Mô tô phân khối lớn: Mối nguy khi quản lý lỏng lẻo
Vụ việc lái xe mô tô phân khối lớn hất văng nữ công nhân môi trường tại Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) vừa qua khiến dư luận lo lắng về ý thức và kỹ năng của một bộ phận người điều khiển loại phương tiện này.
Thực tế, vi phạm luật giao thông của người điều khiển mô tô phân khối lớn khá phổ biến, trong khi những bất cập về công tác quản lý đã được chỉ ra từ lâu nhưng chưa được khắc phục.
Giật mình với tiếng nẹt pô, “lạnh gáy” với những pha lượn lách tốc độ cao, đó là cảm nhận của anh Cù Văn Lý, tài xế thường xuyên di chuyển trên đường Võ Nguyên Giáp, Hà Nội, khi chứng kiến những vi phạm phổ biến của nhiều người điều khiển mô tô phân khối lớn.
"Khoảng 11h đêm, các xe phân khối lớn hay chạy vào đường cấm xe máy, đi rất nhanh và lạng lách ngay trước mặt xe ô tô, nẹt pô to thấy sợ. Có người đội mũ bảo hiểm, có người không, vì đi giờ đấy người ta nghĩ là không có lực lượng chức năng làm việc".
Đường phố nội đô không thể đi nhanh, do đó, những tuyến đường cao tốc, quốc lộ, vành đai bị biến thành nơi tìm kiếm cảm giác mạnh của “quái xế”, đẩy cảm giác bất an đến những người cùng tham gia giao thông:
"Đại lộ Thăng Long thấy mô tô phân khối lớn phóng nhanh lắm, ngồi trong xe nghe tiếng pô vẫn giật cả mình. Thi thoảng cũng gặp nhóm 5 - 7 người, cá nhân một người cũng có, ngày cuối tuần là nhiều, đa số họ đi phượt".
"Cầu Nhật Tân, đường Võ Chí Công, QL5 kéo dài, có những lần mình gặp họ đi qua đèn đỏ không dừng lại, độ thêm pô, đèn công suất cao chói mắt, và còi còn to hơn cả xe tải cơ. Mình thấy rất ít chốt giao thông xử lý được trường hợp này".
Sau khi Thông tư 38 năm 2013 của Bộ GTVT bãi bỏ quy định giới hạn cấp GPLX hạng A2, số người sử dụng mô tô phân khối lớn gia tăng nhanh chóng. Mỗi năm có khoảng 5.000 - 7.000 xe mô tô phân khối lớn được bán ra tại Việt Nam.
Trong khi đó, mạng lưới đường sá hiện nay vẫn là giao thông phức hợp, ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng lái xe còn nhiều hạn chế, dẫn đến nhiều vụ TNGT nghiêm trọng.
Điển hình là vụ việc mô tô phân khối lớn đâm chết người sang đường tại TP.HCM ngày 13/11/2022, hay va chạm giữa mô tô phân khối lớn với xe máy khiến 1 người chết, 1 người bị thương tại Quảng Trị ngày 7/8/2022.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội chia sẻ một số khó khăn trong công tác tuần tra, xử lý như: vi phạm liên quan xe mô tô phân khối lớn thường diễn ra vào buổi tối, việc dừng xe có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và cán bộ làm nhiệm vụ, lực lượng chưa được trang bị máy đo cường độ âm thanh.
Thời gian tới, Phòng CSGT Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các tổ công tác 141, nắm bắt tình hình và tổ chức vây bắt các nhóm đối tượng vi phạm.
Theo TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, đa phần các quy định và chế tài hiện hành áp dụng chung cho cả mô tô phân khối lớn và mô tô thông thường. Bất cập này cần được chỉnh sửa, cần bổ sung quy định và chế tài xử phạt cao hơn khi xe phân khối lớn có khả năng gây nguy hiểm lớn hơn:
"Hiện nay chúng ta đào tạo quá nhiều trên sách vở, sa hình, nhưng thực tế lại rất ít. Chúng ta phải tăng cường công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe, về mặt kỹ năng, ý thức và thái độ. Với người lái xe phân khối lớn thì yêu cầu về điều kiện sức khỏe, sức khỏe thần kinh và sức khỏe cơ bắp. Thứ hai là quản lý giao thông, chúng ta phải tập trung vào công nghệ. Khi có hệ thống camera, chúng ta hoàn toàn có thể xử lý được và xử lý nghiêm".
Đồng tình với quan điểm này, ThS. Vũ Anh Tuấn, Trường đại học GTVT cho rằng, cần siết chặt công tác quản lý với người điều khiển mô tô phân khối lớn: "Chúng ta cần có sự giám sát chặt chẽ, tránh hiện tượng mua bán bằng lái xe. Phần còn lại là chúng ta quản lý và giám sát ra sao. Xe mô tô nói chung không yêu cầu phải đăng kiểm định kỳ, thì việc chúng ta tiến hành xử phạt “nguội” rất khó khăn.
Do vậy, trong thời gian tới đây, Bộ GTVT có thể xem xét đưa phương tiện hai bánh vào chương trình kiểm định an toàn".
Cũng theo ThS. Vũ Anh Tuấn, có thể xem xét cho mô tô phân khối lớn lưu thông vào đường cao tốc nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và cung cấp thêm không gian sử dụng cho loại phương tiện này. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ lưỡng các yếu tố kỹ thuật: vận tốc giữa xe ô tô và mô tô có nhiều khác biệt không?
Lưu lượng xe ô tô có vượt ngưỡng khai thác của tuyến đường không? Có đảm bảo sự phân tách, không gian lưu thông an toàn không? Nếu không đảm bảo các yếu tố an toàn thì không thể triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, việc tạo thêm nhiều sân chơi lành mạnh để thỏa mãn niềm đam mê xe phân khối lớn cũng là giải pháp để hạn chế hành vi vi phạm.
Ông Vũ Đình Lâm, Phó chủ tịch CLB Mô tô thể Thao Hà Nội nhấn mạnh vai trò của các hội nhóm được tổ chức chuyên nghiệp, bài bản để có thêm nhiều hoạt động nâng cao ý thức và kỹ năng lái xe, tránh hoạt động riêng lẻ, tự phát, làm ảnh hưởng những người đam mê mô tô phân khối lớn chân chính: "Các tập đoàn lớn chuyên phân phối các loại xe, Trung ương Đoàn TNCS HCM, Ủy ban ATGT Quốc gia có thể kết hợp, xã hội hóa các chiến dịch tuyên truyền và hướng dẫn lái xe an toàn, đặc biệt nhấn mạnh vào giới trẻ.
Chúng tôi đang thúc đẩy Liên đoàn Xe đạp Mô tô thể thao Việt Nam để đưa hình ảnh mô tô phân khối lớn vào sâu rộng các tầng lớp thanh thiếu niên. Trải nghiệm biểu diễn mô tô nghệ thuật và những giải đua xe mô tô thuộc hệ thống giải VĐQG về mô tô, mặc dù mới bước đầu thôi nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận thanh niên đam mê xe phân khối lớn".
Khi Thông tư 38 được Bộ GTVT ban hành, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về nguy cơ mất an toàn có thể gia tăng khi mở rộng đối tượng được cấp GPLX hạng A2.
Tuy nhiên, việc tiếp tục hạn chế, cấm đoán là không phù hợp với xu thế phát triển, và giải pháp khắc phục những bất cập hiện nay để đảm bảo an toàn giao thông là trách nhiệm của cơ quan quản lý./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/mo-to-phan-khoi-lon-moi-nguy-khi-quan-ly-long-leo-post1007057.vov