Module phòng thí nghiệm của Nga cập bến trạm vũ trụ sau chuyến bay 8 ngày
Tối 29/7, module phòng thí nghiệm bị trì hoãn từ lâu của Nga đã cập bến thành công Trạm vũ trụ quốc tế sau tám ngày được phóng từ cơ sở phóng vũ trụ của Nga ở Baikonur, Kazakhstan.
Module Nauka (Khoa học) nặng 22 tấn còn được gọi là module Phòng thí nghiệm Đa năng, cập bến trạm vũ trụ ở chế độ tự động sau một hành trình dài và một loạt các thao tác. Cơ quan vũ trụ của Nga Roscosmos xác nhận module kết nối với Trạm vũ trụ quốc tế lúc 20 giờ 29 phút tối nay, theo giờ Việt Nam.
Việc phóng module Nauka, nhằm cung cấp thêm không gian cho các thí nghiệm khoa học và không gian cho phi hành đoàn, đã nhiều lần bị trì hoãn vì các vấn đề kỹ thuật.
Nauka trở thành module mới đầu tiên trong phân đoạn của trạm ở Nga kể từ năm 2010. Ngày 26/7, Pirs, một trong những module cũ của Nga đã được tháo dỡ khỏi Trạm vũ trụ để giải phóng chỗ cho module mới.
Các thành viên phi hành đoàn của Nga trên trạm đã thực hiện hai chuyến đi bộ ngoài không gian để kết nối dây cáp chuẩn bị cho sự xuất hiện của Nauka. Sau khi cập cảng, các nhà du hành cần tiến hành 11 chuyến đi bộ ngoài không gian bắt đầu từ đầu tháng 9, để chuẩn bị đưa module Nauka vào hoạt động.
Ra mắt vào năm 1998, Trạm vũ trụ ISS là một dự án đa quốc gia và bao gồm hai phân đoạn, một phân đoạn của Nga và một phân đoạn khác do Mỹ và các cơ quan vũ trụ khác sử dụng.
Roscosmos cho biết: “Sau khi đi vào hoạt động, phân đoạn của Nga sẽ có thêm không gian để bố trí nơi làm việc, lưu trữ hàng hóa, chỗ ở, thiết bị tái tạo nước và ôxy.
Trạm vũ trụ quốc tế hiện đang được điều hành bởi các phi hành gia NASA Mark Vande Hei, Shane Kimbrough và Megan McArthur; hai phi hành gia thuộc tập đoàn vũ trụ Roscosmos của Nga Oleg Novitsky và Pyotr Dubrov; phi hành gia Akihiko Hoshide của Cơ quan Thám hiểm vũ trụ Nhật Bản và phi hành gia Thomas Pesquet của Cơ quan Vũ trụ châu Âu.
Năm 1998, Nga đưa ra module đầu tiên của trạm, Zarya, tiếp theo là vào năm 2000 thay thế một module lớn khác, Zvezda, và ba module nhỏ hơn trong những năm tiếp theo. Module gần đây nhất là Rassvet, đến trạm vũ trụ vào năm 2010.