Mộc Châu phát triển đa dạng sản phẩm OCOP

Sau 2 năm triển khai, chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' trên địa bàn huyện Mộc Châu đã thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh, đã có 25 sản phẩm nông sản đặc sản của địa phương được chứng nhận OCOP, đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 4 sao.

Sản xuất đông trùng hạ thảo tại HTX Đông trùng hạ thảo Mộc Châu.

Sản xuất đông trùng hạ thảo tại HTX Đông trùng hạ thảo Mộc Châu.

Với kinh nghiệm gần 30 năm nuôi ong và chế biến mật, được các cơ quan chuyên môn hỗ trợ, ông Nguyễn Đăng Thơ, thị trấn Nông trường Mộc Châu quyết tâm đưa các sản phẩm từ mật ong tham gia chương trình OCOP. Năm 2020, gia đình ông đã có 3 sản phẩm được chứng nhận OCOP tiêu chuẩn 3 sao: Mật hoa nhãn, mật hoa rừng và sữa ong chúa. "Trong quá trình xây dựng sản phẩm đạt OCOP, cơ sở được các đơn vị chuyên môn của huyện và tỉnh tư vấn hoàn thiện phương án kinh doanh, bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ đánh giá sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm… Từ khi được công nhận OCOP cuối năm 2020, sản phẩm ngày càng được nhận được sự tin tưởng của khách hàng, có mặt tại nhiều thị trường trong nước. Năm 2020, gia đình đã xuất bán gần 100 tấn mật ong, doanh thu đạt 1,2 tỷ đồng". Ông Nguyễn Đăng Thơ chia sẻ.

Không chỉ sản phẩm truyền thống, nhiều sản phẩm mới có giá trị kinh tế đã được các doanh nghiệp, HTX xây dựng trở thành sản phẩm OCOP. Tiêu biểu có sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của HTX Đông trùng hạ thảo Mộc Châu. Đây là một loại dược liệu được dùng để bào chế các bài thuốc bồi bổ sức khỏe hoặc hỗ trợ điều trị bệnh. HTX đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng quy mô 500 m², gồm các phòng nuôi, phòng chờ cấy và ngủ đông, phòng phân lập và cấy giống và trang bị các trang thiết bị hiện đại để đông trùng hạ thảo sinh trưởng trong nhiệt độ trung bình từ 18-22 độ C, duy trì độ ẩm từ 70-80%. Năm 2020, hai sản phẩm đông trùng hạ thảo sấy khô và đông trùng hạ thảo ngâm mật ong đã đạt chứng nhận OCOP tiêu chuẩn 3 sao, giúp nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho HTX.

Sản phẩm đông trùng hạ thảo sấy khô và đông trùng hạ thảo ngâm mật ong đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Sản phẩm đông trùng hạ thảo sấy khô và đông trùng hạ thảo ngâm mật ong đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Giám đốc HTX Đông trùng hạ thảo Mộc Châu, cho biết: Thông qua chương trình OCOP, các sản phẩm của HTX được chứng minh về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, được quảng bá rộng rãi, tạo lợi thế để sản phẩm nâng cao giá trị và tính cạnh tranh trên thị trường. Sau khi đạt chuẩn OCOP, sản lượng tiêu thụ sản phẩm đã tăng từ 10 – 20%.

Sau 2 năm triển khai trên địa bàn huyện Mộc Châu, chương trình OCOP đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần phát huy thế mạnh sản phẩm tiêu biểu, tạo đà phát triển sản phẩm cho các tổ chức, doanh nghiệp. Năm 2020, huyện Mộc Châu có thêm 13 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao; có 2 sản phẩm tham gia dự thi nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP của huyện lên 25 sản phẩm (6 sản phẩm đạt 4 sao và 19 sản phẩm đạt 3 sao).

Hiện, huyện Mộc Châu đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các doanh nghiệp, HTX, các hộ sản xuất, kinh doanh thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP; tích cực xây dựng, phát triển các ý tưởng, sản phẩm mới; phấn đấu đạt 30 sản phẩm OCOP trong năm 2021. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; xác định các vị trí giới thiệu sản phẩm OCOP trên quốc lộ 6, nhất là các điểm dừng nghỉ, các khu vực khách sạn, nhà hàng.

Ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Châu, cho biết: Cùng với việc nâng cao chất lượng, nâng hạng các sản phẩm OCOP, huyện đang triển khai đăng ký, tìm kiếm, hỗ trợ các chủ thể phát triển các sản phẩm OCOP mới. Với mục tiêu phát triển đa dạng sản phẩm OCOP, cùng với các sản phẩm thế mạnh lĩnh vực nông nghiệp, huyện đang định hướng phát triển thêm các lĩnh vực khác như sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm dệt truyền thống, dịch vụ du lịch…

Phát triển đa dạng các sản phẩm, đặc sản thành sản phẩm OCOP, Mộc Châu từng bước phát triển thương hiệu, tăng sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của của địa phương.

Lê Hạnh

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/moc-chau-phat-trien-da-dang-san-pham-ocop-38134