Mổ xẻ 'ngựa chiến' của đội tuyển tăng Việt Nam tại Army Games 2019
Là mẫu nâng cấp toàn diện của T-72, chiến tăng T-72B3 trang bị nhiều tính năng hiện đại, mạnh mẽ và cơ động và được coi là 'ông trùm' tại đấu trường Tank Biathlon Army Games 2019.
T-72B3 được trang bị cho đội tuyển xe tăng Việt Nam và các đội tuyển khác tại đấu trường Tank Biathlon - Army Games 2019, là phiên bản nâng cấp toàn diện của chiếc T-72B bản tiêu chuẩn. So với thế hệ tiền nhiệm, T-72B3 được cải thiện gần như tất cả các đặc tính chiến đấu cơ bản. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Các xưởng cơ khí quân sự có thể dễ dàng "độ" chiếc T-72B lên phiên bản T-72B3 hiện đại hóa, với các thông số kỹ thuật gần như tương đương sánh ngang mẫu tăng T-90A, với chi phí tối giản và thời gian ngắn nhất. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Xe tăng T-72B3 hội tụ trong mình đầy đủ các tiêu chuẩn của một chiến tăng hiện đại: lớp giáp bảo vệ vững chắc, tính cơ động cao, hệ thống điều khiển ngắm bắn mục tiêu tự động, hệ thống radio thông tin liên lạc bền bỉ, hỏa lực mạnh mẽ và quan trọng nhất là vận hành ổn định. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Tất cả những lợi thế này đã giúp T-72B3 của Nga đánh bại các đối thủ nước ngoài, như: mẫu tăng T-90 của Ấn Độ và Type 96A của Trung Quốc trong đấu trường Tank Biathlon. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Với trọng lượng không đến 50 tấn, T-72B3 có lợi thế hơn đối thủ M1A1 Abrams của Mỹ, với trọng lượng lên tới hơn 70 tấn. Nhờ lợi thế trọng lượng, T-72B3 có thể đạt được tốc độ tối đa 65km/h. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Hệ thống thân vỏ chống nước, giúp T-72B3 có thể lội qua những đoạn sông suối ngập nước rất tốt. Với trang bị hiện đại, T-72B3 có thể tự động theo dõi mục tiêu và khai hỏa tiêu diện ở khoảng cách lên tới 10km. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Đặc biệt, trên T-72B3 được lắp đặt hệ thống ống kính quang học "Sosna-U" đi kèm hệ thống theo dõi mục tiêu, ngắm bắn tự động 1A40-4. Bộ mô-đun liên lạc radio trên T-72B3 là mẫu R-168-25U-2, được điều khiển bởi tổ hợp phần mềm AVSKU. T-72B3 sử dụng súng pháo 2A46M-5-01, phù hợp với các loại đạn kích cỡ 125 mm. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Chiến tăng T-72B3 được trang bị động cơ V-92S2F với sức mạnh tương đương 1.130 sức ngựa, đi kèm các hệ thống truyền động đồng bộ. So với thế hệ T-72B tiêu chuẩn với động cơ dầu diesel sức mạnh chỉ 730 sức ngựa, đây là một cải tiến mang tính cách mạng. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Mẫu tăng hiện đại này cũng đã được trang bị hệ thống hiển thị thông số điện tử, giúp kíp lái dễ dàng theo dõi hoạt động của từng mô-đun riêng trên xe, từ đó giúp kiểm soát hoàn toàn hoạt động của xe theo thời gian thực. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Ngoài ra, mẫu chiến tăng tiêu chuẩn của Tank Biathlon - Army Games 2019 đã được tích hợp màn hình đạt tiêu chuẩn tác chiến điện tử hiện đại, với các mô-đun bảo vệ động kiểu Relict tích hợp và màn hình chiếu radar dạng lưới và màn hình lưới tháp. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Tuy nhiên, do được nâng cấp từ T-72B, vốn được sản xuất từ thời Liên Xô, xe tăng này cũng được xếp vào loại "có tuổi" và cần được bảo dưỡng thường xuyên. Tất nhiên, chất lượng của T-72B3 cũng khó có thể bì kịp các mẫu xe tăng hiện đại thế hệ ra sau, được đóng mới hoàn toàn. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Điển hình là ở vòng bán kết Biathlon Army Games 2019 vừa qua, đội Việt Nam đã phải dừng xe không dưới 3 lần, để sửa chữa các lỗi liên quan tới hệ thống nạp đạn, bộ cân bằng pháo và kính ngắm quang học, thời gian chậm trễ lên tới gần 30 phút, ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả chung cuộc. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Tuy nhiên, trong điều kiện vận hành của đấu trường Biathlon Army Games 2019, các loại chiến tăng thường phải hoạt động hết công suất, trong môi trường khắc nghiệt. Trên thực tế, hoạt động chiến đấu của quân đội các nước thường không "vắt kiệt" sức lực của xe tăng như tại đấu trường này. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.