Mộc Hóa: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa
Qua 2 năm triển khai thực hiện, chương trình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trên địa bàn huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, góp phần tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng, được nông dân đồng tình, hưởng ứng tham gia.
Thay đổi nhận thức của nông dân
Trên địa bàn huyện Mộc Hóa có 22.200ha sản xuất lúa. Thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện tiến hành rà soát, xác định cụ thể vùng đề án để tập trung triển khai, đầu tư. “Công tác thông tin, tuyên truyền thông qua các cuộc tập huấn, tham quan, hội thảo, trình diễn đã tạo chuyển biến tích cực trong các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân về tầm quan trọng của việc sản xuất an toàn, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, hiệu quả kinh tế, nhất là sản xuất theo chuỗi để bảo đảm đầu ra” - Chủ tịch UBND huyện - Lâm Hòa Xứng cho biết.
Thời gian qua, huyện phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lắp đặt 9 panô tuyên truyền về sản xuất lúa ƯDCNC trên địa bàn huyện. Huyện ủy cũng mở các đợt triển khai chủ trương, chính sách của đề án, nội dung kế hoạch thực hiện đến cán bộ chủ chốt cấp huyện, xã. Đồng thời, huyện cấp phát 1.000 tờ rơi tuyên truyền, bản đồ của tỉnh về đề án cho 3 xã trong vùng quy hoạch. Các hộ dân tham gia mô hình được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp ƯDCNC kết hợp với Dự án VnSAT.
Ông Trần Văn Sửa, ngụ ấp Hương Trang, xã Bình Hòa Trung, vui mừng nói: “ƯDCNC vào sản xuất lúa, nông dân có nhiều cái lợi. Việc sử dụng giống lúa xác nhận, sạ thưa, sạ hàng và sử dụng phân vi sinh giúp lúa ít sâu, bệnh, mang lại sản phẩm sạch hơn, an toàn hơn và góp phần bảo vệ môi trường. Song song đó, việc áp dụng quy trình sản xuất “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng” giúp tiết kiệm nhiều chi phí nhờ giảm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, giúp nông dân tăng lợi nhuận đáng kể so với phương pháp sản xuất truyền thống”.
Theo thống kê, đến hết vụ Hè Thu 2019, trên địa bàn huyện thực hiện ƯDCNC với tổng diện tích 1.175,2ha, đạt 48,3% kế hoạch. Trong đó, xây dựng 16/12 mô hình, đạt 133% kế hoạch, với diện tích 848,2ha và người dân tự ứng dụng 327ha theo 7 khâu của đề án. Ngoài ra, có 71% diện tích (15.706/22.088ha đất sản xuất lúa), người dân ứng dụng được 5 khâu theo ƯDCNC trong sản xuất lúa như san phẳng mặt ruộng; bón phân, phun thuốc bằng máy phun đeo vai, máy phun kéo dây, máy tự hành 3 trong 1; thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp sau đó cuốn rơm.
Nhằm tạo thuận lợi cho nông dân trong sản xuất, ngay từ khi triển khai thực hiện chương trình, huyện chỉ đạo tổ chức rà soát, tổng hợp các danh mục công trình thủy lợi trong vùng đề án và hỗ trợ đầu tư xây dựng trạm bơm điện nhỏ phục vụ vùng phát triển sản xuất ƯDCNC trên cây lúa. Đến nay, huyện triển khai thi công 8 cống trên địa bàn xã Bình Hòa Trung với tổng kinh phí được phê duyệt gần 23 tỉ đồng.Từ nguồn vốn của huyện cũng đã triển khai nạo vét, kênh, mương, đầu tư cống nhằm khép kín hệ thống đê bao lửng trên địa bàn.
Phấn đấu đạt 2.433ha lúa ứng dụng công nghệ cao
Dù đạt nhiều kết quả nhưng chương trình sản xuất lúa ƯDCNC trên địa bàn huyện vẫn còn gặp không ít khó khăn. Tiến độ thực hiện đề án còn chậm so với yêu cầu, nhất là sự liên kết trong tiêu thụ nông sản, hàng hóa. Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Bình Hòa, xã Bình Hòa Đông - Dương Văn Nam chia sẻ: “Một số hộ dân khi được vận động tham gia vào mô hình ƯDCNC vẫn chưa mặn mà, bởi nông dân áp dụng theo quy trình sản xuất mới, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao nhưng giá bán ra không cao hơn so với những diện tích ngoài mô hình”.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hiện nay, các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho nông sản trên địa bàn huyện còn ít nên sản phẩm lúa hàng hóa có bảo đảm đầu ra thấp, chủ yếu bán qua thương lái.Việc thực hiện chuỗi sản xuất hàng hóa góp phần ổn định sản xuất, giá cả nông sản còn gặp nhiều khó khăn. Các hợp tác xã, tổ hợp tác trong vùng đề án đa số mới thành lập hoặc hoạt động chưa hiệu quả, chưa trở thành trung tâm đoàn kết, tập hợp nông dân trong hợp tác sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư xây dựng các hạng mục công trình phục vụ việc sản xuất ƯDCNC còn ít. Hạ tầng giao thông, nhất là giao thông đường bộ không bảo đảm cho vận chuyển lúa gạo của các doanh nghiệp, chủ yếu phải vận chuyển bằng đường thủy, trong khi nhiều kênh, rạch bị lục bình vây kín, gây trở ngại cho các phương tiện tham gia lưu thông. Hệ thống điện, trạm bơm điện, hệ thống cống tuy được đầu tư nhưng vẫn còn chậm nên việc hoàn thành khép kín khu đê bao chưa đạt theo như đề án đề ra,...
Trước những thử thách trên, để thực hiện tốt chương trình, phấn đấu đến năm 2020, trên địa bàn huyện có 2.433ha sản xuất lúa ƯDCNC, huyện đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến tận cơ sở để người dân thấy được hiệu quả, ý nghĩa, lợi ích của đề án và chủ động thực hiện. Củng cố hoạt động và vận động nông dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần tạo ra những sản phẩm có giá trị cao, tăng thu nhập cho nông dân.
“Mặt khác, huyện tăng cường đối thoại, tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, mời gọi thêm các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, vật tư nông nghiệp có uy tín liên kết đầu tư vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho nông dân. Đẩy nhanh thi công các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp (hệ thống giao thông, điện 3 pha, thủy lợi nội đồng), công tác tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đồng thời lồng ghép các dự án đang thực hiện tại địa phương để từng bước quy hoạch và Hoàn thiện các nội dung cho vùng” - Chủ tịch UBND huyện - Lâm Hòa Xứng thông tin thêm./.