Mobile Money tiện nhưng nhiều rủi ro
Việc thanh toán qua tài khoản di động khi mua sắm sẽ đơn giản, tiện lợi, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa mà không cần dùng tài khoản ngân hàng, thẻ ATM
Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã trình Thủ tướng quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (Mobile Money).
Kênh thanh toán tiện lợi cho vùng sâu, vùng xa
Theo dự thảo Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP, Mobile Money là tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động.
Với Mobile Money, việc thanh toán qua tài khoản di động khi mua sắm sẽ đơn giản, tiện lợi, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa mà không cần dùng tài khoản NH hay thẻ ATM... NHNN đánh giá mạng lưới, công nghệ của các công ty viễn thông sẽ cung cấp dịch vụ Mobile Money đến người dân với chi phí thấp hơn. Đồng thời, giúp các NH tiếp cận khách hàng mà không cần phải mở rộng mạng lưới, chi nhánh, các phòng giao dịch, tiết kiệm chi phí. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ NH năm 2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Mobile Money sẽ là giải pháp thanh toán tiện lợi cho người dân ở khu vực nông thôn tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, tài chính, việc làm và an sinh xã hội trên nền tảng internet.
Từ năm 2019, cả 3 nhà mạng Viettel, MobiFone và VNPT VinaPhone với hàng trăm ngàn điểm giao dịch, hàng chục triệu thuê bao di động đã vào cuộc, đăng ký thêm ngành nghề "trung gian thanh toán", chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho việc cung cấp dịch vụ Mobile Money. Đến nay, Viettel chuẩn bị mọi nguồn lực để sẵn sàng triển khai khi được cấp phép. Hệ sinh thái số ViettelPay được bảo đảm bởi các chứng nhận tiêu chuẩn công nghệ, nhận diện các giao dịch và thuê bao bất thường... để kịp thời ngăn chặn rủi ro, bảo vệ quyền lợi người dùng. Đánh giá về thị trường thanh toán điện tử, lãnh đạo MobiFone cho rằng Mobile Money sẽ là công cụ thanh toán không dùng tiền mặt tiềm năng có thể bùng nổ tại Việt Nam. Để đón đầu xu thế này, từ năm 2019, MobiFone đã chuẩn bị các điều kiện hạ tầng, bảo đảm theo tiêu chuẩn của hệ thống công nghệ thông tin ngành NH, dữ liệu được mã hóa, xác thực và lưu trữ toàn bộ lịch sử giao dịch và cả công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), sinh trắc học để tự động định danh xác thực (KYC)... để bảo vệ khách hàng khi bị mất điện thoại...
Cần khung pháp lý bảo vệ người dùng
Nhóm chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu NH BIDV nhận xét về bản chất, Mobile Money tương tự như ví điện tử (một dạng tiền điện tử e-money) nhưng khác so với Mobile Banking (dịch vụ NH qua di động). Mobile Banking là công cụ của NH, kết nối với tài khoản khách hàng để gửi tiền, cho vay, thanh toán... Mobile Money có thể không kết nối với tài khoản NH, chủ yếu để thực hiện giao dịch thanh toán, chuyển tiền với giá trị giao dịch nhỏ.
Theo các chuyên gia kinh tế, thanh toán qua Mobile Money có thể thu hút sự chú ý của tội phạm công nghệ tài chính. Vì thế, việc triển khai dịch vụ này cần liên tục cập nhật và tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh tiền tệ. Một chuyên gia trong lĩnh vực trung gian thanh toán phân tích yếu tố KYC rất quan trọng với Mobile Money nhưng cũng là một thách thức với các nhà mạng trong tình trạng sim rác vẫn chưa được xử lý triệt để. TS Trần Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển công nghệ NH - ĐHQG TP HCM, đề xuất khi xây dựng khung pháp lý liên quan đến thanh toán di động, các nhà quản lý cần tập trung vào những nội dung trong Chính sách pháp lý của Mobile Money được Hiệp hội Thông tin di động thế giới (GSMA) đưa ra về KYC, phân loại khách hàng theo mức độ, phát triển mạng lưới đại lý giao dịch tại quầy, công khai với người dùng về các quyền và nghĩa vụ của họ, cải tiến công nghệ và xây dựng, bảo trì hệ thống dữ liệu...
"Một khung pháp lý mang tính hỗ trợ sẽ tạo điều kiện cho các công ty tham gia, tăng nhu cầu cho khách hàng sử dụng Mobile Money trong khi vẫn bảo đảm mức bảo mật cao và tránh vấn đề như rửa tiền… Cơ quan quản lý phải có sự chắc chắn về khung pháp lý để bảo vệ người dùng, an toàn hệ thống, tuân thủ cam kết quốc tế về phòng chống rửa tiền và phân rõ trách nhiệm quản lý của các bên liên quan. Những điều này góp phần giúp Mobile Money có nền tảng ổn định để phát triển bền vững" - TS Trần Hùng Sơn nhận định.
Những rủi ro tiềm ẩn
Có 5 rủi ro tiềm ẩn khi triển khai Mobile Money cũng được nhóm chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu NH BIDV đưa ra là dữ liệu của khách hàng có thể bị xâm phạm, dùng cho mục đích riêng hoặc gian lận; đại lý cung cấp dịch vụ có thể thu phí bất hợp pháp từ các giao dịch gửi, rút tiền của khách hàng; thậm chí mạo danh nhà cung cấp để lừa gạt người gửi tiền; tiền của khách hàng có thể bị mất, nếu không có phương án quản lý phù hợp... Để hạn chế rủi ro mất tiền trong tài khoản khách hàng, các chuyên gia khuyến nghị cần quy định phải luôn có mã xác thực, mã Pin hoặc mật khẩu khi thực hiện giao dịch trên điện thoại nhằm xác minh danh tính người dùng; cho phép mọi giao dịch được giám sát, có thể định vị thuê bao di động thực hiện giao dịch...
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-nghe/mobile-money-tien-nhung-nhieu-rui-ro-20200523210746499.htm