'Mổ xẻ' thiết kế ngũ giác đặc biệt của Lầu Năm Góc
Nhiều người nhận thấy Lầu Năm Góc (Mỹ) được thiết kế theo hình ngũ giác nhưng không có nhiều người biết rõ lý do vì sao lại thế.
Lý do trụ sở Lầu Năm Góc có hình ngũ giác khá đơn giản. Ban đầu, tòa nhà Lầu Năm Góc được thiết kế cho phù hợp với đặc điểm địa chất của mảnh đất có 5 cạnh. Sau đó, người ta lại đổi địa điểm xây dựng tòa nhà nhưng không kịp để thay đổi thiết kế. Vì vậy, Lầu Năm Góc có hình ngũ giác (5 cạnh).
"Lầu Năm Góc là "tai nạn nghề nghiệp trong thời chiến"", nhà báo Steve Vogel, của tờ Washington Post đã đưa ra nhận định này. Nhà báo Vogel là tác giả cuốn sách "The Pentagon – A History" ("Lịch sử Lầu Năm Góc") được xuất bản năm 2007.
Theo nhà báo Vogel, vào một ngày thứ 5 trong tháng 7/1941, Thiếu tướng Brehon B. Sommervell được giao nhiệm vụ xây dựng Lầu Năm Góc. Vogel còn gọi Thiếu tướng Sommervell là "cha đẻ Lầu Năm Góc".
Thiếu tướng Brehon B. Sommervell, Trưởng ban Thi công thuộc Tổng cục Hậu cần Mỹ chỉ đạo nhóm thiết kế thiết kế một tòa nhà cho 40.000 người làm việc, một bãi đậu xe có chứa 10.000 ô tô và không được cao quá 4 tầng để không chắn tầm nhìn về phía Washington DC.
Theo thiết kế, diện tích của Lầu Năm Góc lớn gần gấp 2 lần tòa nhà Empire State ở New York và không thể là một tòa nhà chọc trời. Ban đầu, chính phủ Mỹ lựa chọn trang trại Arlington nằm trên mảnh đất 5 cạnh làm địa điểm xây dựng trụ sở mới của Bộ Chiến tranh (Bộ Quốc phòng Mỹ hiện nay). Kiến trúc sư George Edwin Bergstrom được yêu cầu thiết kế tòa nhà theo hình ngũ giác đó để tận dụng hết diện tích mảnh đất.
Tuy nhiên sau đó, Lầu Năm Góc được chọn xây dựng cạnh bờ sông Potomac thuộc Virginia dài 28,15 km, phía bờ bên kia là Washington, DC, gần trang trại Arlington - một trang trại nông nghiệp do chính phủ điều hành nằm phía đông Nghĩa trang Quốc gia Arlington.
Theo đó, Lầu Năm Góc là một công trình thiết kế hoàn hảo theo chiều kim đồng hồ, gồm 10 hành lang giống hình nan hoa nối liền các phần khác nhau của tòa nhà. Mọi người có thể đi bộ đến bất kỳ điểm nào trong tòa nhà trong vòng 7 phút.
Kiến trúc sư George Edwin Bergstrom là người thiết kế và xây dựng Lầu Năm Góc trong giai đoạn từ năm 1941 - 1943. Tòa nhà này được thiết kế theo phong cách tân cổ điển làm liên tưởng đến sơ đồ kết cấu pháo đài trong lịch sử công trình.
Lầu năm Góc có điểm nhấn 5 cạnh, tầng lửng và tầng hầm. Thêm vào đó, mặt cắt ngang 5 cạnh không chỉ chịu ảnh hưởng của thiết kế pháo đài mà còn do mảnh đất dự định xây Lâu Năm Góc ban đầu có 5 cạnh.
Mỗi dãy nhà trong Lầu Năm Góc được xây 5 tầng (không tính các tầng hầm và khoảng sân ở trung tâm khu nhà có diện tích khoảng 2 ha).
Cuối cùng, Chủ tịch Ủy ban Mỹ thuật Mỹ Gilmore D. Clarke, không đồng ý xây dựng trên trang trại Arlington vì ông không muốn công trình này che lấp tầm nhìn từ phía Nghĩa trang Quốc gia về Washington D.C - nơi an nghỉ của ông Pierre L'Enfant - người quy hoạch thủ đô Washington.
Do đó, địa điểm xây dựng Lầu Năm Góc được di chuyển đến sân bay Washington Hoover nhưng vẫn giữ nguyên thiết kế ban đầu vì Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt rất thích bản thiết kế hình ngũ giác độc đáo của tòa nhà này do kiến trúc sư Bergstrom thực hiện.
Thêm vào đó, Tổng thống Roosevelt cũng quan ngại vị trí ban đầu sông Potomac có thể gây trở ngại cho mọi người ra vào trụ sở Lầu Năm Góc.
Đến nay, thiết kế hình ngũ giác độc đáo của Lầu Năm Góc trở thành điểm nhấn trong kiến trúc của Mỹ. Thêm vào đó, con số 5 còn trùng hợp với thuyết ngũ hành của phương Đông.