'Mỏ vàng' đáy biển vịnh Quy Nhơn
Vịnh Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) là nơi sở hữu hệ sinh thái biển đa dạng bậc nhất khu vực, với các sinh thái điển hình như thảm cỏ biển, rạn san hô, vùng triều và đáy mềm lân cận. Đặc biệt, không gian vịnh biển này có nhiều cánh rừng san hô đầy tiềm năng, trải rộng hàng trăm héc ta đang là những “mỏ vàng” về sinh thái biển và cả ngành du lịch tỉnh.
NHẬN DIỆN “MỎ VÀNG”
Trong nghiên cứu của TS. Nguyễn Văn Long (Viện Hải dương học Nha Trang), không gian sinh tồn của những cánh rừng san hô dưới vịnh Quy Nhơn phân bố trong các khu vực với diện tích ước tính khoảng gần 153ha, từ mũi biển Vĩnh Hội đến các đảo Hòn Sẹo, Hòn Cân, Hòn Cỏ (bán đảo Nhơn Lý), mũi Kỳ Xanh đến Mũi Yến, Hòn Khô (xã bán đảo Nhơn Hải), Hòn Đất (phường Ghềnh Ráng) và đảo Cù Lao Xanh.
Trong đó, mật độ san hô tiềm năng nhất ở tam giác biển Hòn Khô – Hòn Đất – Cù Lao Xanh. Thành phần loài san hô ở vùng biển Bình Định gồm 71 loài, thuộc 35 giống và 14 họ san hô cứng tạo rạn, 3 loài thủy tức san hô, 6 giống san hô mềm…
Mới đây, nhóm khai thác du lịch trải nghiệm biển ở mũi biển Đề Gi, đã phát hiện ra nhiều khu vực san hô mới ở ven biển này, trong đó có vùng san hô khá dày ở mũi Vy Rồng (xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, Bình Định).
Anh Đỗ Thanh Toàn (38 tuổi), người có công rất lớn khai phá, đã quảng bá hình ảnh du lịch biển ở tuyến Đề Gi – Mũi Vy Rồng, cho biết: Theo quan sát các thợ lặn thì rạn san hô ở mũi Vy Rồng phân bố 3 khu vực chính rất đa dạng. Trong đó, khu vực thứ nhất trải dài hàng trăm mét, chủ yếu san hô kim, san hô cứng; khu vực thứ 2 chủ yếu san hô tảng lá to (theo tên gọi địa phương) và khu vực thứ 3 san hô mềm với sức sống rất mạnh mẽ…
Tiềm năng là vậy, nhưng các rạn san hô ở khu vực biển Bình Định đang đối diện với nhiều tác động, rủi ro từ thiên tai, con người.
Trong đó, hoạt động đánh bắt, khai thác du lịch tự phát đã tác động lớn đến các bãi san hô. Trước đây, nhiều rạn san hô ở khu vực vịnh Quy Nhơn thường đối diện với các tác động từ hoạt động đánh mìn, rác thải lưới đánh cá và tình trạng khai thác nguồn lợi.
Bên cạnh đó, số lượng rạn san hô bị gãy đổ do neo tàu, giẫm đạp và rác thải sinh hoạt từ hoạt động du lịch và nhiều thiên địch khác như sao biển gai, ốc gai đang ngày ngày ăn phá các san hô… Ngoài ra, hiện nhiều dự án du lịch, nghỉ dưỡng đang được giao phép đầu tư có nguy cơ chồng lên, phá vỡ các đảo sinh thái với với khu vực bảo vệ rạn san hô như Hòn Khô, Hòn Đất…
PHẢI CHUNG TAY GIỮ GÌN CÁNH RỪNG CỦA BIỂN
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, tại vịnh Quy Nhơn hiện đã thành lập 4 tổ chức cộng đồng chính quyền công nhận, giao quyền quản lý khu vực biển trên 46ha, với 220 thành viên. Kết quả sau nhiều năm triển khai các tổ quản lý cộng đồng, đến nay tỷ lệ các rạn san hô phục hồi rất lớn.
