Mổ xẻ ngành công nghiệp tàu quân sự Trung-Nhật-Hàn
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) trong 4 năm từ 2014 - 2018, Trung Quốc đã cho ra lò nhiều tàu hải quân (tổng trọng tải 678.000 tấn) hơn hẳn so với tổng trọng tải của các tàu đang hoạt động của Pháp (428.000 tấn) hoặc Hải quân Ấn Độ (529.000 tấn) và gần bằng Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (681.000 tấn) hoặc Hải quân Hoàng gia Anh (692.000 tấn).
JS Kumano (FFM2) là tàu thứ hai của loạt khinh hạm 30DX và do hãng Mitsui Engineering and Shipbuilding chế tạo cho hải quân Nhật Bản.
Năng lực đóng tàu hải quân của Trung Quốc nằm trong hai tập đoàn lớn: Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC), Tổng công ty công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC). Các xưởng của CSIC chủ yếu nằm ở phía Bắc. Các nhà máy đóng tàu CSSC đóng một phần lớn lực lượng tác chiến mặt nước của hải quân Trung Quốc (PLAN), bao gồm Nhà máy đóng tàu Giang Nam và Nhà máy đóng tàu Hồ Đông-Trung Hoa có trụ sở tại Thượng Hải và Nhà máy đóng tàu Hoàng Phố ở Quảng Châu…
Theo Richard Bitzinger, nghiên cứu viên cao cấp tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, các nhà máy đóng tàu của Trung Quốc đang trở nên thành thạo hơn nhiều trong việc sản xuất các loại tàu với chất lượng cao hơn và số lượng lớn hơn.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng mặc dù ngành công nghiệp đóng tàu hải quân của Trung Quốc đã giảm bớt sự phụ thuộc về công nghệ nước ngoài đối với một số thành phần chính như tuabin khí, radar, điều khiển hỏa lực, vũ khí và máy bay trực thăng, họ vẫn cần nguồn cung cấp các hạng mục như hệ thống động lực dưới nước và hệ thống định vị động.
Tom Waldwyn, nhà nghiên cứu về mua sắm quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nói với AMR: “Quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc sẽ tiếp tục dựa trên việc thay thế các nền tảng cũ bằng các tàu lớn hơn và có năng lực hơn cũng như việc chế tạo các tàu cỡ lớn như tàu sân bay, tàu đổ bộ trực thăng, tàu đổ bộ và tàu chở dầu của hạm đội”.
Trước khi có sự trỗi dậy của Trung Quốc, Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF) có hạm đội lớn nhất và mạnh nhất châu Á. Nhật Bản có các nhà máy đóng tàu có thể chế tạo các tàu khu trục phòng không mạnh mẽ, tàu ngầm diesel-điện hiện đại và gần đây là các tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga và Izumo .
Các nhà thầu chính của Nhật Bản bao gồm Mitsubishi Heavy Industries (MHI), Kawasaki Heavy Industries (KHI) và Japan Marine United (JMU). Ông Bitzinger nói với AMR rằng Nhật Bản có cơ sở công nghiệp quốc phòng tiên tiến nhất trong khu vực và chủ yếu là tự lực.
Tuy nhiên, ông nói rằng điều này có cái giá phải trả. Hiến pháp Nhật Bản ngăn nước này xuất khẩu thiết bị quân sự và do vậy các thứ họ sản xuất ra cho quốc phòng rất đắt đỏ (do không hạ được giá thành vì số lượng ít).
Do đó, không rõ mô hình công nghiệp quân sự Nhật Bản có thể tiếp tục hoạt động trong bao lâu. Ông Bitzinger nói thêm rằng mặc dù gần như tự chủ, Nhật vẫn còn một số phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài đối với một số thành phần như hệ thống phòng thủ Aegis, công nghệ khí độc lập AIP cho tàu ngầm và các loại vũ khí như tên lửa chống hạm Harpoon và hệ thống tự vệ SeaRAM.
Giống như Nhật Bản, quốc gia láng giềng Hàn Quốc đã một thời gian đóng các tàu khu trục và khinh hạm hiện đại cũng như các tàu đổ bộ. Nước này cũng đang phát triển khả năng thiết kế và chế tạo các tàu ngầm diesel-điện với các loại KSS-I, -II và -III. Trong khi đó, trong Kế hoạch Quốc phòng Trung hạn giai đoạn 2021–25 gần đây của Hàn Quốc, Bộ Quốc phòng đã vạch ra kế hoạch đóng một tàu sân bay mới 40.000 tấn.
Trong thập kỷ qua Daewoo Shipbuilding and Marine Engineering ( Nhà máy đóng tàu DSME) ở Vịnh Okpo đã đóng hai lô tàu ngầm do châu Âu thiết kế (Type 209 (KSS-I) và Type 214 (KSS-II) của Đức) nhưng hiện đã tiến hành đóng tàu ngầm KSS-III tự thiết kế cho hạm đội của mình. Hàn Quốc đã xuất khẩu ba tàu theo thiết kế KSS-I cho Indonesia.
DSME cũng chịu trách nhiệm chế tạo các khinh hạm lớp Daegu (FFX-II) mới, các khu trục hạm Vua Seijong Đại đế (KDX-III) có khả năng phòng thủ Aegis và khinh hạm DW3000F cho Thái Lan. Hyundai Heavy Industries (HHI) đóng các tàu ngầm KSS-III, khu trục hạm Daegu và Sejong, hoàn thành hai khinh hạm lớp Jose Rizal (HDF-3000) cho Philippines.
Ông Bitzinger nói rằng mặc dù Hàn Quốc có thế mạnh dựa trên sức mạnh đóng tàu thương mại, xuất khẩu thành công và khả năng đóng tàu chiến phức tạp, nhưng vẫn có những điểm yếu đáng kể. Ông giải thích rằng họ vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu các thành phần quan trọng như hệ thống đẩy và nghiêm trọng hơn, lĩnh vực đóng tàu thương mại đang phải chịu áp lực do dư thừa công suất và sự cạnh tranh từ Ấn Độ. Áp lực này gần như khiến các công ty đóng tàu của Hàn Quốc sụp đổ trong những năm gần đây sau khi các đơn đặt hàng giảm.