'Mổ xẻ' chuyện người mẹ trẻ xăm trổ xách con 3 tuần tuổi lủng lẳng trên tay

Hình ảnh người phụ nữ trẻ với gương mặt dữ tợn, trên tay xách một cháu bé vài tháng tuổi khiến nhiều người phẫn uất, xót xa.

Luật sư: Có thể khởi tố hình sự

Sáng 11/6, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh người mẹ trẻ túm áo xách một cháu nhỏ treo lủng lẳng trên tay khiến nhiều người bất bình. Nhiều cư dân mạng cho rằng hành động của người phụ nữ là vô cùng dã man. Theo thông tin từ Công an tỉnh Bắc Ninh, ngay sau khi xuất hiện hình ảnh một cháu bé bị một cô gái trẻ túm áo, xách bổng lên, được cho là xảy ra ở xã Phương Liễu (huyện Quế Võ, Bắc Ninh), Công an huyện Quế Võ đã khẩn trương vào cuộc xác minh.

Bước đầu, lực lượng chức năng xác định, sự việc xảy ra tại nhà trọ thuộc thôn Giang Liễu (xã Phương Liễu, huyện Quế Võ). Vào khoảng 14 giờ 30 ngày 11/6, anh Nguyễn Văn Trung (30 tuổi, ở phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh) xảy ra mâu thuẫn với người sống chung là Nguyễn Diệu Thúy (18 tuổi, quê Thái Bình).

Lúc này, Thúy túm áo, xách con mới sinh khoảng 3 tuần tuổi lủng lẳng lên khỏi mặt đất (cháu bé là con của Trung và Thúy, hai người này chưa kết hôn nhưng chung sống với nhau như vợ chồng- PV). Thấy vậy, anh Trung đã chụp lại ảnh và đăng lên Facebook. Trước sự phản ứng của cư dân mạng, khoảng 20 phút sau khi đăng ảnh, anh Trung đã gỡ bỏ bài viết.

Sau khi xác minh sự việc, Công an huyện Quế Võ đã cùng anh Trung đưa cháu bé đi khám sức khỏe tại Trung tâm Y tế huyện Quế Võ. Bước đầu, các bác sĩ xác định cháu bé chưa bị tổn hại về sức khỏe.

Chia sẻ về hình ảnh đau lòng này, luật sư Nguyễn Thu Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, việc thương yêu, chăm sóc, nuôi dạy, giáo dục con cái không chỉ là vấn đề thuộc về đạo lý mà còn là quyền và nghĩa vụ pháp lý. Theo Điều 69 (Luật Hôn nhân và Gia đình 2014) quy định: “Cha mẹ phải thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức...”.

Tuy nhiên, trong thực tế không ít trường hợp, cha mẹ đã có hành vi xâm hại đến sức khỏe của con. Việc này không chỉ vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình mà còn vi phạm Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em cũng như nhiều quy định liên quan khác. Vì vậy, những hành vi bạo hành trẻ em là hành vi trái pháp luật, tùy từng mức độ vi phạm sẽ bị áp dụng các hình thức xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Anh cho rằng, dựa trên mức thương tật của đứa trẻ chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người mẹ sẽ bị áp dụng xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 49 (Nghị định 167/2013 NĐ-CP). Cụ thể, người mẹ có thể bị: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình”.

Cũng theo luật sư Anh, do cơ quan chức năng xác định cháu bé chưa bị tổn hại về sức khỏe nên người mẹ trong vụ việc này sẽ không bị xử lý về “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo Điều 134 (Bộ luật Hình sự 2015). Tuy nhiên, cơ quan tố tụng có thể xử lý người này về “Tội hành hạ người khác” được quy định tại Điều 140 (BLHS). Điều luật quy định: "Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”

Hình ảnh người mẹ trẻ xách con 3 tuần tuổi khiến nhiều người phẫn uất, xót xa

Hình ảnh người mẹ trẻ xách con 3 tuần tuổi khiến nhiều người phẫn uất, xót xa

Trẻ bị bạo hành có thể ảnh hưởng lâu dài đến thể chất

Hiện nay, nạn bạo hành trẻ em đang xảy ra thường xuyên và liên tiếp, trở thành vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Các vụ việc bạo hành mà một số bậc cha mẹ gây ra với con mình khiến dư luận xã hội rất căm phẫn. Có thể nói, hậu quả để lại đối với trẻ nhỏ là vô cùng to lớn, ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý của chúng. Theo đó, trẻ bị bạo hành trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách, hành vi, trẻ dễ hung hăng, không biết chia sẻ, đồng cảm trong cuộc sống. Hoặc trẻ trở nên lo lắng, buồn phiền, xa lánh mọi người, không thích tiếp xúc và luôn mang cảm giác sợ sệt.

Bên cạnh đó, trẻ bị bạo hành, về lâu dài sẽ hình thành một nhân cách nhút nhát, tự ti, thiếu sự khẳng định mình. Trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi chấp nhận và vượt qua các thử thách biến cố hay thất bại trong cuộc sống sau này. Vì thế, trẻ dễ mắc phải các rối loạn stress, lo âu và trầm cảm kéo dài.

Với vụ việc cụ thể trên, theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến hành vi hung tợn của người mẹ có thể là do bị trầm cảm sau sinh. Trầm cảm sau sinh là tình trạng liên quan đến suy nghĩ và cảm giác mệt mỏi, buồn chán, lo lắng xuất hiện sau sinh. Những phụ nữ mắc bệnh trầm cảm sau sinh thường kèm theo trạng thái lo sợ con mình sẽ bị hại và bản thân mình là người mẹ xấu.

Sau sinh, cơ thể người phụ nữ có sự thay đổi đột ngột về nội tiết (estrogen, progestrogen và hoóc môn tuyến giáp suy giảm) dễ dẫn đến cảm giác mệt mỏi, trầm cảm. Ngoài ra, nhiều người còn gặp khó khăn trong việc chăm sóc em bé dẫn đến mất hết hứng thú trong cuộc sống. Tình trạng càng trở lên trầm trọng nếu thời điểm ấy gia đình lại có mâu thuẫn hay có khó khăn về tài chính.

Triệu chứng thường gặp nhất của trầm cảm sau sinh là người phụ nữ bị suy nhược cơ thể. Kèm theo đó, nhiều người sẽ thường xuyên cảm thấy lo lắng, hốt hoảng, mất tập trung, mệt mỏi, buồn chán, thậm chí khóc lóc cả ngày mà không có lý do cụ thể.

Nguyễn Hằng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/mo-xe-chuyen-nguoi-me-tre-xam-tro-xach-con-3-tuan-tuoi-lung-lang-tren-tay-20190614124508753.htm