'Mỏ vàng' quảng cáo ngoài trời: Sở VH-TT báo cáo Hà Nội hàng loạt vấn đề

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa có báo cáo dài 18 trang gửi UBND TP Hà Nội việc kiểm tra, xử lý thông tin Báo Người Lao Động đăng tải về quảng cáo ngoài trời (loạt bài Mỏ vàng quảng cáo ngoài trời số ra từ ngày 27-3-2023)

Theo đó, ngay sau khi Báo Người Lao Động phản ánh và UBND TP Hà Nội chỉ đạo, Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) đã khẩn trương xác minh, làm rõ, xử lý các thông tin báo nêu. Ngay sau đó, Sở VH-TT đã khẩn trương, kịp thời ban hành nhiều văn bản nhằm rà soát, thống kê toàn bộ hoạt động quảng cáo ngoài trời, kịp thời xử lý, tháo dỡ triệt để các bảng quảng cáo vi phạm, thiết lập lại trật tự quảng cáo theo quy định.

Hàng trăm bảng quảng cáo ở Hà Nội bị gỡ bỏ nội dung, trơ khung sắt sau loạt bài của Báo Người Lao Động.

Nhiều quận, huyện, thị xã "quên" xử phạt vi phạm

Về thực trạng hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố, Sở VH-TT cho biết trong quá trình quản lý, Sở đã tham mưu UBND TP Hà Nội ban hành các chủ trương, chính sách; đã có nhiều nỗ lực để chấn chỉnh các vi phạm, điều chỉnh các văn bản quản lý cho phù hợp và bắt kịp với sự phát triển không ngừng của hoạt động quảng cáo ngoài trời.

Trong đó, về bảng quảng cáo tấm lớn một cột trụ, theo quy hoạch quảng cáo ngoài trời ban hành kèm theo Quyết định số 1997/QĐ-UBND ngày 24-4-2018, có tổng số 930 vị trí trên 22 tuyến đường (684 vị trí quảng cáo và 246 vị trí tuyên truyền). Đối với 684 bảng quảng cáo tấm lớn, trước năm 2013, thời điểm áp dụng pháp lệnh quảng cáo đã tiếp nhận và cấp phép thực hiện quảng cáo 278 vị trí; từ ngày 1-1-2013 đến nay sở chưa tiếp nhận và giải quyết đối với hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng tấm lớn tại các vị trí quy hoạch mới; từ tháng 8-2021 đến nay, sở không tiếp nhận và giải quyết đối với hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng tấm lớn do Quy hoạch quảng cáo ngoài trời chưa triển khai thực hiện được.

Hiện nay, do lắp dựng lâu ngày, hình thức kiểu dáng cũ, bảng quảng cáo tấm lớn một cột trụ đã xuống cấp về kết cấu, cần phải được gia cố, bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa, thay thế để đảm bảo an toàn, thẩm mỹ.

Về bảng quảng cáo gắn tại công trình, nhà ở riêng lẻ, có 535 bảng quảng cáo tấm nhỏ, hiện nay sở đang thực hiện cấp văn bản chấp thuận thông báo sản phẩm quảng cáo đối với các đơn vị có hồ sơ đề nghị thông báo sản phẩm quảng cáo và đề nghị gia hạn theo quy định; về bảng quảng cáo tại nhà chờ xe buýt và 5 trạm trung chuyển xe buýt (Long Biên, Trần Khánh Dư, Cầu Giấy, Nhổn, Hoàng Quốc Việt) có 208 bảng, tuy nhiên, Sở Giao thông Vận tải đang thực hiện nâng cấp các trạm trung chuyển và nhà chờ xe buýt nên từ tháng 3-2018 đến nay, sở chưa tiếp nhận hồ sơ thực hiện thông báo sản phẩm quảng cáo; về bảng hộp đèn quảng cáo đặt tại dải phân cách có 805 bảng, ban cán sự Đảng UBND TP có văn bản giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì tổ chức đấu thầu. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sở này chưa báo cáo về loại hình này.

Về màn hình LED tuyên truyền chính trị kết hợp quảng cáo thương mại theo hình thức xã hội hóa, hiện Hà Nội có 50 vị trí màn hình LED của 11 đơn vị thực hiện theo hình thức xã hội hóa tuyên truyền chính trị kết hợp quảng cáo thương mại đã được UBND TP chấp thuận. Thời hạn thí điểm là 1 năm, vị trí lắp dựng là trong khuôn viên hoặc gắn tường công trình là trụ sở của tổ chức. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố xuất hiện một số màn hình LED tự lắp dựng, không có sự đồng ý của thành phố gây khó khăn cho công tác quản lý và việc xử lý vi phạm vì chưa có chế tài xử phạt.

Sở VH-TT đã có văn bản về việc yêu cầu dừng phát hình, báo cáo sau 1 năm thực hiện thí điểm màn hình LED và đề nghị tiếp tục gia hạn hoạt động. Sở hiện đang lấy ý kiến các sở, ngành và UBND quận, huyện, thị xã có liên quan tổng hợp báo cáo UBND TP về việc tiếp tục xin gia hạn hoặc dừng thí điểm đối với màn hình LED đã hết thời gian 1 năm thực hiện thí điểm (đặc biệt những trường hợp trong thời gian thí điểm có hành vi vi phạm pháp luật và không chấp hành quy định của pháp luật và cơ quan nhà nước có thẩm quyền).

Trong những năm gần đây, Sở VH-TT đã kiểm tra, phát hiện và xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm trong hoạt động quảng cáo, từ năm 2018 đến nay đã xử phạt hơn 7 tỉ đồng.

