Mốc son chói lọi của ngoại giao Việt Nam

Hơn 70 năm trước, nền ngoại giao non trẻ của nước ta đã lập nên một chiến công hiển hách, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21-7-1954 - 21-7-2024). Đây vừa là mốc son chói lọi vừa mang đậm bản sắc của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Sau những thất bại dồn dập trên toàn chiến trường Đông Dương, Trung ương Đảng và Bác Hồ luôn tạo điều kiện cho bè lũ xâm lược một lối thoát trong danh dự bằng một hiệp định hòa bình. Thế nhưng, với bản chất xâm lược, Pháp và các nước đế quốc luôn tìm cách phá hoại nền độc lập, tự do của dân tộc ta để duy trì sự thống trị trên đất nước Việt Nam. Sự ngoan cố của chủ nghĩa đế quốc đã bị trả giá bởi chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán để ký kết hiệp định hòa bình tại Việt Nam. Hội nghị đã trải qua nhiều giai đoạn, nhiều đợt đàm phán. Nội dung đàm phán hết sức căng thẳng, tiến triển rất chậm, nhiều thời điểm rơi vào bế tắc do lập trường hiếu chiến của các nước phương Tây. Đến ngày 21-7-1954, tức qua 75 ngày đêm đàm phán căng thẳng với 31 phiên họp, trong đó có các phiên họp toàn thể, phiên họp cấp trưởng đoàn cùng nhiều cuộc tiếp xúc song phương và đa phương, Hiệp định Giơnevơ về hòa bình ở Đông Dương mới được ký kết.

Việc ký kết Hiệp định Giơnevơ đã thể hiện bản lĩnh của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Bởi thời điểm này, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, các nước lớn tham gia hội nghị đều có mục tiêu và lợi ích riêng. Trong khi Việt Nam là nước non trẻ lại bị thực dân, phong kiến tay sai kìm kẹp gần một thế kỷ, nhưng lần đầu tiên tham gia vào một hội nghị đa phương đã buộc các cường quốc phải công nhận và khẳng định trong một điều ước quốc tế về các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam; phải cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội bộ của 3 nước Đông Dương...

Trong 70 năm qua, đã có không ít công trình, bài viết của các nhà nghiên cứu về ngoại giao, chính trị và lịch sử trong và ngoài nước về giá trị của Hiệp định Giơnevơ. Bởi hiệp định không chỉ là văn bản pháp lý quốc tế quan trọng đánh dấu kết thúc một chặng đường đấu tranh giành độc lập, tự do đầy gian khổ của dân tộc ta mà còn thể hiện bản lĩnh của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam dù còn non trẻ nhưng rất phi thường. Đã khẳng định được tâm thế, trí tuệ, bản lĩnh và cốt cách của một dân tộc có hàng ngàn năm văn hiến; vị thế của một quốc gia có độc lập, chủ quyền và yêu chuộng hòa bình trước các cường quốc trên thế giới.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, Hiệp định Giơnevơ vẫn mang dấu ấn đặc biệt của nền ngoại giao Việt Nam. Đó là phát huy sức mạnh dân tộc, sức mạnh thời đại và vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm trong đấu tranh ngoại giao để xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Bản sắc “ngoại giao cây tre” Việt Nam là vừa kiên định về nguyên tắc vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo và rất bản lĩnh, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân; đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc…

Ngày nay, trước những biến chuyển lớn của thời đại, phát huy thế và lực mới của đất nước, bám sát đường lối đối ngoại của Đảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền ngoại giao Việt Nam tiếp tục gặt hái nhiều mốc son mới, mang đậm bản sắc của nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, thấm đượm tâm hồn và khí phách dân tộc Việt Nam.

Tấn Hòa

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/160866/moc-son-choi-loi-cua-ngoai-giao-viet-nam