Mời dân lên chờ cả buổi nhận 2.000 đồng: Từ bão lũ đến 'bão lòng'
Người dân ở xã Tam Vinh (Quảng Nam) được nhận hỗ trợ thiệt hại do bão 2.000 đồng đã khiến hàng ngàn ý kiến vẫn cho rằng cách làm của huyện quá máy móc, nhưng không ít người lại nói 'xã làm không sai'?
Bí thư Huyện ủy Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam) Vũ Văn Thẩm cho biết, việc xã kê khai, thống kê thiệt hại sau bão như vậy là không sai. Nhưng việc để người dân chờ đợi một buổi và nhận 2.000 đồng tiền hỗ trợ như vậy quá máy móc.
Lãnh đạo UBND xã Tam Vinh thì phân trần, kiểm tra thiệt hại sau cơn bão số 9 xảy ra năm 2020, có gia đình hư hại 1 cây chuối nên xã đề xuất hỗ trợ 2.000 đồng, theo đúng hướng dẫn của Nghị định 02/2017 của Chính phủ. Ở xã này có 31 trường hợp khác được ghi mức hỗ trợ dưới 10.000 đồng.
Tranh cãi
Theo cách lý giải về quy trình thống kê thực hiện hỗ trợ từ xã đến huyện rất chặt chẽ: Xã cử cán bộ thống kê thiệt hại, niêm yết danh sách, đề nghị UBND huyện cấp kinh phí, niêm yết danh sách phê duyệt rồi mời hộ dân đến ký nhận 2.000 đồng.
Bạn đọc Lê Hoàng Hùng đặt vấn đề "Phát giấy mời để nhận 2.000 thì quá rảnh. Không lẽ cấp chính quyền từ huyện đến xã không có cán bộ tham mưu trong vấn đề này?".
"Tôi đang sống bên Nhật mà đọc thông tin trên báo đúng là "cười ra nước mắt". Thật sự, chưa thấy ở đâu có mức hỗ trợ khủng khiếp như ở xã này" - bạn đọc Phương bày tỏ. Đồng quan điểm, bạn đọc VanNguyen nói "đây là cách làm hành dân khó tin. Đọc mà nghĩ không phải sự thật...". Một số bạn đọc bày tỏ "Cầm 2.000 đồng mà chảy nước mắt".
Bạn Hoàng Khang nêu quan điểm "Tôi không hiểu đúng "quy định" với "quy trình" của xã Tam Vinh như thế nào? Nhưng mức hỗ trợ 2.000 đồng thì nên họp khu dân cư hoặc đưa danh sách cho trưởng khu/xóm phát và ký nhận, chứ "quan" đừng mời lên UBND xã ngồi chờ nhận 2.000 đồng".
Ở góc nhìn khác, bạn đọc Hải nêu 2 điểm bất cập trong cách làm của xã: Thứ nhất, bảng thông báo tiền hỗ trợ chỉ dán ở UBND xã, trong giấy mời không ghi luôn, thời đại 4.0 mà không chụp cái gửi dân. Thứ 2, sai ở chỗ bắt dân đi xa, đợi lâu, trong lúc dịch bệnh nguy hiểm, thiệt hại mất 1 buổi đi làm, nguy cơ gây bệnh là rất lớn. Có người ví von, nếu chạy xe từ nhà đến chỗ nhận tiền tốn hết 5.000 đồng xăng, thì xem như hộ dân thiệt hại do thiên tai lại tiếp tục thiệt hại thêm 3.000 đồng.
Bạn đọc Dương Ngọc Ngà thì cho rằng, huyện xã nói xử lý đúng là không ổn. Với những hộ dân có mức hỗ trợ ít vậy thì phát thư mời đưa luôn hoặc là ghi giá trị trên thư mời để người dân không hụt hẫng. Chứ có mấy ngàn đồng mà để người dân lên ngồi đợi cả buổi thì không ổn.
Bồi thường đúng quy định thì lại nói máy móc?
Trước số đông ý kiến cho rằng cách làm của xã Tam Vinh quá máy móc thì có không ít ý kiến mổ xẻ chuyện "người dân đổ 1 cây chuối cũng kê khai, rồi nhận 2.000 lại ý kiến".
