Mơ ước của trò vùng cao

Nhà vệ sinh luôn là vấn đề khó gỡ ở các trường học vùng cao. Trong các đề xuất của các nhà trường gửi lên nền tảng iNhandao, hầu hết các nhà trường đều đề xuất hỗ trợ sửa chữa và xây mới nhà vệ sinh.

Nhà vệ sinh tạm của điểm trường Co Muông (Tuần Giáo, Điện Biên)

Nhà vệ sinh tạm của điểm trường Co Muông (Tuần Giáo, Điện Biên)

Thầy Nguyễn Văn Quân – Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ, Điện Biên) chia sẻ:

Năm học này, nhà trường có 932 học sinh, trong đó 487 học sinh ăn, ở bán trú tại trường nhưng toàn trường chỉ có 3 gian nhà vệ sinh kiên cố và 16 gian nhà tạm.

Theo ước tính trường cần có thêm ít nhất 21 gian nhà vệ sinh nữa mới đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của học sinh.

Việc thiếu nhà vệ sinh càng khó khăn hơn với các em học sinh bán trú khi ăn, ở, sinh hoạt tại trường.

Nhiều lúc, các em học sinh phải xếp hàng dài, thậm chí có em nhịn đi vệ sinh hoặc đi không đúng nơi quy định.

Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của học sinh, môi trường xung quanh và khó khăn cho các thầy cô trong việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

Cũng tại Nậm Pồ, thầy Dương Duy Dần - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nà Bủng cho biết: Hiện nay nhà trường có 22 lớp, 828 học sinh, trong đó có 670 học sinh bán trú nhưng chỉ có 4 gian nhà vệ sinh kiên cố và 12 gian nhà tạm. Nhà trường cần xây dựng thêm 15 gian nhà vệ sinh nữa mới không bị quá tải.

Nhà vệ sinh ít trong khi số học sinh đông đã làm ảnh hưởng tới sinh hoạt, học tập, sức khỏe của học sinh.

Đặc biệt là đã gây ra tình trạng quá tải vào một số thời điểm (trước và sau giờ học; giờ giải lao) khiến các em dù muốn hay không vẫn phải đi vệ sinh không đúng nơi quy định.

Ông Nguyễn Xuân Thuận – Trưởng phòng GD&ĐT Nậm Pồ cho biết: Huyện có 43 trường học, trong đó có 23 trường bán trú với 779 lớp, 19.679 học sinh, 13.173 học sinh bán trú hiện đang ăn ở sinh hoạt tại trường. Tuy nhiên toàn ngành mới chỉ có 535 nhà vệ sinh.

Năm học 2020-2021, để giải quyết vấn đề thiếu nhà vệ sinh, toàn ngành cần đầu tư xây dựng thêm 406 gian nhà vệ sinh cho học sinh ở 36 trường (ước tính mỗi gian 15.000.000 đồng), trong đó xây tại điểm trường trung tâm là 228 gian, ở các điểm bản là 178 gian với tổng ước tính chi phí đầu tư là hơn 6 tỷ đồng.

Nhà vệ sinh tạm của trường PTDTBT TH&THCS Tênh Phông (huyện Tuần Giáo, Điện Biên)

Nhà vệ sinh tạm của trường PTDTBT TH&THCS Tênh Phông (huyện Tuần Giáo, Điện Biên)

Tại Trường PTDTBT TH&THCS Tênh Phông (huyện Tuần Giáo, Điện Biên), thầy hiệu trưởng Mai Xuân Hà cho biết: Dù các lớp học đã được xây kiên cố nhưng nhà trường vẫn chưa có nhà vệ sinh đạt chuẩn.

Hiện nay, nhà trường sử dụng nhà vệ sinh tạm bợ bằng cách quây các tấm tôn, rất mất vệ sinh, gây ô nhiễm. Do đó, học sinh và giáo viên nhà trường rất mong muốn thông qua chương trình Điều ước cho em hỗ trợ cơ sở vật chất, xây mới nhà vệ sinh giúp thầy trò.

Tại Trường Tiểu học Nà Tòng (huyện Tuần Giáo, Điện Biên) thầy hiệu trưởng Tô Đình Thuyên cho biết: Nếu nói về khó khăn thì là đặc điểm chung của tất cả các tỉnh miền núi, trường nào cũng gặp khó khăn.

Trường Nà Tòng có điểm trường Co Muông cần hỗ trợ nhà vệ sinh, xây nhà bếp; điểm trường Phiêng Xanh cần hỗ trợ bể chứa nước sạch, điểm trường Pa Cá cần hỗ trợ ống nước và nguồn nước để sinh hoạt. Trong đó, nhà vệ sinh sạch sẽ luôn là mong ước của học sinh nhà trường từ nhiều năm nay.

Thiếu nhà vệ sinh trường học xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Trước tiên phải kể tới ngân sách đầu tư cho giáo dục, cơ sở vật chất trường học còn nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa từ các nguồn lực khác cho các công trình vệ sinh trường học lại không dễ dàng và đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Việc xây dựng các công trình chịu giá cả cao hơn miền xuôi bởi giá vật liệu, nhân công đắt hơn rất nhiều.

Giải pháp hiện nay đang được các trường thực hiện là: Huy động cả giáo viên, học sinh vào công việc giữ gìn nhà vệ sinh, ổn định nguồn nước sinh hoạt để tẩy rửa nhà vệ sinh thường xuyên bằng cách sửa chữa đường dẫn nước, đào giếng khoan lấy nước, huy động sự giúp đỡ của địa phương và phụ huynh học sinh để làm nhà vệ sinh, nhưng đó cũng chỉ là những giải pháp tạm thời.

Ngày 15/1/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 156/BGDĐT-GDCTHSSV về việc triển khai Chương trình “Điều ước cho em” (Công văn 156) gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với mục đích huy động các nguồn lực xã hội chung tay hỗ trợ, bảo đảm các điều kiện học tập, sinh hoạt cho học sinh ở các trường học thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Tại Công văn 156, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố giao Sở Giáo dục và Đào tạo làm đầu mối hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức rà soát và cập nhật thông tin về những khó khăn và nhu cầu cần hỗ trợ trên cổng thông tin http://inhandao.vn.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/nha-ve-sinh-truong-hoc-dieu-uoc-cua-tro-vung-cao-MNNoS5lMR.html