Mỗi căn phòng là một bãi tập

Các đội tuyển của Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam sang Nga lần này có những đội lần đầu tham gia Army Games nhưng cũng có những đội từng tranh tài tại nhiều kỳ hội thao. Quay trở lại xứ sở Bạch Dương với những thách thức hoàn toàn mới đang chờ đón, các đội đã có sự chuẩn bị kỹ cả về thể chất lẫn tinh thần.

Ăn, ngủ tốt để tích sức

Lời nhắn gửi nơi phương xa “Mẹ à, con vẫn khỏe, ăn ngủ tốt, mẹ đừng lo lắng nhé”, đó là vài câu nhắn gửi của Hạ sĩ Châu Thanh Huyền, thành viên đội tuyển Tiếp sức quân y, dành cho mẹ trong cuộc điện thoại sáng nay. Mỗi ngày, dù bận rộn với lịch huấn luyện, nhưng Huyền vẫn tranh thủ gọi về nhà. Đây là lần đầu tiên cô sang Nga với vai trò vận động viên đội tuyển Tiếp sức quân y. Dù có lo lắng, bỡ ngỡ, nhưng trên tất cả là niềm tự hào và tin tưởng mà đồng đội, huấn luyện viên, gia đình và bạn bè dành cho cô. Những điều đó khiến Huyền mạnh mẽ hơn. Cô đặt quyết tâm sẽ vượt qua những thách thức sắp tới để đạt kết quả cao nhất. Dù mới sang xứ lạ, nhưng Huyền đã nhanh chóng thích nghi với điều kiện thời tiết và múi giờ chênh lệch bên nước bạn. Cô cùng các đồng đội một ngày có hai buổi luyện tập thể lực trong phòng, 9-11 giờ và 16-17 giờ 30 phút.

Đội Quân khi tích cực rèn luyện thể lực.

Đội Quân khi tích cực rèn luyện thể lực.

Do điều kiện dịch bệnh, các đoàn sang Nga đều phải cách ly y tế 3 ngày, công tác luyện tập của các thành viên đội tuyển Tiếp sức quân y cũng chỉ có thể gói gọn trong căn phòng nhỏ rộng chừng hơn 10m2. Sau hai mươi phút chống đẩy, squat, gập bụng, Huyền lại bỏ sách vở ra để ôn luyện thêm kỹ năng mà cô sẽ thực hành trong phần thi sử dụng các thiết bị mô phỏng. Tiếp sức quân y được đánh giá là một cuộc thi rất “khó nhằn” với các thành viên nữ. Họ vừa phải có sức khỏe sánh ngang với các vận động viên nam, lại phải nhanh nhẹn, khéo léo, thuần thục trong các động tác sơ cứu, vận chuyển thương binh ngoài hỏa tuyến. Có thể nói, Huyền hay bất kỳ một thành viên nào có tên trong các đội tuyển của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia Army Games 2021 đều là niềm hy vọng của gia đình, bạn bè, của đội tuyển và của đất nước. Những gì mà họ thể hiện, thành tích mà họ đạt được sẽ tô thắm thêm truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời góp phần lan tỏa nét đẹp, bản lĩnh, trí tuệ Bộ đội Cụ Hồ tới bạn bè thế giới.

Mỗi căn phòng là một bãi tập

Là người gắn bó với đội tuyển Tiếp sức quân y trong 4 kỳ hội thao từ năm 2018, Trung tá Nguyễn Quốc Thịnh, huấn luyện viên của đội tuyển cho rằng, đến với xứ sở Bạch Dương lần này, thách thức với đội tuyển lại tăng thêm một bậc. Ngoài sự thay đổi về điều kiện thời tiết, chế độ dinh dưỡng, múi giờ..., việc duy trì luyện tập trong bối cảnh vẫn phải đảm bảo các biện pháp phòng dịch là một thách thức.

“Ngay từ khi đặt chân lên máy bay sang Nga, chúng tôi đã quán triệt cho các vận động viên rằng họ sẽ phải đối diện với rất nhiều sự thay đổi khi sang nước bạn. Chúng tôi rất sát sao trong vấn đề duy trì thể lực, coi đây là yếu tố cốt lõi để bảo đảm thành công trong kỳ hội thao này. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe cũng được quan tâm hàng đầu. Đội tuyển duy trì chế độ đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe 2 lần/ngày. Chúng tôi yêu cầu các vận động viên ăn ngủ đúng giờ, uống đủ nước, bổ sung vitamin tổng hợp, vitamin C. Ngoài ra trong chế độ ăn còn bổ sung thêm các thực phẩm mang đi từ trong nước để đảm bảo cho vận động viên có được thể lực tốt nhất”, Trung tá Nguyễn Quốc Thịnh cho biết.