Bạn đọc Ninh Bình nêu ý kiến "tại sao lại phải kiểm điểm. Họ đã làm đúng quy định mà, nếu chủ nhà dù ít họ cứ khăng khăng đòi hỗ trợ thì sao? Chủ hộ chỉ đổ một cây chuối cũng kê khai để hỗ trợ rồi bây giờ lại ý kiến thì thật đáng chê trách".
Đồng quan điểm, bạn đọc Vũ Thắng bày tỏ, dân kê khai chính quyền nói ít không bồi thường thì chắc lại nói chính quyền không quan tâm đến dân. Chính quyền bồi thường theo đúng quy định thì lại nói máy móc, bồi thường nhiều hơn quy định thì có khi lại moi móc xem người đó có họ hàng gì với chính quyền hay không...
"Giữ lại 2.000 có khi lại bị thắc mắc, mà phát 2.000 thì cũng bị nói. Họ cũng đã công khai hết các thứ rồi, chỉ là bà con có chịu đọc, tìm hiểu hay không thôi" - bạn đọc Phương Hoài nói.
Bạn đọc Việt Nga bình luận, thiệt hại do bão làm hư hỏng 10m2 trồng chuối. Theo khung giá hỗ trợ thì được bằng đó, có gì sai đâu. Vấn đề là số tiền quá ít để mất thời gian đi nhận. Nhưng có thể từ chối không nhận mà? Nhận rồi ý kiến, cuối cùng phường xã lại bị kiểm điểm, ảnh hưởng thi đua đủ thứ!.
Theo bạn đọc Đặng Dần, với mức hỗ trợ 2.000 đồng như vậy, đáng lẽ lúc lên bảng kê thì báo luôn cho người dân biết để họ cân nhắc có nhận hay không. Đã công khai mà lại thiếu mức tiền nên phải thêm đoạn kiểm điểm đúng rồi, để dân chờ cả buổi thì quan liêu.
"Có thì hỗ trợ, không thì tìm cách động viên tinh thần bà con cũng được, hỗ trợ 2.000 đồng... đúng là nên kiểm điểm thật" - bạn đọc Đức Nguyên nói
Bạn đọc Nguyễn Văn Minh bức xúc "Bệnh vô cảm trước khó khăn, mất mát của người dân của cán bộ địa phương này phải được kiểm điểm xử lý nghiêm túc. Thử đặt những cán bộ này vào hoàn cảnh người dân nhận 2000 đồng thì sẽ làm được gì và nghĩ thế nào?".
Nên kiểm điểm
Bạn đọc Tâm 72 gay gắt "Làm việc kiểu đúng quy định và quy trình thì khác gì những cái máy. Bây giờ thử cho cán bộ xã đổi chỗ với người dân cầm giấy mời đi lên ngồi nghe cả buổi rồi được phát cho hai nghìn thì họ sẽ suy nghĩ gì?
"Qua sự việc này cho thấy sự quan liêu, máy móc và sự yếu kém về năng lực giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh của một bộ phận cán bộ chính quyền địa phương hiện nay" - bạn đọc Trần Tuấn Nghĩa bình luận.
Theo bạn đọc Hoa Lài, thiết nghĩ cần có chính sách cụ thể hơn và rõ ràng hơn. Nên quy định thiệt hại nặng nề, mất mát khoảng bao nhiêu tiền thì mới hỗ trợ chứ nội đi đo diện tích thiệt hại từng m2 kiểu này vừa tốn thời gian, tiền bạc. Tốn cả thời gian, tiền của người đi nhận. Chờ cả buổi nhận 2.000 đồng, mà đi xe mất 5.000 tiền xăng thì có đáng phát giấy mời họ lên nhận?
Bạn đọc Ngân đề xuất, phải bổ sung quy định mức hỗ trợ tối thiểu là 50.000 đồng, để khi nhận thông báo người dân cân nhắc để có phương án đề xuất nhận đền bù ngay từ khâu đầu vào. Như vậy cán bộ xã không phải cố gắng để "làm cho xong chuyện" được.
"Tuy nhiên, nên xem xét kiểm điểm nghiêm túc một số cán bộ liên quan việc thực thi qui định của pháp luật một cách máy móc trong vụ việc này. Đồng thời, làm rõ thêm tại sao lại đến tận tháng 11/ 2021 mới phát tiền hỗ trợ thiệt hại báo năm 2020?" - bạn đọc Ngân thắc mắc.