hút 9,3 triệu người theo dõi nhờ những nội dung như vậy. Tất nhiên, TikToker này không hoàn toàn bỏ tiền túi ra, mà được người theo dõi mình quyên góp.

Trong số các “thử nghiệm xã hội” khác, TikToker giả bộ làm rơi tiền trước mặt người lạ, chủ yếu là người vô gia cư, và xem họ có đút túi làm của riêng hay không.

Cuối cùng, những người “không trung thực” cảm thấy bẽ bàng trước hàng triệu người xem, trong khi ai “trung thực” được khen thưởng về mặt tài chính.

Theo Wired, các video này đặt ra câu hỏi lớn về bản chất của hoạt động từ thiện hiện đại.

Phân biệt tuổi tác

Chia sẻ trên The Conversation, hai chuyên gia từ Đại học New South Wales (Australia) là Natasha Ginnivan, nghiên cứu viên liên ngành, và Kaarin Anstey, Giám đốc Viện Tương lai Người cao tuổi, nhận định hành động tử tế có thể nâng cao phúc lợi cho người cho, người nhận và thậm chí cả người theo dõi.

Những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã tìm ra cách để biến điều này thành hàng hóa bằng cách thể hiện đầy tính ngẫu nhiên và bất ngờ. Tuy nhiên, đó không đơn giản là “việc tốt ngẫu nhiên”, mà phản ánh rõ sự phân biệt tuổi tác.

Khi chọn đối tượng để cho tiền hay tặng quà thường là người lớn tuổi, TikToker đã nhấn mạnh thành kiến rằng nhóm này cần được “giúp đỡ” hoặc “hỗ trợ đặc biệt”.

Sự phân biệt còn thể hiện ở cách người đi làm từ thiện đôi khi sử dụng cách nói thiếu tôn trọng để giao tiếp với người lớn tuổi, xoáy sâu rằng họ rất cần sự thương hại.

 TikToker Harrison Pawluk từng bị chỉ trích dữ dội vì vào vai người tốt, giả vờ tặng hoa cho một người phụ nữ lớn tuổi ở Melbourne (Australia) và chia sẻ lên mạng xã hội nhằm câu kéo lượt xem.

TikToker Harrison Pawluk từng bị chỉ trích dữ dội vì vào vai người tốt, giả vờ tặng hoa cho một người phụ nữ lớn tuổi ở Melbourne (Australia) và chia sẻ lên mạng xã hội nhằm câu kéo lượt xem.

Các đặc điểm phân biệt tuổi tác được củng cố về mặt văn hóa bởi những mô tả trên truyền thông khiến “người lớn tuổi”, đặc biệt là phụ nữ, được cho là những người cô đơn và cần được ban phát tình thương.

Nhiều “việc tốt ngẫu nhiên” trên TikTok có thể mang âm hưởng đáng tiếc của phân biệt tuổi tác và phân biệt giới tính.

Những người phụ nữ lớn tuổi được nhắm mục tiêu theo cách này có thể cảm thấy danh tính của họ bị giảm xuống chỉ còn là một người đáng được thương hại.

Mô típ của những video từ thiện TikTok kiểu này là ví dụ rõ ràng về khuôn mẫu phân biệt tuổi tác được biểu hiện như thể sự quan tâm.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mo-tip-lam-video-vi-nguoi-ngheo-tran-lan-tren-tiktok-post1379332.html