Mỗi gia đình là một 'pháo đài' chống dịch

Năm nay, Ngày Gia đình Việt Nam có chủ đề 'Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc'. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngày này còn truyền đi thông điệp mới - 'Mỗi gia đình là một pháo đài phòng dịch'.

Chủ một gia đình ở TP Hải Dương ký cam kết phòng chống dịch

Chủ một gia đình ở TP Hải Dương ký cam kết phòng chống dịch

Xung phong "ra trận"

Với nhiều gia đình ở Hải Dương thì ký ức về những đợt chống dịch sẽ mãi không thể quên, bởi gần hai năm dịch Covid-19 xuất hiện là chừng ấy thời gian cuộc sống của nhiều gia đình bị xáo trộn. Thế nhưng, cũng nhờ đó mà nhiều câu chuyện đẹp về những gia đình có nhiều thế hệ như cha con, vợ chồng cùng trên tuyến đầu chống dịch, đúng với khẩu hiệu “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài".

“Nhiệt tình, năng nổ, không ngại khó” là những nhận xét của lãnh đạo xã Tân Trường (Cẩm Giàng) dành cho hai cha con chị Lê Thị Lý, ở thôn Chi Mai. Chị Lý là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn, con còn nhỏ, chồng đi làm ăn xa nhưng chị là một trong những người đi đầu xung phong trực chốt khi Cẩm Giàng bị phong tỏa. Bố chồng chị vốn là cán bộ đã nghỉ hưu, nhưng khi có dịch ông cũng hăng hái xung phong lên tuyến đầu.

31 ngày Cẩm Giàng bị phong tỏa là chừng ấy thời gian hai cha con chị Lý tham gia trực chốt, mọi công việc quán xuyến gia đình, nuôi dạy hai cháu được giao cả cho bà nội. Những ngày đầu thiếu nhân lực nên các ca trực kéo dài, chị Lý trực tại chốt phố Ghẽ từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối, làm đủ các việc như đo nhiệt độ, ghi nhật ký xe, phân luồng giao thông, có khi tăng cường cho đội hậu cần… Vậy mà khi được hỏi chị cho rằng những vất vả của mình không là gì so với lực lượng y, bác sĩ ở tuyến đầu. Hơn nữa ở Cẩm Giàng thời điểm ấy, không chỉ phụ nữ mà người cao tuổi cũng xung phong trực chốt chẳng quản ngày đêm thì trẻ như chị càng phải cống hiến. Hiện hai cha con chị Lý vẫn tích cực tham gia tổ “Covid cộng đồng” ở thôn. “Dịch còn ngày nào thì còn chiến đấu ngày đó”, chị Lý nói.

Với chị Nguyễn Thị Năm ở xã Lê Lợi thì những ngày Chí Linh trong tâm dịch là chuỗi ngày đáng nhớ của cuộc đời mà chị mong sẽ không bao giờ phải lặp lại. Ngay từ khi Chí Linh có ca nhiễm đầu tiên ở xã Hưng Đạo, chồng chị là anh Nguyễn Văn Đề công tác tại Trạm Y tế xã Lê Lợi đã phải tăng cường cho lực lượng phòng chống dịch nên xa nhà biền biệt. Khi Lê Lợi có dịch, anh dọn hẳn ra trạm y tế "trực chiến".

Chị chia sẻ không chỉ đối mặt với nỗi lo về dịch, có khi vợ chồng chị còn bị kỳ thị vì một số người cho rằng nghề của anh rất dễ lây nhiễm. "Qua những khó khăn vợ chồng càng thấu hiểu, chia sẻ với công việc của nhau hơn, nên mỗi ngày Chí Linh còn dịch là mỗi ngày chúng tôi đều cố gắng động viên nhau làm tốt nhiệm vụ để quê hương mau hết dịch”, chị Năm nói.

Chị Lê Thị Lý chuyển quà của các "Mạnh Thường Quân" cho các gia đình trong vùng dịch

Chị Lê Thị Lý chuyển quà của các "Mạnh Thường Quân" cho các gia đình trong vùng dịch

Cùng hành động

Với chủ đề “Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc”, ngoài những thông điệp quen thuộc hằng năm, Ngày Gia đình Việt Nam năm nay còn nhấn mạnh đến thông điệp “gia đình là pháo đài, thành viên gia đình là chiến sĩ” trong bối cảnh phòng chống dịch. Nhìn lại chặng đường Hải Dương đã trải qua trong 4 đợt chống dịch mới thấy không phải ngẫu nhiên chúng ta lại chiến thắng nếu không có sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, mỗi gia đình.

Năm nay tròn 20 năm ngày 28.6 hằng năm được chọn là Ngày Gia đình Việt Nam với mục đích tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của mỗi gia đình Việt. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động hưởng ứng ngày này không được tổ chức nhưng thông điệp về tình đoàn kết, yêu thương, sự cảm thông, sẻ chia, tinh thần tương thân tương ái, cùng nhau nỗ lực, vượt qua khó khăn với tinh thần "chống dịch như chống giặc" vẫn được lan tỏa thông qua các chương trình tuyên truyền.

Vừa qua, TP Hải Dương cũng đã triển khai thực hiện chương trình 100% số gia đình ký cam kết phòng chống dịch. Đây được xem là nét mới trong công tác tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của mỗi công dân, mỗi gia đình trong công tác phòng chống dịch. Tại các địa phương, hàng nghìn con người vẫn miệt mài làm công tác phòng chống dịch thông qua các tổ “Covid cộng đồng”, Quỹ vaccine phòng Covid-19 tỉnh vẫn tăng lên từng ngày với sự ủng hộ của nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức.

Với những nỗ lực ấy, tin tưởng dịch bệnh sẽ sớm bị đẩy lùi, để mỗi gia đình đều bình an, trở về nhịp sống bình thường, góp phần xây dựng xã hội phồn vinh.

HUYỀN ANH

Ngày 4.5.2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TT lấy ngày 28.6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định này nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo của các ngành, các cấp, đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ… Qua đó đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/moi-gia-dinh-la-mot-phao-dai-chong-dich-171455