'Mỏ vàng' ẩn giấu ở Tây Bắc và chuyện ghi tên trên thị trường quốc tế
Tây Bắc, vùng đất giàu tiềm năng với nông sản đặc hữu và dược liệu quý, đang đứng trước cơ hội vươn ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, không ít 'nút thắt' đang cản bước 'mỏ vàng' này ghi tên trên bản đồ thế giới.
Cần tư duy lại chuỗi giá trị, không thể “mạnh ai nấy làm”
Tại diễn đàn “Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản Tây Bắc”, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, khu vực này đang có nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ về nông nghiệp hàng hóa.
Hiện toàn vùng Tây Bắc có hơn 120.000ha trồng cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm như xoài, nhãn, mận, cà phê, chè..., với tổng sản lượng đạt trên 600.000 tấn mỗi năm, đóng góp đáng kể vào giá trị xuất khẩu chung.
Theo ông Lê Quốc Doanh, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, giá trị xuất khẩu nông sản vùng Tây Bắc năm 2024 đạt khoảng 245 triệu USD. Đây là con số khả quan nhưng chưa tương xứng với tiềm năng.
Một trong những nguyên nhân là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, chưa hình thành chuỗi giá trị đồng bộ. Tỷ lệ chế biến sâu thấp, mẫu mã chưa chuẩn hóa, liên kết doanh nghiệp - nông dân thiếu bền chặt.

Nông sản của bà con Tây Bắc khó cạnh tranh khi xuất khẩu vì khâu bảo quản còn hạn chế. Ảnh: NN-MT
Theo ông Nguyễn Thành Công, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, năng lực bảo quản và logistics vẫn là điểm nghẽn lớn nhất. Ông dẫn chứng trường hợp xuất khẩu nhãn sang Hà Lan: “Chuyến hàng mất 24 ngày vận chuyển, khiến sản phẩm suy giảm 32% chất lượng, trong khi cùng loại nhãn từ Thái Lan vẫn giữ được gần như nguyên vẹn sau 40 ngày nhờ công nghệ bảo quản lạnh hiện đại”.
Tình trạng tương tự xảy ra với dâu tây, mận hậu... Nhiều vụ thu hoạch, hàng nghìn tấn quả bị rớt giá, thậm chí hư hỏng vì không được sơ chế, làm lạnh kịp thời trong vòng 8 tiếng sau thu hoạch. Đây là nguyên nhân chính khiến nông sản Tây Bắc khó cạnh tranh, dù chất lượng không thua kém.
Ông Nguyễn Lân Hùng - Tổng thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam cho rằng, cần đặt mục tiêu mỗi hecta đất miền núi tạo ra thu nhập tối thiểu 100 triệu đồng/năm. Đây không phải kỳ vọng xa vời nếu chúng ta quy hoạch lại sản xuất, tăng đầu tư hạ tầng chế biến, bảo quản, logistics và đổi mới tư duy canh tác
Ông Hùng cho biết thêm, ngoài các loại cây ăn quả, Tây Bắc có tài nguyên cây dược liệu “trời cho” nhưng chưa khai thác đúng tầm.
Ông so sánh với Singapore, quốc gia không có nguồn dược liệu bản địa nhưng lại dẫn đầu thế giới về chế biến và xuất khẩu dược phẩm. Trong khi đó, Việt Nam có tài nguyên mà chưa chuyển hóa được thành giá trị thực.
Thị trường dược liệu thế giới dự báo sẽ đạt 430 tỷ USD vào năm 2028, trong khi Việt Nam mới đáp ứng khoảng 25% nhu cầu trong nước và chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô.
Để nâng cao giá trị, cần đầu tư bài bản vào công nghệ trồng, chế biến và xây dựng thương hiệu quốc gia cho sâm bản địa như sâm Lai Châu.
Lai Châu đang tích cực hợp tác với các đối tác quốc tế, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc, để phát triển công nghệ chế biến và thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay sâm Việt Nam chưa có trong danh mục được công nhận tại Nhật, vì vậy bước đầu tỉnh định hướng chế biến thành thực phẩm chức năng để thâm nhập thị trường này, sau đó phấn đấu đưa sâm Lai Châu vào danh mục nguyên liệu chính thức.
Làm chủ nguyên liệu
Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cần tăng cường liên kết vùng giữa các tỉnh Tây Bắc để xây dựng vùng nguyên liệu lớn, xác định cây trồng chủ lực, đồng thời bảo vệ rừng, tránh phát triển cây công nghiệp theo hướng phá rừng.
Ông cũng đề nghị các địa phương đẩy mạnh áp dụng VietGAP, công nghệ tưới tiết kiệm, mã số vùng trồng, chuẩn hóa quy trình chế biến sâu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam
Nhà nước cần dẫn dắt về chính sách, quy hoạch; nhà khoa học cung cấp giải pháp kỹ thuật; doanh nghiệp giữ vai trò kết nối thị trường; còn người dân là trung tâm của sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam cho biết: “Xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn là yếu tố cốt lõi, quyết định khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Điển hình như tỉnh Sơn La đã xây dựng thành công 50.000ha vùng nguyên liệu dứa và chanh leo đạt chuẩn về giống, hạ tầng và quy trình canh tác. Ai làm chủ được vùng nguyên liệu sẽ làm chủ được chuỗi giá trị nông sản”.
Cùng với đó, các tỉnh Tây Bắc cần tập trung xây dựng chuỗi giá trị và tăng cường liên kết sản xuất. Với lợi thế của từng tỉnh, lãnh đạo địa phương cần khuyến khích doanh nghiệp và nông dân hợp tác theo chuỗi sản xuất khép kín, đảm bảo tiêu chuẩn từ đầu vào đến đầu ra, thay vì chỉ ký hợp đồng mua bán đơn thuần.
Bên cạnh việc tổ chức lại sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đề xuất nâng cao năng lực chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch. Trong đó, các cơ quan quản lý và hợp tác xã cần tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp lớn để xây dựng hệ thống sơ chế, đóng gói, kho lạnh tại các hợp tác xã, tổ hợp tác và đại lý thu gom, bảo đảm chất lượng nông sản theo yêu cầu thị trường.