Mối đe dọa Triều Tiên phủ bóng cuộc gặp ba bên Trung - Hàn - Nhật
Triều Tiên khả năng lớn trở thành chủ đề chi phối chương trình nghị sự trong cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, khi đàm phán Mỹ - Triều vẫn bế tắc.
Quan ngại về cuộc đối đầu mới giữa Bình Nhưỡng và Washington bao trùm các cuộc gặp giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong tuần này, trong bối cảnh ngày càng gia tăng rủi ro rằng các hành động của Triều Tiên có thể chấm dứt tình trạng bế tắc và đảo ngược các nỗ lực ngoại giao gần đây.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến sẽ gặp riêng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 23/12. Sau đó, họ sẽ tới thành phố Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, để tham dự cuộc gặp ba bên với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Dù họ dự kiến thảo luận nhiều các vấn đề kinh tế khác nhau, Triều Tiên dường như có thể trở thành chủ đề chi phối chương trình nghị sự, theo Reuters.
Bình Nhưỡng ngày càng thất vọng vì việc họ dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa đã không giúp chấm dứt các lệnh trừng phạt kinh tế làm tê liệt nước này. Họ đặt ra thời hạn 31/12 để Mỹ nhượng bộ, nhưng Washington chưa cho thấy dấu hiệu lung lay.
Một số chuyên gia tin rằng Triều Tiên có thể sẵn sàng tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sớm, động thái có thể sẽ khiến thỏa thuận năm 2018 do nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump không còn giá trị.
"Bảo vệ sự ổn định và hòa bình của bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy một giải pháp chính trị cho vấn đề bán đảo Triều Tiên là lợi ích của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc", Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc La Chiếu Huy nói với các phóng viên hôm 19/12 trong cuộc họp báo về hội nghị ba bên sắp diễn ra.
Đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun đã gặp hai nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc trong chuyến thăm hai ngày tới Bắc Kinh trong tuần này, sau cuộc gặp tương tự ở Hàn Quốc và Nhật Bản trước đó. Các cuộc gặp này được xem là nỗ lực cuối cùng để ngăn chặn cuộc đối đầu mới.
Tuy nhiên, Triều Tiên đã không đáp lại lời kêu gọi công khai của ông Biegun trong việc nối lại đối thoại.
"Sự im lặng, ngay cả sau khi Biegun có bài phát biểu tại Seoul, khiến tôi lo ngại", Jenny Town, trưởng ban biên tập của chuyên trang theo dõi Triều Tiên 38 North, nói trên Twitter.
Trung Quốc, cùng với Nga, hôm 16/12 đề xuất Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt trong động thái mà họ gọi là nỗ lực phá vỡ bế tắc hiện tại và tìm cách giành sự ủng hộ. Song không rõ liệu Bắc Kinh có thể thuyết phục Seoul và Tokyo tách khỏi Washington hay không, khi Mỹ đã thể hiện quan điểm trái ngược một cách rõ ràng và có thể phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào.
Dù Hàn Quốc coi Trung Quốc là công cụ trong việc hồi sinh các cuộc đàm phán, đến nay họ vẫn bỏ qua các câu hỏi về việc liệu có ủng hộ đề xuất mới của Bắc Kinh và Moscow hay không. Nhật Bản, vốn trước nay luôn ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống lại Triều Tiên, cũng chưa bình luận về đề xuất này.
"Cùng với Thế vận hội Tokyo (2020) sắp diễn ra, Triều Tiên sẽ trở thành một vấn đề đối với Nhật Bản", Narushige Michishita, giáo sư tại Viện Cao học Nghiên cứu Chính sách Quốc gia của Nhật Bản, cho biết.
"Nhưng các cuộc đàm phán song phương với Triều Tiên, chẳng hạn, có lẽ sẽ là cách tiếp cận tốt hơn cho Nhật Bản thay vì nới lỏng các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc".