Mổ xẻ tham vọng của hải quân Nga
Bên cạnh hệ thống tàu ngầm hiện đại, hải quân Nga những năm tới còn cần xây dựng một lực lượng tàu nổi theo hướng tiêu chuẩn hóa.
Chương trình mục tiêu đại dương thế giới của Nga nhấn mạnh: Nếu nước Nga không muốn ở địa vị thấp kém khi các cường quốc trên thế giới bắt đầu phân chia đại dương; Nếu Nga không chấp nhận trở thành một cường quốc khu vực, thậm chí một quốc gia ven bờ, Nga cần đẩy mạnh phát triển một lực lượng hải quân xa bờ.
Hạm đội tàu ngầm
Không có tàu ngầm thì hải quân không thể đảm bảo sự hiện diện của Nga trên đại dương thế giới. Tàu ngầm, cả với ý nghĩa chiến lược lẫn chiến dịch-chiến thuật, vẫn là bộ phận hợp thành chủ yếu của hải quân các nước có đường thông ra biển và đại dương.
Do vậy, hải quân Nga phải có 2 hệ tàu ngầm cơ bản. Hệ thứ nhất là các tàu ngầm tên lửa chiến lược để hoạt động ở xa các căn cứ, kể cả dưới lớp băng Bắc cực. Hệ thứ hai là các tàu ngầm nguyên tử đa chức năng có khả năng hoạt động tại những vùng xa xôi của đại dương thế giới, trong đó có cả phối hợp với các tàu ngầm tên lửa chiến lược.
Ngoài ra, Nga cũng cần các tàu ngầm diesel để hoạt động ở những vùng biển xa và gần bờ. Trong số các tàu ngầm diesel, phải có một số lượng cần thiết các con tàu sử dụng nhiên liệu hóa học (ôxy hóa lỏng) và các tàu ngầm sử dụng hydro peroxid.
Tàu ngầm tương lai cần được phát triển, với yêu cầu có độ ồn thấp. Một trong những phương hướng giải quyết vấn đề này là chế tạo tàu ngầm một thân có chiều dài tàu lớn hơn; hướng thứ hai là áp dụng kĩ thuật đóng tàu ngầm một trục.
Yêu cầu thứ hai là phát triển loại tàu có thân vỏ làm bằng kim loại siêu bền. Trước đây, Nga từng đóng 13 tàu ngầm nguyên tử có thân bằng hợp kim titan. Thân vỏ loại này cho phép tàu lặn sâu hơn và có trường điện từ nhỏ hơn, do đó nâng cao được tính năng chiến thuật chủ yếu của tàu là tính bí mật.
Tuy nhiên, giá thành loại tàu này cao hơn tàu có thân vỏ thép, vì vậy việc phát triển loại tàu này phụ thuộc vào khả năng kinh tế của đất nước và chúng chỉ được sử dụng để giải quyết các nhiệm vụ đặc biệt.
Đối với tàu ngầm diesel, các tính năng chủ yếu (tốc độ, độ lặn sâu, tính độc lập cao..) vẫn không có những thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, cần tìm kiếm những nguồn năng lượng mới và công nghệ mới để chế tạo tàu ngầm điện-diesel có khả năng lặn dưới nước không phải vài chục giờ, mà là tới 20-30 ngày đêm.
Biên chế đội tàu ngầm nguyên tử của Nga sẽ giảm đáng kể, do 3 nguyên nhân chủ yếu. Một là, tiềm lực kinh tế đất nước không cho phép đóng các tàu ngầm nguyên tử đắt tiền với số lượng như trong thời kì Chiến tranh Lạnh. Hai là, Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, hải quân không cần đến hàng trăm tàu ngầm nguyên tử trong biên chế của mình. Ba là, do nguy cơ ô nhiễm phóng xạ môi trường xung quanh.
Không chỉ số lượng tàu ngầm ít hơn, mà số lượng các đơn vị tàu ngầm cũng ở mức tối thiểu. Mỗi hạm đội sẽ chỉ có 1 binh đoàn tàu ngầm điện-diesel, riêng Hạm đội Biển Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương có thêm binh đoàn tàu ngầm nguyên tử. Tính chung, đến năm 2030, số lượng tàu ngầm của Nga sẽ chỉ vào khoảng 30-40 chiếc.
Ưu tiên đặc biệt sẽ dành cho phát triển các hệ thống chỉ thị mục tiêu cho vũ khí trên tàu ngầm; các công nghệ mới sẽ làm cho chúng có kích thước nhỏ hơn. Các phương tiện liên lạc sẽ được quy chuẩn hóa nhằm cung cấp kịp thời các tín hiệu chỉ huy tác chiến và chỉ thị mục tiêu.
Hạm đội tàu nổi
Hạm đội tàu nổi sẽ được phát triển theo hướng tiêu chuẩn hóa, tức vũ khí sẽ dùng chung cho tất cả các lớp tàu cơ bản. Để đảm bảo tính bí mật, sẽ ứng dụng những tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ tàng hình: tàu sẽ ít bị “lộ diện” hơn, còn các phương tiện cảnh giới của chúng sẽ có khả năng phát hiện địch trong mọi tình huống. Các máy bay trực thăng trang bị trên tàu có khả năng hoạt động từ tất cả các hệ tàu nổi.
Các thiết bị năng lượng chủ yếu của tàu nổi sẽ có những thay đổi về nguyên tắc theo hướng bỏ các tàu nổi nguyên tử. Hiện hải quân Nga có 5 tàu loại này, nhưng chỉ có 1 chiếc tàu khu trục “Pie Đại đế” thuộc Hạm đội Biển Bắc là còn khả năng sẵn sàng chiến đấu. Việc đóng các tàu nổi nguyên tử tưởng chừng có thể làm giảm nhẹ việc cung cấp nhiên liệu khi hoạt động dài ngày trên đại dương.
Nhưng vấn đề là ở chỗ những chiếc tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân đơn lẻ không giải quyết được gì, vì chúng vẫn hoạt động cùng các tàu thông thường, mà những tàu thông thường này phải định kì bổ sung nguồn dự trữ nhiên liệu, nước sạch và lương thực thực phẩm. Đây là yếu tố làm cho ưu thế của các tàu nổi nguyên tử trong biên chế binh đoàn bị hạn chế đến mức thấp nhất.
Một số chính giới quân sự Nga e rằng, hải quân sẽ không còn khả năng được sử dụng vũ khí hạt nhân, bao gồm cả đầu đạn hạt nhân, phương tiện mang và phương tiện điều khiển chúng. Vũ khí hạt nhân, dù là chiến lược hay chiến thuật, đều là vũ khí sát thương hàng loạt. Sử dụng chúng sẽ trái với những nỗ lực không mệt mỏi nhằm hạn chế, cấm phổ biến, cấm hoàn toàn và tiêu hủy loại vũ khí này.
Do vậy, vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ không được phát triển trong hải quân. Thay vào đó sẽ là các hệ vũ khí chính xác cao với đầu đạn thông thường, nhưng với công nghệ hoàn toàn đổi mới.