Mới: Đại biểu Quốc hội tranh luận về việc nâng hạn mức cho vay với các địa phương
'Dễ vay thì dày nợ. Việc tăng trần nợ công cho các địa phương có thể làm phân tán nguồn lực vào dự án nhỏ, không tập trung được nguồn lực cho các dự án lớn của quốc gia đang triển khai'...
Thảo luận tại hội trường sáng 26-5 về dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre) đồng thuận cao với những giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo.
Cho ý kiến về hạn mức cho vay đối với các địa phương, đại biểu hoan nghênh quy định này và cho rằng đây là một tín hiệu rất tốt cho các tỉnh có thu ngân sách còn hạn chế.
'Thời gian qua chúng ta đưa hạn mức này rất thấp, chỉ có 20% nên nhiều khi các tỉnh mỗi lần vay một dự án ODA thì trong 5 năm không thể nào vay thêm vì hạn mức chỉ có 20%, nay dự thảo Luật đề xuất tăng lên 80% là tạo điều kiện cho các địa phương' - đại biểu nói.
Cùng cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (đoàn TP. HCM) cho rằng, về quy định bội chi và hạn mức dư nợ vay của ngân sách địa phương, dự thảo Luật cần quy định linh hoạt theo năng lực tài khóa và khả năng trả nợ. Dự thảo hiện quy định trần nợ vay địa phương theo tỷ lệ phần trăm thu được hưởng theo phân cấp 80% hoặc 120%. Cách tính này chưa phản ánh đúng năng lực thực tế, không phù hợp với các địa phương có quy mô kinh tế lớn, có năng lực huy động vốn cao như TP. HCM.
Đây là địa phương có năng lực tài chính, uy tín tín dụng và khả năng huy động vốn cao, hoàn toàn có thể vay lại từ ODA, phát hành trái phiếu chính quyền để đầu tư các công trình trọng điểm.
“Tôi đề xuất ngoài tiêu chí thu phân cấp, cần bổ sung tiêu chí định lượng như GRDP, năng lực trả nợ, xếp hạng tín nhiệm và khả năng huy động vốn trên thị trường tài chính tín dụng, việc Quốc hội cho phép địa phương bội chi để đầu tư các dự án trọng điểm có tác động lan tỏa vùng cũng cần được luật hóa rõ ràng hơn” - đại biểu nói.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) phát biểu
Tranh luận về vấn đề nâng mức vay dư nợ của địa phương, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) nhấn mạnh, “tôi thống nhất với các đại biểu phát biểu trước tôi về việc cần phải nâng dư nợ này. Nhưng nâng ở mức nào? Nếu như nâng ở mức gấp 4 lần như hiện này thì cần phải xem xét. Ví dụ, năm 2024 chúng ta trần nợ công gần 40% tương đương với 4 triệu tỷ đồng và Trung ương là 35%, còn địa phương là 5%. Nếu chúng ta nâng lên gấp 4 lần tại địa phương thì địa phương sẽ là 20%, cộng với nhu cầu vay của ngân sách Trung ương hiện nay lại rất cao".
"Hay với dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam dự kiến vay 1,7 triệu tỷ đồng cộng với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là hơn 300 nghìn tỷ đồng. Như vậy cộng 2 dự án này là 2 triệu tỷ đồng - chiếm 20% của tổng trần nợ công, điều này sẽ tạo áp lực lên tài chính vĩ mô, giảm dư địa vay của Trung ương và áp lực trả nợ rất lớn. Do vậy, không tính kỹ thì sẽ gặp rủi ro khi vượt quá trần nợ công" - đại biểu Tạ Văn Hạ nói.

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) thảo luận
Tiếp tục cho ý kiến về vấn đề tăng trần nợ vay của ngân sách các địa phương, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) đồng tình với ý kiến tranh luận của đại biểu Tạ Văn Hạ.
Đại biểu nhận định, dễ vay thì dày nợ. Việc tăng trần nợ công cho các địa phương khiến tôi rất quan ngại về việc có thể làm phân tán nguồn lực quốc gia vào nhiều dự án nhỏ ở các địa phương mà không còn dùng vay nợ để tập trung được nguồn lực cho các công trình, dự án lớn quốc gia đã và đang triển khai trong thời gian tới, do vậy cần thận trọng cân nhắc vấn đề này.