Mọi ánh mắt đang dồn về Bali
Với hơn 12.000 đại biểu và phóng viên dự kiến đến đảo Bali, Indonesia, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20, công tác an ninh đang bắt đầu được siết chặt.
Sự chú ý của cộng đồng quốc tế đang dồn về đảo Bali, Indonesia, nơi sẽ lần đầu đón tiếp hàng chục nhà lãnh đạo các quốc gia và người đứng đầu các doanh nghiệp lớn đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), một trong những sự kiện quan trọng nhất của năm.
Theo South China Morning Post, là thành viên duy nhất từ Đông Nam Á của nhóm các nền kinh tế hàng đầu thế giới G20, đây là lần đầu tiên Indonesia đứng ra tổ chức sự kiện quan trọng nhất trong năm của khối này.
Kể từ đầu năm, Indonesia đã có nhiều hành động nhằm thể hiện vị thế quốc tế của mình đối với những thành viên còn lại trong nhóm G20, bao gồm việc đứng ra làm trung gian đối thoại giữa Nga và Ukraine trong cuộc xung đột tại quốc gia Đông Âu này.
Quốc gia Đông Nam Á cũng đẩy mạnh quảng bá mình là một điểm đến hấp dẫn của các khoản đầu tư nước ngoài. Vì vậy, theo các nhà phân tích, việc tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ giúp Tổng thống Joko Widodo để lại một di sản đáng nhớ sau khi kết thúc 10 năm lãnh đạo Indonesia của ông vào năm 2024.
Theo Bộ Ngoại giao Indonesia, dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian 15-16/11 tại các khu nghỉ dưỡng ở vùng Nusa Dua, miền Nam đảo Bali, hội nghị sắp tới của G20 sẽ có sự tham dự của 17 người đứng đầu các nền kinh tế trong nhóm. Nổi bật trong số này là Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trả lời phóng viên vào hôm 10/11, Bộ trưởng Điều phối vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Pandjaitan, người đứng đầu ủy ban tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20, cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tham dự hội nghị sắp tới. Thay vào đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov sẽ đứng đầu phái đoàn nước này tham dự hội nghị.
Jakarta cho đến nay vẫn chưa công bố toàn bộ danh sách các quan chức và nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20.
Bên cạnh các thành viên của nhóm G20 như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU), Indonesia cũng mời đại diện của một số quốc gia khác tham dự hội nghị, bao gồm Singapore, Campuchia, Ukraine và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE).
Bên cạnh lãnh đạo các nền kinh tế, hội nghị cũng có sự tham dự của lãnh đạo các doanh nghiệp lớn bao gồm tỷ phú Elon Musk và người sáng lập tập đoàn Microsoft Bill Gates. Những người này sẽ tham dự diễn đàn doanh nhân trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20.
Ngoài ra, Nữ hoàng Hà Lan Maxima và Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Thomas Bach cũng nằm trong số các khách mời tham dự hội nghị.
An ninh được thắt chặt
Quá trình chuẩn bị cho hội nghị đã được bắt đầu trên đảo Bali. Theo đó, công tác an ninh bắt đầu được siết chặt trong tuần này. Tại thành phố Denpasar, thủ phủ của tỉnh Bali, nhiều nhân viên an ninh, bao gồm thành viên của quân đội Indonesia được nhìn thấy đang tuần tra tại các nút giao thông trọng điểm gần các địa điểm tổ chức sự kiện vào hôm 9/11.
Theo South China Morning Post, một chiếc trực thăng được phát hiện tuần tra trên không khi lực lượng cảnh sát tiến hành các buổi diễn tập an ninh tại khu vực Nusa Dua.
Phát biểu vào hôm 7/11, Bộ trưởng Luhut cho biết hơn 2.300 camera giám sát tích hợp hệ thống nhận diện khuôn mặt sẽ được lực lượng cảnh sát Indonesia sử dụng nhằm "ngăn ngừa các sự cố có thể diễn ra trong hội nghị".
Chỉ huy quân đội Indonesia Andika Perkasa vào hôm 7/11 cho biết hơn 18.000 nhân viên an ninh sẽ được triển khai, gồm 14.300 thành viên quân đội Indonesia và các sĩ quan cảnh sát. Bên cạnh đó, theo tướng Perkasa, 14 tàu chiến sẽ được neo đậu gần khu vực diễn ra hội nghị.
Tổng thống Widodo đã đến Bali vào hôm 9/11 để khai trương một số cơ sở hạ tầng mới được phục vụ hội nghị, bao gồm một cơ sở tiếp đón dành cho các lãnh đạo cấp cao tại sân bay Bali và ba bến cảng mới tại vùng Sanur và trên đảo Nusa Penida, ngoài khơi Bali.
Sân bay Bali dự kiến tiếp đón 42.000 hành khách trong 2 ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20. Trong khi đó, cơ quan nhập cư cho biết sẽ trục xuất bất kỳ người nước ngoài nào có hành động cản trở đến hội nghị.