"Qua đợt kiểm tra, Đoàn kiểm tra nhận thấy việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của các quận, huyện thị xã về công tác quảng cáo, biển hiệu còn hạn chế, chưa thực sự quyết liệt để ngăn chặn vi phạm ngay từ đầu, có nhiều quận, huyện, thị xã không xử phạt tiền trường hợp nào" - Sở VH-TT nêu rõ.

Hầu hết các bảng quảng cáo ở Hà Nội thời gian qua đều có vi phạm, có hàng trăm bảng quảng cáo "chui".

Hầu hết các bảng quảng cáo ở Hà Nội thời gian qua đều có vi phạm, có hàng trăm bảng quảng cáo "chui".

Đồng bộ nhiều giải pháp

Để hoạt động quảng cáo thực hiện đúng quy định của pháp luật, góp phần tạo cảnh quanh văn minh hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của TP Hà Nội, Sở VH-TT đề xuất nhiều giải pháp. Trong đó, có giải pháp về: Công tác tuyên truyền; đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo...

Về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, Sở VH-TT khẳng định phải tăng cường siết chặt công tác kiểm tra, hậu kiểm, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo, bảo đảm sự công bằng, nghiêm minh pháp luật, dần đưa hoạt động quảng cáo đi vào nề nếp, ổn định, đặc biệt là việc báo chí và dư luận quan tâm, trước mắt, tổ chức phân loại bảng vi phạm để có mức độ, lộ trình xử lý phù hợp, không gây xáo trộn và bất ổn; thực hiện công khai minh bạch các hành vi vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên Cổng Thông tin điện tử của Sở VH-TT, các phương tiện thông tin đại chúng để doanh nghiệp quảng cáo nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của pháp luật, tạo sân chơi bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, có nghĩa vụ nộp thuế, đóng góp với nhà nước, thành phố theo quy định của pháp luật...

Sở VH-TT báo cáo UBND TP Hà Nội kiến nghị, đề xuất: Đề xuất Quốc Hội sửa đổi, bổ sung Luật nhằm tạo sự đồng bộ thống nhất trong công tác quản lý; đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 181/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo quy định cho phù hợp với khoản 2 Điều 19 của Luật Quảng cáo; đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách đối với lĩnh vực quảng cáo, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Xây dựng và các Bộ ngành liên quan có hướng dẫn về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất để lắp dựng công trình quảng cáo tại các vị trí quảng cáo đã được quy hoạch, ban hành quy định cụ thể quy trình, thủ tục về đấu thầu các vị trí quảng cáo theo quy định của Luật Quảng cáo để phù hợp thực tiễn quản lý và bảo đảm tính khả thi.

Đề xuất Bộ Xây dựng sửa đổi bổ sung Thông tư số 10/2012/TT-BXD, ngày 20-12-2012 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn chi tiết một số nội dung của Nghị định số 64/2012/NĐ-CP, ngày 4-9-2012 của Chính phủ về cấp giấy phép xây dựng, quy định cụ thể phù hợp với thực tiễn trong việc cấp phép công trình quảng cáo.

Sở VH-TT cũng đề xuất UBND TP Hà Nội đồng ý, cho phép sở tiếp nhận, giải quyết tạm thời với thời hạn dưới 1 năm đối với các hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo tấm lớn của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đủ điều kiện; cho phép tiếp tục gia hạn thời gian hoạt động đối với màn hình LED đã hết thời gian thực hiện thí điểm; chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã thực hiện tốt công tác phối hợp, quản lý hoạt động quảng cáo...

Cần sự chung tay

Sở VH-TT cũng đề xuất UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở Xây dựng: Thực hiện cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo theo thẩm quyền; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo thuộc thẩm quyền của UBND các quận, huyện, thị xã trên cơ sở Quy hoạch quảng cáo ngoài trời; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo trên địa bàn TP Hà Nội; phối hợp với các đơn vị chức năng có thẩm quyền trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong việc lắp dựng công trình quảng cáo, biển hiệu trên địa bàn thành phố; chủ trì đánh giá các đề án thực hiện xã hội hóa có nội dung quảng cáo, báo cáo UBND TP.

Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn xây dựng quy trình thủ tục tổ chức đấu thầu các vị trí quảng cáo theo quy hoạch đảm bảo đúng quy định của pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai, môi trường của công trình quảng cáo theo thẩm quyền.

Công an TP phối hợp với Sở VH-TT, các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội; phòng chống cháy, nổ; an toàn giao thông trong hoạt động quảng cáo; chủ động kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố.

Các sở, ban, ngành liên quan trong phạm vi, quyền hạn, có trách nhiệm phối hợp với Sở VH-TT đối với công tác xây dựng quy hoạch các loại hình quảng cáo, quản lý về hình thức, địa điểm, các phương tiện, nội dung quảng cáo (có kết hợp xã hội hóa quảng cáo theo quy định quản lý chuyên ngành.

UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo trên địa bàn quản lý; chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo theo phân cấp của thành phố và pháp luật hiện hành; cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo theo phân cấp đảm bảo đúng quy định; tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo, tổ chức cưỡng chế tháo dỡ, di dời các bảng quảng cáo vi phạm quy định về hoạt động quảng cáo trên địa bàn.

B.H.Thanh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/mo-vang-quang-cao-ngoai-troi-so-vh-tt-bao-cao-ha-noi-hang-loat-van-de-20230421100123351.htm