Mỏ vàng Sado có gì hấp dẫn khiến Nhật Bản và Hàn Quốc mâu thuẫn gay gắt?

Nhật Bản và Hàn Quốc là hai láng giềng Đông Bắc Á, đều là đồng minh chiến lược của Mỹ ở châu Á, song bản thân hai nước còn nhiều mâu thuẫn và bất đồng liên quan đến những vấn đề lịch sử, như mỏ vàng Sado.

Gần đây mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng hơn, bắt nguồn từ một mỏ vàng 400 năm tuổi trên đảo Sado, thuộc Nhật Bản.

Sau khi quyết định đề cử mỏ Sado trở thành di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vào ngày 28/1, chính phủ Nhật Bản mới đây đã chính thức trình hồ sơ đề cử mỏ Sado lên Trung tâm di sản thế giới của UNESCO. Điều này làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ từ phía Hàn Quốc. Cái “bóng” quá khứ liệu sẽ ảnh hưởng đến lợi ích tương lai của hai nước ra sao?

Khu vực mỏ Sado. Ảnh: Wordpress.

Khu vực mỏ Sado. Ảnh: Wordpress.

Sado - mỏ vàng hấp dẫn

Mỏ Sado nằm ở đảo Sado, thành phố Sado, tỉnh Niigata. Nơi này từng phát hiện được mỏ vàng vào năm 1601. Vào thời kỳ hoàng kim nhất, sản lượng khai thác tại mỏ Sado mỗi năm đạt khoảng 440kg vàng, và 400.000 tấn bạc. Mỏ Sado được khai thác dưới sự quản lý trực tiếp của Mạc Phủ, chính quyền tối cao thời kỳ Edo, từ đầu thế kỷ XVII tới giữa thế kỷ XIX, đóng vai trò là một nguồn ngân khố quốc gia quan trọng.

Tới năm 1896, mỏ Sado được bán cho tư nhân, nhưng do lợi nhuận giảm nên việc khai thác vàng bị dừng lại. Sau khi chiến tranh Thái Bình Dương trong Thế chiến II nổ ra, nơi này tiếp tục được sử dụng như một mỏ khai thác vật tư cho chiến tranh như đồng, sắt, kẽm. Hiện tại, mỏ Sado được chỉ định là di tích lịch sử cấp quốc gia, trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng của Nhật Bản. Tại khu mỏ này có tuyến du lịch tái hiện lại quang cảnh khai thác quặng trong một đoạn đường hầm dài 300m trên tổng chiều dài các đường hầm là 400km, bố trí các bức tượng mô phỏng lao động khai thác quặng. Tại khu làng gần đó cũng có nhiều di tích đa dạng giúp khách tham quan có thể hiểu được cuộc sống sinh hoạt thời kỳ đó.

Nhật Bản xúc tiến đề cử mỏ Sado trở thành di sản thế giới, nhưng chỉ giới hạn thời gian lịch sử là thời kỳ Edo, nêu bật giá trị rằng đây là nơi sản xuất ra vàng chất lượng cao với công nghệ độc đáo từ đầu thế kỷ XVII, một sự thật lịch sử không thể phủ nhận.

Tại sao Hàn Quốc phản đối?

Hàn Quốc đã phản đối mạnh mẽ quyết định của Nhật Bản đưa mỏ Sado vào di sản thế giới của UNESCO với lý do người Hàn Quốc bị ép buộc phải làm việc trong các hầm mỏ vào thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến năm 1945.

Hàn Quốc còn dẫn chứng tư liệu phỏng đoán Nhật Bản từng huy động khoảng 2.300 người lao động Joseon làm việc tại mỏ Sado. Theo đó, từ tháng 2/1940 tới tháng 3/1942, số lao động người Joseon bị cưỡng ép làm việc tại mỏ Sado là 1.519 người. Dữ liệu từ tháng 4/1942 tới tháng 3/1944 bị thiếu, nhưng nếu dựa trên thời gian làm việc bình quân và xu hướng bố trí lao động mới, thì ước tính có khoảng 2.379 người Joseon đã bị cưỡng ép lao động tại đây. Đặc biệt, theo số liệu tháng 5/1943, có 709 lao động người Nhật và 584 lao động người Joseon làm việc tại mỏ Sado, tỷ lệ lao động người Joseon chiếm hơn 45%. Trong đó, người Joseon được bố trí làm các công việc nguy hiểm trong đường hầm, như vận chuyển, đào đất đá. Sự phân biệt đối xử này cũng chính là nguyên nhân dẫn tới một số vụ tranh chấp lao động.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Ngoại trưởng Chung Eui-yong ngày 3/2 vừa qua đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nhật Bản Hayashi Yoshimasa, bày tỏ lập trường thất vọng sâu sắc và phản đối về việc Tokyo quyết định xúc tiến đăng ký mỏ Sado trở thành di sản thế giới, quay lưng lại với lịch sử cưỡng ép lao động người Hàn trong thời chiến đầy đau thương tại nơi này.

Căng thẳng này giống như “lửa thêm dầu” khi các vấn đề cũng thuộc lịch sử như Hàn Quốc yêu cầu Nhật Bản bồi thường trong vấn đề phụ nữ mua vui, ngoài ra các vấn đề liên quan đến lãnh thổ xung quanh quần đảo Takeshima/Dokdo, hay đòi công ty Nhật Bản bồi thường… Mặc dù thời gian qua cả hai bên đều tỏ ra nỗ lực cải thiện quan hệ, song những vấn đề trên khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều, thậm chí là rào cản lớn cho quan hệ hai nước trong những năm tới.

Căng thẳng leo thang?

Lật lại thời gian, năm 2015, một sự kiện tương tự xảy ra khi đảo Hashima được UNESCO công nhận là di sản thế giới, bởi Nhật Bản trước đó đã được UNESCO khuyến nghị Nhật Bản phải có biện pháp để làm rõ được toàn bộ lịch sử của đảo này. Nhật Bản thực hiện khuyến nghị này, và đảo Hashima được công nhận là di sản thế giới. Nhưng sau đó, Hàn Quốc cho rằng Nhật Bản đã không thực thi đúng cam kết. Và lần này, Hàn Quốc tỏ ra “nghi ngờ” về việc Nhật Bản áp dụng biện pháp tương tự. Không những Hàn Quốc mà cả Trung Quốc cũng phản đối việc này của Nhật Bản. Còn Nhật Bản cho rằng Trung Quốc “tát nước theo mưa”.

Tuy nhiên, truyền thông Nhật Bản vừa qua cho biết chính phủ Nhật Bản đang có động thái chuyển sang lập trường tích cực đối thoại với Hàn Quốc. Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa đang cân nhắc tổ chức hội đàm song phương với Hàn Quốc bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Hàn-Mỹ-Nhật diễn ra tại Hawaii (Mỹ) ngày 12/2 sắp tới.

Ngoại trưởng Hayashi giải thích có ý định tiến hành thảo luận nghiêm túc và thận trọng với Hàn Quốc về vấn đề mỏ Sado. Lý do Tokyo đột ngột thay đổi thái độ với Seoul là bởi mỏ Sado, khó có thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới nếu Hàn Quốc phản đối. Và chỉ có cuộc gặp này mới có thể có những phương án để xoa dịu Hàn Quốc. Còn Hàn Quốc có “bỏ qua” hay không còn phụ thuộc vào Nhật Bản. Nếu Nhật Bản lại áp dụng biện pháp như với đảo Hashima thì vấn đề sẽ khó giải quyết./.

Bùi Hùng/VOV-Tokyo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/mo-vang-sado-co-gi-hap-dan-khien-nhat-ban-va-han-quoc-mau-thuan-gay-gat-post923094.vov