Theo quan trắc năm 2022, độ phủ san hô tại Bãi Dứa (xã Nhơn Lý) đạt 62,5%, trong đó san hô mềm phục hồi độ phủ gần 20%; tại Hòn Khô Nhỏ (xã Nhơn Hải), phục hồi 26,8%, ở Hòn Nhàn (Ghềnh Ráng) phục hồi 30% và ở Bãi Trước (đảo Nhơn Châu) là 23,1%...
Hiện các Tổ cộng đồng đang bảo vệ trên 13,8ha rạn san hô ở khu vực đáy đảo Hòn Khô và rạn san hô khác ở bên Thành Tổ (xã Nhơn Hải). “Hàng tháng chúng tôi đều có đội lặn biển để nhặt rác đáy quanh các rạn san hô, chặn thiên địch bảo vệ san hô sinh trưởng. Mỗi buổi chiều, khi khách du lịch ra về, thành viên tổ phải ở lại để nhặt các rác nhựa trên mặt biển, bãi cát.
Trong 13ha rạn san hô, có 2,1ha vùng lõi san hô phân bố rất dày, tỷ lệ đạt trên 50%. Thường thì tháng 5, chúng tôi “khóa cửa” khu vực vùng lõi rạn san hô để bảo vệ các loài cá vào bãi đẻ và ấu trùng sinh trưởng, tạo nguồn lợi mới cho biển” - anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng, Tổ trưởng Tổ bảo vệ san hô Nhơn Hải cho biết.
Còn tại xã bán đảo Nhơn Lý, địa phương đã thành lập Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản với 60 thành viên. Trong đó có 1 tổ cơ động được cử ra để giám sát, bảo vệ rạn san hô với 8,02ha tại khu vực bãi Dứa.
Anh Nguyễn Hữu Đảo (35 tuổi, thành viên Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nhơn Lý), cho biết: “Mấy năm qua, du lịch Nhơn Lý phát triển mạnh mẽ, tạo nguồn thu nhập lớn cho người dân ở xã, trong đó trải nghiệm từ hoạt động ngắm rạn san hô. Vì vậy, với chúng tôi rạn san hô rất quý như “mỏ vàng” mà biển cả ban tặng cần bảo vệ.
Vừa qua, theo quan trắc của đơn vị chức năng, khu vực rạn san hô ở Nhơn Lý đã phục hồi được trên 70%, đây là tín hiệu rất đáng mừng, chứng minh hiệu quả thiết thực các hoạt động chung tay của cộng đồng”.
Tuy nhiên, theo anh Đảo hiện hầu hết các tổ cộng đồng bảo vệ san hô đang gặp nhiều khó khăn, từ ý thức chung của du khách và kinh phí, cũng như nguồn lực để phục vụ công tác bảo vệ. Thành viên tổ bảo vệ san hô Nhơn Lý hiện mỗi năm chỉ có thể tổ chức lặn đáy biển nhặt rác 2 lần, và công cụ lặn chuyên nghiệp chưa có. Ngoài ra, kinh phí của tổ còn rất thấp nên chưa phát huy hết tinh thần của các thành viên…
Theo nghiên cứu của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, rạn san hô ở Nhơn Lý, Nhơn Hải, Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) đều được xếp hạng sức khỏe khá, tốt. Riêng tại rạn san hô Nhơn Hải ghi nhận hệ sinh thái phong phú hơn, tại đây ghi nhận 1 cá thể cầu gai bút chì (nhím biển đỏ) rất quý hiếm. Ban quản lý cũng kiến nghị, đối với các rạn san hô ở Nhơn Lý, Nhơn Hải cần quản lý chặt hoạt động du lịch tự phát, dời các bè neo đậu ra khỏi khu vực rạn san hô ở Nhơn Lý…
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/mo-vang-day-bien-vinh-quy-nhon-post105564.html