Mối đe dọa tại Biển Đen gia tăng
Nga bắt đầu xem mọi tàu thuyền di chuyển qua biển Đen đến Ukraine là mục tiêu quân sự, Ukraine tối qua cũng ra tuyên bố tương tự nhắm vào tàu tới cảng Nga. Những tuyên bố cảnh báo ăn miếng trả miếng đã làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đen.
Nga, Ukraine ra cảnh báo "nóng" ở Biển Đen
Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 20-7 thông báo nước này sẽ coi tất cả các tàu đi đến Nga và các khu vực do Nga kiểm soát ở Ukraine qua Biển Đen "có thể là tàu chở hàng quân sự". "Kể từ 0h ngày 21-7, tất cả tàu đi trên biển Đen hướng đến các cảng biển Nga và các cảng biển Ukraine đang bị Nga kiểm soát sẽ bị coi là phương tiện vận chuyển hàng quân sự và chịu rủi ro tương ứng", Bộ Quốc phòng Ukraine thông báo. Thông cáo nêu rõ thêm, hoạt động của tất cả tàu ở phía đông bắc Biển Đen và kênh Kerch - Yenikale cũng bị coi là nguy hiểm và bị cấm từ 5h ngày 20-7. Ukraine đề cập đến vụ tàu tuần dương Moscow của Nga bị đánh chìm năm ngoái, coi đó là minh chứng cho khả năng cho việc Kiev có đủ công cụ cần thiết để đẩy lùi các hành động "gây hấn" trên biển của Moscow.
Trước đó, Nga cảnh báo mọi tàu hướng đến cảng Ukraine ở Biển Đen kể từ 0h ngày 20-7 sẽ bị coi là tàu vận chuyển hàng quân sự. Nga tuyên bố những quốc gia sở hữu tàu cũng sẽ bị coi là bên tham gia chiến sự Ukraine và ủng hộ Kiev.
"Bằng cách công khai đe dọa các tàu dân sự chở lương thực từ các cảng của Ukraine, tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào cơ sở hạ tầng dân sự ở các thành phố và tạo ra mối đe dọa quân sự trên các tuyến thương mại, Điện Kremlin đã biến Biển Đen thành khu vực nguy hiểm đối với các tàu Nga", Bộ Quốc phòng Ukraine nhấn mạnh.
Tàu chiến Nga tập trận ở Biển Đen
Hạm đội Biển Đen của Nga tập trận thực hành phong tỏa hải quân vào ngày 21-7 trong bối cảnh Moscow và Kiev vừa cảnh báo sẽ coi tất cả các tàu dân sự đi đến cảng của nhau là tàu chở hàng quân sự.
Dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao, Đài RT đưa tin các tàu chiến và lực lượng không quân hải quân Nga đã "được huấn luyện thực hiện phong tỏa tạm thời một khu vực bị cấm lưu thông" và "tiến hành các biện pháp bắt giữ một tàu xâm phạm mô phỏng". Trong cuộc tập trận tương tự, một tàu tuần tra của Nga đã phóng tên lửa hành trình vào một tàu mục tiêu định sẵn trên bãi tập. Bộ Ngoại giao Nga cho biết lửa hành trình đã bắn trúng và phá hủy thành công mục tiêu.
Không kích tại các cảng
Trước đó, giới chức Ukraine cho hay phía Nga tối 19-7 không kích đêm thứ 3 liên tiếp tại các thành phố cảng Odessa và Mykolaiv, khiến ít nhất 21 người bị thương. Theo trang tin The Kyiv Independent, Không quân Ukraine tố phía Nga ồ ạt tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV). Một số tên lửa hành trình phóng trúng khu vực chứa ngũ cốc và dầu tại một cảng ở Odessa, làm thiệt hại các thiết bị bốc dỡ hàng và 60.000 tấn ngũ cốc. Bộ Quốc phòng Nga ngày 20-7 thì cho hay nước này tiếp tục "tấn công trả đũa" Ukraine ở Odessa và Mykolaiv. Theo đó, Nga đã tấn công bằng vũ khí chính xác cao từ biển và trên không, nhằm vào các nhà xưởng và kho chứa xuồng không người lái tại Odessa, đồng thời phá hủy cơ sở hạ tầng nhiên liệu và kho đạn của Ukraine ở Mykolaiv.
Diễn biến nguy hiểm
Những diễn biến nguy hiểm trên xảy ra sau khi Moscow từ chối gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen hôm 17-7. Thỏa thuận do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, cho phép Kiev xuất khẩu ngũ cốc qua các cảng biển. Moscow cho rằng Liên hợp quốc đã không tuân thủ thỏa thuận và thuyết phục các quốc gia phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt cản trở xuất khẩu thực phẩm, phân bón của Nga.
Những tuyên bố cảnh báo ăn miếng trả miếng của Nga và Ukraine đã làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đen, làm dấy lên lo ngại chiến tranh có thể leo thang và làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động vận chuyển thương mại, từ đó sẽ tác động tiêu cực tới nguồn cung ngũ cốc thế giới.
Giá lúa mì hợp đồng tương lai tăng 8,5% hôm 19-7, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi nổ ra chiến sự. Tổng thống Zelensky cho hay các cảng bị Nga tấn công hôm 19-7 chứa khoảng 1 triệu tấn lương thực lẽ ra đã giao đến châu Á và châu Phi, còn 60.000 tấn nông sản bị thiệt hại vốn dự định giao đến Trung Quốc. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 19-7 cho biết việc Nga rút khỏi thỏa thuận có thể khiến tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu trở nên xấu hơn và làm tăng giá lương thực, nhất là tại các nước nghèo.
Trong cuộc họp với các quan chức chính phủ hôm 19-7, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow sẵn sàng quay lại thỏa thuận ngay lập tức nếu mọi điều kiện đã thống nhất trước đó được đáp ứng.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/moi-de-doa-tai-bien-den-gia-tang-post280824.html