'Mổ xẻ' chuyến thăm Nga của Chủ tịch Tập Cận Bình

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến thăm Nga trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung vẫn chưa 'hạ nhiệt'. Liệu những bất đồng của Moscow và Bắc Kinh với Washington có thực sự giúp hai nước này xích lại gần nhau hơn hay không?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Nga trong bối cảnh hai quốc gia này đều đang chịu nhiều sức ép từ các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Tuy nhiên, Chủ tịch Tập khẳng định mối quan hệ song phương đã trụ vững trước những thách thức của thế giới đang biến đổi.

Ngày 5/6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố mối quan hệ hiện tại giữa Nga-Trung Quốc đang ở mức cao nhất từ trước tới nay và sẽ tiếp tục đi lên trong tương lai.

Theo Al Jazeera, hai nhà lãnh đạo Nga-Trung dường như có mối quan hệ rất đặc biệt. "Tôi có những cuộc trao đổi với Tổng thống Putin thân thiết hơn bất cứ người đồng nghiệp nước ngoài nào khác. Ông ấy vừa là người đồng cấp vừa là người bạn tốt nhất của tôi. Tôi trân trọng tình bạn sâu sắc của chúng tôi", Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn TASS của Nga.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP.

Hai nước từ lâu đã hỗ trợ nhau trong lĩnh vực chính trị quốc tế, chẳng hạn như tại Liên Hợp Quốc về vấn đề Syria và Iraq.

Tuy nhiên, trọng tâm chính trong chuyến thăm Nga mới nhất của ông Tập tập trung vào mối quan hệ kinh tế đang phát triển giữa hai nước. Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tham dự và có bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg lần thứ 23 với chủ đề "Tạo ra một chương trình nghị sự phát triển bền vững".

Agathe Demarais, Giám đốc dự báo toàn cầu của Đơn vị Tình báo Kinh tế (EIU), cho rằng 3 vấn đề có thể chi phối các cuộc gặp của ông Tập tại Nga, "Triều Tiên, quốc gia có mối quan hệ đặc biệt với cả Nga và Trung Quốc; xuất khẩu năng lượng của Nga sang Trung; và mối quan hệ của Nga và Trung Quốc với Mỹ", Demarais nói.

Có thể thấy, Nga và Trung Quốc đều đang đối mặt với những thách thức về kinh tế.

Trong khi quan hệ giữa Moscow và phương Tây vẫn ở mức thấp thì Bắc Kinh đang "loay hoay" trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Giới phân tích cho rằng những động thái của Mỹ có thể khiến Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn.

"Các nhà hoạch định chính sách Nga-Trung đang cố gắng tăng cường quan hệ thương mại giữa hai nước trong những năm gần đây. Và không phải ngẫu nhiên mà sự gia tăng thương mại Nga-Trung này diễn ra cùng thời điểm Mỹ thắt chặt các lệnh trừng phạt với Nga và mối lo ngại về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gia tăng", Liam Carson, nhà kinh tế học thuộc trung tâm nghiên cứu Capital Economics, nhận định.

"Đã có sự gia tăng đáng kể thương mại giữa Nga và Trung Quốc trong vài năm qua. Giá trị xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc đã tăng gấp đôi từ năm 2016 đến 2018", chuyên gia Liam nói tiếp.

Thương mại song phương đạt mức cao kỷ lục lên tới 108 tỷ USD vào năm ngoái, một phần là do Trung Quốc cần tìm thị trường mới cho các sản phẩm của họ khi chiến tranh thương mại với Mỹ xảy ra.

Bruno Sergi, giáo sư về kinh tế chính trị Nga-Trung tại Đại học Harvard, tin rằng mối quan hệ thương mại được củng cố giữa hai nước có thể sẽ dẫn đến sự hình thành một liên minh trong hợp tác công nghệ cao sâu rộng hơn và liên kết chiến lược mới.

"Tôi nghĩ rằng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã thúc đẩy Nga và Trung Quốc hợp tác chặt chẽ hơn với nhau, và trong điều kiện đối đầu hiện nay, Nga và Trung Quốc có có hội cải thiện quan hệ kinh tế", Sofya Bakhta, chuyên gia phân tích chiến lược thị trường cho Daxue Consulting, nói.

Bakhta tin rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đặt ra thách thức cho Bắc Kinh trong lĩnh vực kinh tế, năng lượng và an ninh lương thực. Và chính trong những lĩnh vực này, Moscow và Bắc Kinh có thể đẩy mạnh hợp tác.

Mời độc giả xem video: Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Nga (Nguồn: RT)

Mặc dù vậy, không phải ai cũng cho rằng những bất đồng của Nga và Trung Quốc với Mỹ đang khiến các đồng minh thời Chiến tranh Lạnh xích lại gần nhau hơn.

"Nga vẫn chưa xoay trục nhiều sang Châu Á. Năng lượng mà nước này cung cấp sang các quốc gia Châu Á vẫn ở mức thấp và tỷ lệ xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc vẫn thấp hơn nhiều so với Liên minh Châu Âu (EU). Về phần mình, Trung Quốc dường như không ưu tiên củng cố mối quan hệ với Nga, một phần là vì lo ngại tiếp tục đối kháng với Mỹ", chuyên gia Agathe Demarais của EIU bình luận.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Agathe Demarais, giao dịch ngoại hối và năng lượng hạt nhân là lĩnh vực mà hai nước có thể hỗ trợ lẫn nhau.

"Điều này đã được nhấn mạnh trong Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Trung đầu tháng 6/2018, khi Rosatom, công ty năng lượng hạt nhân thuộc sở hữu nhà nước của Nga, ký kết 4 thỏa thuận năng lượng hạt nhân mới - một trong những thỏa thuận lớn nhất trong hợp tác hạt nhân Nga-Trung", Demarais cho hay.

Thiên An

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/the-gioi/mo-xe-chuyen-tham-nga-cua-chu-tich-tap-can-binh-1233001.html