Gần đến Tết Nguyên đán, các lò bánh thuẫn truyền thống ở Quảng Ngãi tất bật đỏ lửa cho kịp đơn hàng.
Bánh thuẫn (hay bánh thửng) được làm từ các nguyên liệu chính là trứng gà, bột mì, bột bình tinh, đường và nước cốt gừng.
Các nguyên liệu được đánh tan thành hỗn hợp sệt.
Sau đó cho vào khuôn, mỗi khuôn lại chia thành 10- 12 khuôn nhỏ hơn.
Bánh thuẫn thủ công được nướng bởi "2 than", gồm than đặt trên khuôn bánh và than dưới khuôn bánh để đảm bảo chín, nở đều.
Bánh chín tới có màu vàng tươi, nở bung như bông hoa và được lấy ra khỏi khuôn.
Bánh thuẫn có 2 loại là bánh thuẫn ướt và bánh thuẫn khô.
Nếu như bánh thuẫn ướt có thể ăn ngay sau khi nướng xong thì bánh thuẫn khô lại phải trải qua công đoạn sấy cho khô, giòn. Giá thành bánh thuẫn khô cũng sẽ cao hơn đôi chút.
Bánh thuẫn ướt chỉ có thể dùng trong vòng vài ngày nhưng bánh thuẫn khô có hạn sử dụng đến vài tháng.
Theo bà Lê Thị Kim Liên- chủ 1 lò bánh thuẫn ở TP Quảng Ngãi, bánh thuẫn được tiêu thụ quanh năm, nhưng nhiều nhất là dịp Tết. Dù vậy, trước sự cạnh tranh của các loại bánh hiện đại khác, lượng tiêu thụ bánh thuẫn đang ít dần. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhiều lò bánh thuẫn phải giảm công suất đến 30- 40%.
Hà Phương