Mỗi địa chỉ, một tấm lòng

1.678 địa chỉ nhân đạo được trợ giúp trong năm 2019 bằng các hình thức: Hỗ trợ làm nhà, hỗ trợ hàng tháng bằng tiền, lương thực, kinh phí chữa bệnh... với tổng giá trị 1,9 tỷ đồng. Đó là những con số cho thấy hiệu quả thiết thực và ý nghĩa của cuộc vận động 'Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo' trong thời gian qua.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh bàn giao nhà chữ thập đỏ. Ảnh: Thùy Linh

Cùng đoàn công tác của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh đi khảo sát các địa chỉ nhân đạo, chúng tôi không khỏi xót xa trước hoàn cảnh của bà Thiều Thị Xem, phố Xuân Lưu, thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn). Ở cái tuổi cần được nghỉ ngơi, thì bà Xem vẫn là lao động chính của gia đình để nuôi con trai bị bệnh thần kinh và cháu ngoại. Cuộc sống khốn khó đè lên đôi vai của bà. Trước hoàn cảnh éo le của bà, Hội CTĐ đã ghi lại những hình ảnh của gia đình bà, kêu gọi các tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ bà và cháu nhỏ yên tâm học tập. Không may mắn như những người phụ nữ khác, chị Nguyễn Thị Thu, xã Đông Thịnh (Đông Sơn) từng ngày phải lam lũ trên đồng ruộng, một mình gồng gánh gia đình với người chồng bị tàn tật, bệnh thần kinh và 3 đứa con, trong đó 1 đứa bị bại liệt, 1 đứa chậm phát triển, thường xuyên đau ốm phải đi bệnh viện. Thương cảm trước cảnh vất vả kiếm sống từng ngày, thuốc men cho chồng con của chị Thu, năm 2019 cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội CTĐ huyện và các hội liên quan đã hỗ trợ 60 triệu đồng để chị Thu xây dựng một ngôi nhà nhỏ. Cùng với đó, kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ thường xuyên cho gia đình chị. Từ cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, theo những chuyến công tác của Hội CTĐ, chúng tôi được biết và chứng kiến không ít những mảnh đời khó khăn, éo le. Như bà Nguyễn Thị Quy (sinh năm 1950), ở khu 4, phường Ba Đình (thị xã Bỉm Sơn), chồng mất do bị ung thư, bản thân bà bị tai biến, đi lại, làm việc khó khăn trong khi đó con gái lại bị bệnh thần kinh. Không có ai làm chỗ dựa về kinh tế, cuộc sống của hai mẹ con bà Quy trông chờ vào sự hỗ trợ của câu lạc bộ (CLB) Thiện nguyện Bỉm Sơn và các tổ chức, cá nhân khác.

Được biết, hơn 10 năm triển khai cuộc vận động, đã có hơn 44.000 địa chỉ nhân đạo được hỗ trợ. Xác định là những nhịp cầu, những vòng tay nhân ái mang đến niềm vui, động lực cho người yếu thế trong xã hội, thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, Hội CTĐ tỉnh đã tuyên truyền sâu rộng nội dung, ý nghĩa của cuộc vận động bằng nhiều hình thức, đồng thời triển khai đến các cấp hội CTĐ trong tỉnh và các tình nguyện viên. Sau nhiều năm triển khai, với kinh nghiệm thực hiện và tinh thần luôn đổi mới, sáng tạo, vận dụng linh hoạt nhiều hình thức đa dạng, mang đậm tính nhân văn và ý nghĩa xã hội sâu sắc, cuộc vận động đã nhanh chóng phát triển sâu rộng từ nơi thuận lợi đến vùng khó khăn, từ các tổ chức đến mỗi cá nhân trên khắp mọi miền Tổ quốc. Cùng với đó, hội luôn quan tâm thực hiện tốt công tác khảo sát các địa chỉ nhân đạo cần giúp đỡ; chỉ đạo các cấp hội thực hiện tốt khâu khảo sát. Đến nay, hầu hết các hội cơ sở đều xây dựng tập hồ sơ địa chỉ nhân đạo để làm cơ sở cho kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đối tượng. Với các hình thức phản ánh như: Làm các phóng sự ảnh, video phản ánh về thực trạng và nhu cầu của các đối tượng, hoàn cảnh của các đối tượng được tái hiện chân thực, cụ thể, qua đó khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái trong mỗi con người.

Từ những thông tin cụ thể, minh bạch của các địa chỉ nhân đạo, nhiều cá nhân, tổ chức, CLB đã hỗ trợ cho các đối tượng bằng cách trợ cấp hàng tháng trong khoảng thời gian từ 1, 2 năm hoặc đến khi học xong đại học. Một số nhà tài trợ là: CLB Thiện nguyện Bỉm Sơn, CLB Tâm Thiện nguyện du lịch Thanh Hóa, CLB Tâm Sen, Thẩm mỹ viện Spa Hồng Kong, nhà xe Minh Chánh, Khách sạn Hương Mai... Đặc biệt từ năm 2019, Trung ương Hội CTĐ Việt Nam đã xây dựng cổng thông tin địa chỉ nhân đạo, các địa chỉ được kêu gọi đã được cập nhật trên cổng thông tin điện tử này. Hội CTĐ tỉnh lập hồ sơ, gửi 540 địa chỉ nhân đạo và đã cập nhật thành công 219 địa chỉ lên hệ thống thông tin nhân đạo nhằm kết nối người cần cứu trợ với những nhà thiện nguyện một cách chủ động, tức thời. Hoạt động này mở ra cho các đối tượng cần trợ giúp một cơ hội mới, đến gần hơn với các nhà tài trợ ở khắp mọi miền Tổ quốc. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà tài trợ chủ động tiếp cận các đối tượng cần trợ giúp và các hoạt động của nhà tài trợ được đảm bảo đến tay đúng đối tượng, đúng nhu cầu, thuận tiện, trên tinh thần minh bạch, rõ ràng, tạo sự thay đổi lớn về cách làm, mức độ ảnh hưởng tới xã hội. Ngoài ra, nhà tài trợ có thể quản lý các hoạt động tài trợ của mình trên hệ thống một cách dễ dàng, minh bạch.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh, cho biết: Với vai trò “nòng cốt”, vai trò “cầu nối” trong hoạt động nhân đạo, hội CTĐ các cấp đã huy động được sức mạnh của toàn xã hội giúp đỡ cho hàng nghìn lượt đối tượng khó khăn. Cuộc vận động đã kết nối tình yêu thương, khơi dậy lòng nhân ái của mọi người, tạo sức hút, sự lan tỏa để cả cộng đồng chung tay thực hiện công tác nhân đạo, từ thiện, đưa công tác này đến từng nhà, gắn với từng người và từng việc làm cụ thể. Qua đó thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết giữa con người với con người.

Nguyễn Thùy

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nhung-dia-chi-tam-long/moi-dia-chi-mot-tam-long/114673.htm