Mỗi công dân Việt Nam trở thành một công dân học tập
GS.TS. Phạm Tất Dong nhấn mạnh: 'Làm thế nào để mỗi người Việt Nam trở thành một công dân học tập, học vì công việc chứ không phải vì cái bằng. Nên cho Giáo dục thường xuyên 'nhúng' vào môi trường số, để ai cũng có thể học được'.
Thông tin tại Hội nghị Tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 đối với Giáo dục thường xuyên (GDTX), trong năm học 2019-2020, hệ thống mạng lưới cơ sở GDTX tiếp tục phát triển, tăng gần 10% so với năm học 2018-2019, với sự tăng cường năng lực quản trị, tự chủ.
Năm 2019 đánh dấu bước đột phá trong việc hoàn thiện khung pháp lý, mở đường cho sự phát triển mạnh mẽ và xứng tầm của GDTX, thông qua sự ra đời của một loạt các văn bản pháp lý quan trọng.
Đặc biệt, Luật Giáo dục năm 2019 chính thức có hiệu lực từ 01/7/2020, đã phản ánh những thay đổi mang tính chiến lược đối với phạm vi, tính chất, quyền hạn và sứ mệnh của GDTX trong giai đoạn mới. Luật quy định, hệ thống giáo dục Việt Nam là một hệ thống giáo dục mở, liên thông, bao gồm giáo dục chính quy và GDTX, trong đó, cấu trúc GDTX là một hệ thống song hành cùng giáo dục chính quy, bao gồm các cấp học từ mầm non đến đại học.
Năm học 2019-2020, tổng số cơ sở GDTX là 16.652 trung tâm, trong đó, 71 TTGDTX cấp tỉnh, 574 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX cấp huyện; 5.582 Trung tâm ngoại ngữ - tin học; 9.786 Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ); 641 cơ sở, trung tâm giáo dục kỹ năng sống. 12.552.909 lượt người đã tham gia học tập các chuyên đề tại các TTHTCĐ và các TTGDTX.
Không chỉ được củng cố, phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập của mọi lứa tuổi, mạng lưới cơ sở GDTX còn chú trọng tới đa dạng hóa nội dung chương trình GDTX và phát triển các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ của người lao động.
Trong năm học 2020-2021, GDTX có 1 nhiệm vụ quan trọng là đổi mới, nâng cao chất lượng. Đây là năm "bản lề" để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, GDTX cần bám sát, chuẩn bị cho quá trình đổi mới, từ định hướng, phương pháp dạy học, cách đánh giá đến quản lý, tổ chức, để hoạt động dạy học đáp ứng hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Các địa phương còn có những khó khăn lúng túng thực hiện đổi mới GDTX cần tích cực chủ động hơn nữa nắm bắt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, cụ thể hóa Luật Giáo dục 2019 để triển khai phù hợp trong điều kiện cụ thể.
Trao đổi tại Hội nghị, GS.TS. Phạm Tất Dong, Trưởng Tiểu ban GDTX của Hội đồng Quốc gia giáo dục nhấn mạnh, "Làm thế nào để mỗi người Việt Nam trở thành một công dân học tập, học vì công việc chứ không phải vì cái bằng. Nên cho GDTX "nhúng" vào môi trường số, để ai cũng có thể học được. Cần cái gì, người ta học cái đó. Làm thế nào để GDTX giúp người dân sử dụng thiết bị thông minh để học tập mọi lúc, mọi nơi. Làm được như vậy, với tư cách là nơi cung ứng dịch vụ, tôi nghĩ GDTX sẽ hấp dẫn hơn nhiều".
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị GDTX triển khai tốt Thông tư 22/TT-BGDĐT về hướng dẫn đánh giá, xếp loại "Đơn vị học tập", có hệ thống văn bản pháp lý đầy đủ để công nhận xã phường học tập, quận huyện học tập, tỉnh thành học tập, đất nước học tập. Đây cũng là lần đầu tiên tổ chức đánh giá nên cần tập huấn, triển khai bài bản, chi tiết.
Ngoài ra, GDTX phải tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, chú trọng bồi dưỡng giáo viên dạy văn hóa. Đội ngũ giáo viên này có thể tham gia đồng thời với giáo viên tại các trường chính quy và được bồi dưỡng về chương trình và sách giáo khoa mới.
Các Sở GDĐT trực tiếp quản lý các TTGDTX, phối hợp ban ngành liên quan triển khai tốt nhiệm vụ đề ra; khuyến khích thí điểm mô hình mới, hiệu quả.