Giá cả sản xuất và duy trì cao, đồng thời việc sản xuất cũng tiêu tốn rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, xe tăng Char B1 lại không đáng tin cậy và việc hỏng vặt cũng như hỏng nặng cũng xảy ra thường xuyên. Do đó đây có thể nói đây là một chiếc xe chiến đấu không tương xứng với giá tiền và thời gian phải bỏ ra.
Giai đoạn đầu, xe tăng hạng nặng Char B1 khá thiếu thốn thiết bị liên lạc buộc chỉ huy xe phải liên lạc với đồng đội thông qua cờ hiệu hoặc pháo hiệu, đôi khi là cả chim bồ câu và người truyền tin. Tuy nhiên thì một số xe cũng được trang bị thiết bị liên lạc vô tuyến, nhưng nó quá lạc hậu, chỉ có thể nhận và gửi mã Morse, nên cũng không hiệu quả lắm.
Tháp pháo ở một vị trí khá cao và không có ghế cho chỉ huy. Điều này khiến cho chỉ huy xe khó tiếp cận tháp pháo để sử dụng. Ngoài ra tháp pháo cũng không có cửa sập, do đó trưởng xe phải dùng cửa sau để đưa người ra ngoài để quan sát xung quanh, điều này sẽ khiến chỉ huy xe gặp nhiều nguy hiểm.
Thêm vào đó thì tháp pháo xoay có nhiều điểm chết và có tầm nhìn hạn chế do chỉ có 3 ô quan sát, muốn tránh góc chết thì phải quay tay để xoay qua góc chết, mở rộng tầm nhìn khiến cho công việc của chỉ huy quá tải hơn và làm giảm tốc độ phản ứng khi tác chiến.
Ngoài ra việc điều khiển tháp pháo trên xe chỉ có một người. Điều này khiến trưởng xe phải kiêm thêm nhiệm vụ của pháo thủ và nạp đạn viên. Đôi khi là cả liên lạc viên thông qua cờ hiệu.
Thiết kế lựu pháo gắn ở thân kém hiệu quả. Muốn chỉnh góc bắn của lựu pháo thì buộc phải xoay cả xe để làm điều này, tuy nhiên vẫn có thể điều chỉnh góc nâng hạ nòng độc lập được. Điều này cũng xảy ra tương tự với súng máy gắn ở thân, nhưng thậm chí còn tệ hơn khi súng máy hoàn toàn cố định trên chân chống.
Thiết kế xe khá lạc hậu khi mục đích chính là để khắc chế chiến tranh trong chiến hào như thời Thế chiến 1. Nhưng Thế chiến 2, chiến tranh trong chiến hào không còn là chiến thuật chủ yếu cũng như có quy mô như trước nữa nên thành ra thiết kế của Char B1 hoàn toàn lỗi thời và không còn cần thiết nữa.
Char B1 cần khoảng từ 5 đến 6 người thuộc kíp lái để vận hành hiệu quả, nhưng con số này thực tế chỉ là 3 đến 4 người. Điều này khiến kíp lái dễ bị quá tải khi trưởng xe phải kiêm nhiều nhiệm vụ. Do đó khả năng tác chiến hiệu quả cũng như lâu dài của Char B1 rất hạn chế.
Pháo chống tăng không có thiết bị nâng góc súng, buộc xạ thủ (thực ra là trưởng xe) phải chỉnh góc bắn bằng vai thông qua báng vai được lắp với súng. Do đó nó ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng tác chiến lâu dài của xạ thủ.
Kích thước xe khá lớn khiến cho khả năng ngụy trang của xe khá kém và tốn thời gian, dễ khiến xe trở thanh mục tiêu ném bom cho máy bay Stuka và Bf-109, cũng như là “bia đỡ đạn” cho pháo phòng không Flak-18 bắn hạ nòng. Ngoài ra việc sử dụng đinh tán để gia cố cũng làm giảm đi ít nhiều hiệu quả giáp của xe.
Hệ thống treo giúp xe chạy việt dã khá ổn nhưng lại giới hạn tốc độ tối đa của xe khiến xe có tốc độ chạy của xe không cao, làm ảnh hưởng đến khả năng cơ động của xe trên đường trường. Tóm lại, Char B1 là một chiếc xe tác chiến rất hạn chế của Pháp, không hiệu quả trên chiến trường.
Char B1 có thời gian phát triển khá chậm, dù được lên ý tưởng thiết kế vào những năm 1920, nhưng mãi đến năm 1934 mới bắt đầu thiết kế xong. Và trong lúc nó đang được thiết kế, nhiều nước đã cho ra lò những chiếc xe tăng có thiết kế hiện đại và có tính hiệu quả cao hơn hơn như T-35, T-28 của Liên Xô và Grosstraktor, Neubaufahrzeug của Đức.
Ngoài ra việc đưa Char B1 vào biên chế cũng mất một khoảng thời gian nên càng khiến cho Char B1 sở hữu thiết kế càng lỗi thời hơn so với các loại xe tăng cùng thời của các quốc gia khác.
Lê Quang (tổng hợp)