Các không gian trống đều được tận dụng để các thành viên đội tuyển Tiếp sức quân y luyện tập.

Các không gian trống đều được tận dụng để các thành viên đội tuyển Tiếp sức quân y luyện tập.

Trong khách sạn Salut ở Moscow, mỗi căn phòng của các đội tuyển QĐND Việt Nam đều được bố trí như một bãi tập. Trên đội tuyển Tiếp sức quân y hai tầng là nơi ở của các thành viên đội tuyển Địa hình quân sự. Đây là lần đầu tiên họ sang Nga tham dự cuộc thi Kinh tuyến, một cuộc thi lần đầu được tổ chức trong khuôn khổ Army Games. Chẳng cần phải nói cũng biết, thách thức đối với họ lớn nhường nào khi sẽ phải so tài với những đội tuyển có trình độ và chuyên môn cao của các quốc gia phát triển như Nga, Trung Quốc. Đối với các nội dung thi của Kinh tuyến, yếu tố thể lực và kỹ năng luôn phải song hành. Do vậy, lịch luyện tập của đội tuyển cũng được phân chia rõ ràng để đảm bảo duy trì cả hai yếu tố này.

Sáng nào, Trung úy Lê Hữu Khánh, thành viên của đội tuyển Địa hình quân sự cũng tập luyện với máy toàn đạc điện tử, bài tập bắt mục tiêu cự ly xa trong phạm vi 1km đổ lại, thực hiện đo bằng phép đo không gương. Trong phần thi Tiếp sức địa hình, vận động viên phải sử dụng máy toàn đạc điện tử để xác định tọa độ của điểm “vũ khí”, tính toán góc định hướng và khoảng cách từ điểm “vũ khí” đến điểm “mục tiêu”, đảm bảo đủ điều kiện cần thiết cho việc tiêu diệt mục tiêu địch bằng hỏa lực. Do vậy, bài tập này giúp Khánh luyện bắt mục tiêu nhanh, phản xạ tốt, một yếu tố quan trọng quyết định đến kết quả thi. Mới sang Nga được 2 ngày, dù đồng hồ sinh học vẫn còn lệch nhịp đôi chút, đồ ăn cũng chưa quen, nhưng tâm trạng bồi hồi, háo hức của Khánh thì chỉ có tăng chứ không hề giảm. Anh chia sẻ niềm vinh dự, tự hào khi mang trong mình trọng trách thi đấu dưới lá cờ Việt Nam. Mỗi ngày anh và đồng đội đều hăng say luyện tập, chẳng quản bất kỳ điều kiện nào, dù là thao trường nắng gió hay căn phòng khách sạn nhỏ hẹp. Đối với họ, khắc phục khó khăn để đạt được thành quả huấn luyện như ngày hôm nay không phải dễ dàng.

Thành viên Đội Địa hình quân sự luyện tập chuyên môn.

Thành viên Đội Địa hình quân sự luyện tập chuyên môn.

Vận dụng mọi cách thức để tập luyện

Với đội tuyển Văn hóa-Nghệ thuật, phương châm của đội là vận dụng mọi cách thức để có thể tập luyện mọi nơi, mọi lúc, tránh để gián đoạn công việc đã lên kế hoạch. Trong không gian nhỏ, các nhóm chủ động, tích cực luyện tập. Quanh một chiếc ghế, ba diễn viên múa Nguyễn Trà My, Nguyễn Thu Thùy, Nguyễn Thị Hoàng Yến đang “nhẩm” tiết mục múa “Hương rừng”. Ba chị em vừa ôn luyện các phân đoạn, trong khi ánh mắt không ngừng căn chỉnh động tác cho nhau. Phải hợp nhau về tính cách lẫn đồng cảm trong cuộc sống, ba chị em mới nhập vào tiết mục đến vậy khi không có nhạc. Lát sau, nhạc có, lại có thêm sự hướng dẫn của Thượng úy QNCN Bùi Phi Trường, ba chị em cầm ô múa phấn khởi hẳn.

Trao đổi với chúng tôi, phụ trách đội múa Bùi Phi Trường cho hay: “Mọi người trong đội tự xác định phải chủ động phối hợp, bám nắm trong luyện tập. Không tập được cả bài thì tập một đoạn, chú trọng vào những động tác khó. Tuy nhiên trần nhà trong khách sạn hơi thấp, thế nên khi ôn luyện những động tác đòi hỏi kỹ thuật cao, cả đội đều phải chú ý đến biên độ để tránh chấn thương”. Xem Bùi Phi Trường và Nguyễn Trà My hòa mình vào tiết mục múa “Sen đá”, thấy đúng như lời Trường nói, trần khách sạn không cao nên anh và bạn múa không thể bung hết sức trong một số động tác. Tuy vậy, mọi người trong đội múa vẫn tích cực tập bởi nói như Trà My thì “một ngày không tập sẽ dẫn tới bị nguội cơ, cứng người”. Với “Sen đá”, đôi bạn trẻ Bùi Phi Trường và Nguyễn Trà My muốn truyền tải thông điệp sen đá là loài cây cỏ có sức sống mãnh liệt, tượng trưng cho tình yêu trường tồn. Thông qua tiết mục này, người nghệ sĩ muốn gửi tới câu chuyện về tình yêu thủy chung có sức sống trường tồn, không thay đổi theo thời gian.

Đội tuyển Văn hóa-Nghệ thuật luyện tập tại không gian trống trong khách sạn.

Đội tuyển Văn hóa-Nghệ thuật luyện tập tại không gian trống trong khách sạn.

Ở một góc sảnh khác tại tầng 16 khách sạn, NSND Nguyễn Xuân Bắc (trống) cùng với hai diễn viên Hà Công Cương (sáo) và Đặng Hương Giang (đàn bầu) đang trao đổi, bàn bạc trước khi hòa tấu, độc tấu những tiết mục chuẩn bị cho cuộc thi. Tiếng đàn bầu réo rắt hòa âm cùng tiếng sáo, nhịp trống giúp chúng tôi như được hít thở bầu không khí quê nhà mộc mạc, chân chất cái tình ngay tại thủ đô nước Nga. Ở một góc khác, ca sĩ Lương Nguyệt Anh và tốp múa thu hút sự chú ý của bạn Nga với tiết mục hát văn “Cô đôi thượng ngàn”. Cả đội mới mặc đồng phục thể thao luyện tập mà mấy đồng chí sĩ quan an ninh của nước bạn đã chú tâm lắng nghe, không hiểu mấy ngày nữa, khi đội “lên đồ” thì những “Ivan của nước Nga” còn bị hớp hồn đến đâu.

Trò chuyện cùng chúng tôi bên lề buổi tập, Thượng tá Đặng Mỹ Hạnh, Đội trưởng Đội tuyển Văn hóa-Nghệ thuật QĐND Việt Nam cho biết: “Tham gia Army Games kỳ này, bên cạnh việc cọ sát, nâng cao chất lượng, kỹ năng biểu diễn văn hóa nghệ thuật, đội tuyển còn có nhiệm vụ thông qua các tiết mục biểu diễn nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam năng động trong hội nhập và phát triển, đồng thời cũng là cơ hội để bạn bè quốc tế hiểu hơn về QĐND Việt Nam. Trang phục, nhạc cụ, tác phẩm và cách thức biểu diễn của đoàn đều toát lên hình ảnh về đất nước Việt Nam hiếu khách, yêu chuộng hòa bình”.

Đội tiếp sức quân y thương xuyên đo thân nhiệt cho các đội tuyển.

Đội tiếp sức quân y thương xuyên đo thân nhiệt cho các đội tuyển.

Đội tuyển Văn hóa-Nghệ đã thuật chuẩn bị rất kỹ lưỡng 18 tác phẩm (cả chính thức và dự bị) để tham gia thi 3 giai đoạn (thanh nhạc, múa, nhạc cụ). Bên cạnh đó, Triển lãm với chủ đề “Quốc phòng Việt Nam-Truyền thống và hội nhập” sẽ trưng bày các hình ảnh tiêu biểu về dấu ấn Quốc phòng Việt Nam tại Army Games 2021, qua đó quảng bá đất nước, con người, bản sắc văn hóa Việt, cũng như văn hóa quân sự Việt Nam...

Nước Nga xinh đẹp với môi trường sống tuyệt vời, con người hiếu khách, thân thiện luôn để lại ấn tượng tốt đẹp cho bất kỳ ai đã từng ghé qua. Đây là điểm đến thi đấu của nhiều đội tuyển QĐND Việt Nam tham gia Army Games 2021. Nhưng với một số đội tuyển như: Tiếp sức quân y, Pháo binh, Quân khí..., họ sẽ chỉ dừng chân tạm thời xứ sở bạch dương trước khi di chuyển đến quốc gia khác thi đấu. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh và môi trường thi đấu nào, những đội tuyển của QĐND Việt Nam với sự chuẩn bị kỹ càng về trí lực, chắc chắn sẽ gặt hái được những thành công trong kỳ hội thao này.

Bài và ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN (Từ Moscow, LB Nga)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/army-games-2021-viet-nam/moi-can-phong-la-mot-bai-tap-667577