Mỗi địa phương được yêu cầu xây dựng một sản phẩm du lịch đặc sắc
Đây là yêu cầu mà Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đặt ra cho các tỉnh, thành phố tại hội chợ du lịch quốc tế VITM sáng 13/4.
Để ngành du lịch nhanh chóng phục hồi, phát triển hiệu quả và bền vững, Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Văn Hùng kêu gọi ngành du lịch tập trung sức mạnh tổng hợp để, chung tay xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, chuyên nghiệp, bền vững để nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, do vậy, Bộ trưởng yêu cầu các tỉnh, thành phố đẩy mạnh kết nối với các doanh nghiệp lữ hành để xây dựng sản phẩm theo hướng "mỗi một tỉnh thành phố phải có một sản phẩm du lịch đặc sắc", xây dựng được các tour, tuyến, khai thác tối đa tiềm năng du lịch của địa phương.
Bộ trưởng cũng kỳ vọng, tại hội chợ này, các doanh nghiệp du lịch sẽ tìm và gặp gỡ được nhiều đối tác mới, nhiều hướng kinh doanh mới, nhiều hợp đồng sẽ được ký kết, tạo đà cho sự phát triển của du lịch Việt Nam cũng như của các đối tác, các quốc gia tham gia vào chuỗi các hoạt động tại Hội chợ trong thời gian tới.
VITM Hà Nội 2023 cũng đánh dấu cột mốc 10 năm hình thành và phát triển (2013-2023), với chủ đề “Du lịch Văn hóa”, xây dựng các sản phẩm du lịch trên cơ sở các giá trị văn hóa truyền thống và di sản, các phong tục tập quán của 54 anh em dân tộc Việt Nam, phát huy hơn nữa tiềm năng vùng miền.
Chia sẻ với Mekong ASEAN về các sản phẩm du lịch được mang đến hội chợ năm nay, bà Phạm Vân Trang, trưởng nhóm truyền thông Tập đoàn Thiên Minh cho biết: "Với chủ để du lịch văn hóa, Thiên Minh mang đến nhiều các sản phẩm về khu vực du lịch văn hóa nổi tiếng của người Thái tại Hòa Bình, hoặc tìm hiểu cuộc sống của người dân Quảng Nam với các tour ngắn ngày dành cho khách lưu trú tại khách sạn".
Cũng đem câu chuyện văn hóa của dân tộc Dao đến với hội chợ, bà Lê Trần Giang Thanh, chuyên viên phụ trách Kinh doanh khách lẻ và OTA của Panhou Retreat, khu nghỉ dưỡng tại Hoàng Su Phì, Hà Giang chia sẻ:
"Đúng với tinh thần hội chợ năm nay, sản phẩm Panhou mang đến là sự kết hợp giữa văn hóa và thiên nhiên. Thiên nhiên ở đây là miền di sản Hoàng Su Phì nổi tiếng với ruộng bậc thang trải dài, còn văn hóa là câu chuyện truyền thuyết gắn liền với nhân vật Bàn vương - thủy tổ của 12 nhóm người Dao. Theo chữ viết Latin, Panhou chính là Bàn vương và đây là câu chuyện văn hóa xuyên suốt các sản phẩm du lịch của chúng tôi".
Bà Thanh cho biết khi đến Panhou, du khách sẽ có những tour trải nghiệm như thăm bản Nậm Nghí và làm chè Shan Tuyết, ăn tối bên bếp lửa cùng đồng bào người Mông, đi bộ men theo ruộng bậc thang tại thung lũng Yên Sơn, tất cả đều là những nét văn hóa đặc trưng rất riêng của người dân vùng núi Bắc bộ.
Một số hình ảnh tại Hội chợ VITM Hà Nội 2023:
Theo ban tổ chức hội chợ VITM Hà Nội 2023, có 51 tỉnh, thành phố của Việt Nam, 15 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia với 450 gian hàng và 600 đơn vị tham gia gian hàng. Dự kiến VITM Hà Nội 2023 sẽ đón trên 3.000 doanh nghiệp du lịch Việt Nam và quốc tế đến làm việc. Các doanh nghiệp đã cung cấp hơn 10.000 tour và sản phẩm du lịch khuyến mãi.
Hội chợ sẽ diễn ra từ ngày 13 đến 16/4, gồm nhiều hoạt động xúc tiến du lịch, các hoạt động gặp gỡ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp; doanh nghiệp với người tiêu dùng (khách du lịch), hoạt động của các cơ quan xúc tiến du lịch Việt Nam và Quốc tế.