Mới chỉ là ý định, chứ chưa phải thỏa thuận
Phát biểu tại cuộc trao đổi với nhóm các chuyên gia thuộc Hội đồng Đại Tây Dương tại Thủ đô Washington (Mỹ) hôm 6/5 (giờ địa phương), Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách thị trường nội khối Thierry Breton nhấn mạnh, Hiệp định toàn diện về đầu tư (CAI) giữa EU và Trung Quốc thực tế mới chỉ là 'ý định chứ chưa phải là một thỏa thuận' và có thể sẽ phải mất thời gian dài đàm phán nữa trước khi trở thành hiện thực.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi Ủy ban châu Âu (EC) thừa nhận rằng những nỗ lực để phê chuẩn hiệp định CAI với Bắc Kinh buộc phải dừng lại sau một loạt biện pháp "ăn miếng trả miếng" giữa Trung Quốc và EU trong thời gian qua.
Sau 35 vòng đàm phán kéo dài trong 7 năm, chiều 30/12/2020, các nhà lãnh đạo EU và Trung Quốc thông báo hai bên đã hoàn tất về nguyên tắc Hiệp định CAI. Hiệp định này được kỳ vọng sẽ giúp các công ty châu Âu tiếp cận thị trường Trung Quốc dễ dàng hơn. Thỏa thuận này nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp châu Âu làm ăn tại Trung Quốc. Văn kiện này cũng sẽ giúp tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các công ty châu Âu và cấm ép buộc chuyển giao công nghệ, trong đó bao gồm cả những cam kết về chống biến đổi khí hậu và đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc - Mỹ tại Washington Sourabh Gupta mô tả Hiệp định CAI là một cột mốc. "Với Trung Quốc, đây là một thỏa thuận kinh tế quan trọng nhất kể từ khi Bắc Kinh ký nghị định thư về việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, trên phương diện địa kinh tế, địa chính trị cũng như nhìn từ triển vọng kinh tế rộng hơn", chuyên gia này bình luận. Về phía EU, khối này nói rằng, Hiệp định CAI có "ý nghĩa kinh tế lớn", cho thấy Trung Quốc cam kết cung cấp "mức độ tiếp cận thị trường chưa từng có cho các nhà đầu tư EU".
Hiệp định nhằm mục đích thúc đẩy phát triển bền vững và cải thiện khả năng tiếp cận của các nhà đầu tư EU đối với nền kinh tế Trung Quốc trong các lĩnh vực như y tế, dịch vụ tài chính và ôtô điện. Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc là một trong những lý do chính khiến EU muốn Hiệp định này được thực thi. Washington đang đối đầu với Trung Quốc về một loạt vấn đề kinh tế bao gồm tiếp cận thị trường, thương mại và công nghệ. Điều đó buộc các quốc gia khác phải tìm hướng đi.
Ông Alex Capri, nhà nghiên cứu tại Hinrich Foundation và là một thành viên cao cấp tại Đại học Quốc gia Singapore nhận định, Hiệp định đầu tư giữa Trung Quốc và EU luôn là một bước đi dài. "Những nhượng bộ mà Trung Quốc đưa ra với Mỹ trong năm ngoái với chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thúc đẩy EU hồi sinh thỏa thuận với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng trong khi Brussels muốn duy trì mối quan hệ thương mại bền chặt với Bắc Kinh thì khối này vẫn sẽ tiếp tục xoay trục với Washington về nhiều vấn đề, bao gồm trí tuệ nhân tạo và chuỗi cung ứng chiến lược", ông Alex Capri nói.
EU và Trung Quốc vẫn có những động lực rất lớn để duy trì mối quan hệ kinh tế tổng thể của họ và ngăn chặn sự suy thoái thêm. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, Bắc Kinh có thể đã tính toán sai phản ứng của mình. Các biện pháp trừng phạt mới của nước này là cấm một số chính trị gia EU vào Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) và Ma Cao. Các công ty và tổ chức liên quan của EU cũng sẽ bị hạn chế kinh doanh với Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Alex Capri nhận thấy, phản ứng của Trung Quốc "sẽ gây tốn kém".
Trong khi đó, ông Daniel Gros, một thành viên tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Châu Âu cho rằng, Trung Quốc đã "phản ứng hơi thái quá". Tuy nhiên, ông Daniel Gros nói thêm rằng, việc phê chuẩn hiệp định đầu tư vẫn còn một chặng đường dài và cuộc tranh cãi những ngày gần đây giữa Trung Quốc và EU có thể không gây nguy hiểm cho hiệp định này về lâu dài.
Về phần mình, ông Nick Marro, Trưởng bộ phận thương mại toàn cầu tại Economist Intelligence Unit nhận định rằng, sẽ rất khó xử khi EP phê chuẩn một Hiệp định đầu tư với một quốc gia bị nhiều quốc gia trừng phạt. Nhưng ông cũng nhận thấy, dù căng thẳng liên tục nhưng ngày qua giữa Trung Quốc và EU nhưng thỏa thuận đầu tư vẫn chưa kết thúc.
Một số chuyên gia cũng chỉ ra rằng, lợi ích tốt nhất của Bắc Kinh là tăng cường quan hệ kinh tế. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU sau Mỹ, trong khi EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. "Rủi ro lớn nhất đối với hiệp định đầu tư không phải là việc Trung Quốc rút lui, mà là đưa ra phản ứng làm giảm sự ủng hộ của phía EU đối với Hiệp định này", các nhà phân tích tại Eurasia Group nhận định.
Về phía EU, Phó Chủ tịch EC kiêm Ủy viên thương mại Valdis Dombrovskis hôm 4/5 nêu rõ: "Rõ ràng là trong tình hình hiện nay với lệnh cấm vận của EU với Trung Quốc và lệnh cấm vận đáp trả của Trung Quốc lên các thành viên Nghị viện châu Âu (EP) đang được thi hành, môi trường này không có lợi cho việc phê chuẩn hiệp định". Ông đồng thời nhấn mạnh: "Các biện pháp trừng phạt trả đũa của Trung Quốc là đáng tiếc và không thể chấp nhận được. Triển vọng của Hiệp định CAI sẽ phụ thuộc vào tình hình căng thẳng giữa hai nước".
Theo CNN, phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc đối với các lệnh trừng phạt có nghĩa là Hiệp định CAI sẽ phải đối mặt với con đường phê chuẩn khó khăn hơn. Bên cạnh đó, EU sẽ gặp phải khó khăn trong việc cân bằng lợi ích kinh tế của mình với các mối quan tâm về nhân quyền, đặc biệt khi Mỹ muốn làm việc với các đồng minh để thách thức Trung Quốc.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/moi-chi-la-y-dinh-chu-chua-phai-thoa-thuan-640344/