Dừng các hoạt động ngoài trời
Để tổ chức một sự kiện có tầm quan trọng như Hội nghị thượng đỉnh nhóm G20, chính quyền tại Bali đã yêu cầu khoảng 4,3 triệu người dân đang sống trên hòn đảo, đặc biệt là những người sống gần các địa điểm tổ chức hội nghị, dừng các hoạt động ngoài trời trong tuần lễ diễn ra sự kiện.
Theo một thông báo được các quan chức cho lưu hành vào hôm 25/10, học sinh và người lao động sống tại 3 quận gần khu vực Nusa Dua được yêu cầu học tập và làm việc tại nhà.
Trong thông cáo báo chí, Dewa Made Indra, một quan chức chính quyền đảo Bali cho biết người dân được khuyến khích hạn chế tổ chức các nghi lễ truyền thống và các hoạt động tôn giáo nhằm "đảm bảo nhiệm kỳ chủ tịch G20 của Indonesia diễn ra suôn sẻ, giúp tạo ấn tượng tốt về quốc gia này và đặc biệt là đảo Bali".
Tình hình giao thông trong khu vực cũng bị ảnh hưởng lớn trong tuần tới khi cảnh sát áp dụng chính sách chẵn, lẻ tại 10 con đường dẫn tới địa điểm tổ chức hội nghị. Theo đó, những xe có biển số kết thúc bằng số lẻ chỉ được ra đường vào ngày chẵn và ngược lại.
Trong khi những quy định trên thường được áp dụng ở thủ đô Jakarta, nơi hay xảy ra tình trạng tắc nghẽn, một số người dân tại Bali cho biết họ có thể gặp khó khăn trong việc tuân theo các quy định này, dù chỉ trong một tuần.
Gusti Kadek Sugiarta, một người lái xe ôm 40 tuổi cho biết ông cảm thấy tự hào vì Bali sắp tổ chức một sự kiện "mang tầm vóc thế giới" và sẽ cố gắng tuân theo các quy định bằng cách tránh làm việc tại khu vực phía nam thành phố Denpasar.
Tuy nhiên, Mahabah, một chủ cửa hàng nước hoa ở quận Nam Denpasar, một trong những nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các quy định, cho biết ông không thể làm việc từ xa và sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tuân thủ các quy định giao thông mới.
"Do Bali không giống với thủ đô Jakarta nên chúng tôi sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tuân theo quy định chẵn, lẻ được chính quyền áp dụng. Vì Bali có rất nhiều ngày lễ tôn giáo nên người dân thường xuyên phải tới các đền thờ", Mahabah cho biết.
Mahabah cho biết ông hy vọng cửa hàng của mình sẽ được phép mở cửa trong thời gian diễn ra hội nghị do công việc kinh doanh của anh chỉ vừa mới hồi phục sau đại dịch Covid-19.
Hội nghị G20 "xanh"
Tại những khu vực khác của hòn đảo, hơn 30.000 nhân viên ngành khách sạn, nghỉ dưỡng tại 24 khách sạn sẽ được huy động để phục vụ các phái đoàn tham dự hội nghị, Hiệp hội Khách sạn và Nhà hàng Indonesia tại khu vực Bali cho biết.
Theo ước tính, tổng cộng 12.750 người, bao gồm phóng viên và thành viên phái đoàn các nước tham dự hội nghị của nhóm G20.
Thông qua hội nghị, Jakarta cũng muốn cho cả thế giới thấy được tham vọng trở thành trung tâm sản xuất xe điện trong khu vực của Indonesia.
Trong thời gian diễn ra hội nghị, chỉ các phương tiện chạy bằng điện mới được sử dụng để chở các đại biểu, nhà báo và nhân viên an ninh ở trong và tại các khu vực xung quanh địa điểm tổ chức hội nghị.
Hơn 1.400 phương tiện chạy bằng điện đã được vận chuyển từ thủ đô Jakarta tới Bali, bao gồm 962 ô tô, 454 xe máy và 36 xe buýt.
Tập đoàn năng lượng quốc gia Perusahaan Listrik Negara (PLN) đã thiết lập 91 trạm sạc điện công cộng trên đảo Bali, trong đó phần lớn được đặt ở vùng Nusa Dua. Bên cạnh đó, PLN cũng lắp đặt 200 hệ thống sạc tại nhà mà các đại biểu có thể sử dụng.
Để đảm bảo nguồn điện ổn định trên hòn đảo, PLN đã yêu cầu người dân địa phương dừng thả diều, một hoạt động giải trí phổ biến trên hòn đảo, do lo ngại một chiếc diều có thể bị mắc vào cột điện và gây gián đoạn mạng lưới.
Hội nghị thượng đỉnh G20 là sự kiện cuối cùng trong nhiệm kỳ chủ tịch của Indonesia.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tới, Indonesia sẽ trao lại trọng trách chủ tịch nhóm G20 cho Ấn Độ, quốc gia sẽ bắt đầu nhiệm kỳ của mình vào hôm 1/12.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/moi-anh-mat-dang-don-ve-bali-post1374234.html