Môi giới ảo, xu thế của tương lai

Công nghệ số đang len lỏi vào mọi ngành, mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Hoạt động môi giới chứng khoán cũng không nằm ngoài xu hướng số hóa.

Số hóa broker

Năm 2017, khi Công ty Chứng khoán Techcombank (TCBS) triển khai mô hình môi giới tự động, không có nhân viên môi giới (broker), thị trường đánh giá đây là mô hình rất lạ, thậm chí có phần liều lĩnh. Thế nhưng, đến nay, ngày càng nhiều công ty chứng khoán áp dụng mô hình này.

Theo mô hình kinh doanh truyền thống của các công ty chứng khoán, đội ngũ broker được coi là nhân lực nòng cốt để thu hút, phát triển, tư vấn, hỗ trợ khách hàng. Họ sẽ nhận được khoản “hoa hồng” phí giao dịch. Còn với mô hình môi giới tự động, do không còn khoản “hoa hồng” cho broker, khách hàng sẽ được giảm tối đa phí giao dịch. Tất nhiên, trong trường hợp này, công ty chứng khoán phải sẵn sàng một hệ thống công nghệ có khả năng hỗ trợ cho khách hàng, các phần mềm tư vấn đầu tư… để cho các khách hàng yên tâm giao dịch mà không cần trông cậy vào nhân viên môi giới.

Chẳng hạn, tại TCBS, TCWealth - rô bốt tư vấn đầu tiên tại Việt Nam sẽ hỗ trợ khách hàng lên kế hoạch đầu tư tối ưu và chi tiết cho mỗi cá nhân. Trong quá trình giao dịch của khách hàng, TCBS cung cấp công cụ TCAnalysis và MarketWatch - hệ thống báo cáo, phân tích, đánh giá thị trường và các doanh nghiệp niêm yết để tự động đưa ra những đề xuất hỗ trợ toàn diện khi khách hàng quyết định đầu tư.

Tương tự, Công ty Chứng khoán DNSE áp dụng mô hình không broker kết hợp với tư vấn chat với AI - Ensa. Ông Trần Việt Trung, Giám đốc Khoa học dữ liệu, Công ty Chứng khoán DNSE cho biết, tính năng trợ lý ảo Ensa là một trong những ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) giúp thay thế môi giới chứng khoán tại Công ty.

Cùng với đó, DNSE đang đẩy mạnh việc ứng dụng AI giúp cập nhật và tư vấn thông tin cho nhà đầu tư theo thời gian thực, hạn chế các sai số do cảm xúc chi phối. Bằng cách thức tương tác hỏi - đáp, nhà đầu tư chứng khoán có thể truy vấn thông tin từ vĩ mô đến các mã cổ phiếu trong thời gian tính bằng giây. Mô hình AI này cũng có thể tự học hỏi trong quá trình giải đáp các thắc mắc của nhà đầu tư, nắm bắt thông tin giao dịch, thói quen để tư vấn ngày càng sát với khẩu vị của từng nhà đầu tư.

Trên góc nhìn rộng của sự phát triển công nghệ bán lẻ, việc giới thiệu sản phẩm dịch vụ của hầu hết các mặt hàng nói chung đã có nhiều chuyển dịch từ gặp gỡ trực tiếp sang trực tuyến. Các công ty chứng khoán cũng đối diện với sự thay đổi này trong hành vi người tiêu dùng.

Các thế hệ môi giới trước đây chỉ có thể có nhiều tài khoản khách hàng khi làm các công ty chứng khoán lớn như HSC, SSI, VCI…, với lượng khách trung bình trên một môi giới từ 500 - 800 khách hàng, nhưng nay xuất hiện những môi giới có số lượng khách hàng vượt con số vài nghìn. Điều này tưởng chừng vô lý, nhưng với việc quảng bá trực tuyến đã chạm tới nhiều khách hàng mục tiêu, cộng thêm công nghệ phục vụ đầu tư trực tuyến giúp năng lực phục vụ của một môi giới tăng lên đáng kể.

Về giá trị gia tăng của các dịch vụ này trong mắt nhà đầu tư, chúng ta còn cần thời gian để đánh giá, tuy nhiên, các chuyển biến mới này đã phần nào tạo ra sự đa dạng trong cách cung ứng dịch vụ và khác biệt giữa mô hình phục vụ đầu tư tại các công ty chứng khoán.

Xu thế tương lai

Ứng dụng AI vào việc hoạt động môi giới, tư vấn cho khách hàng là xu thế tất yếu của ngành chứng khoán. Điều này sẽ khiến cho nhân sự trong lĩnh vực môi giới ngày càng chịu sự cạnh tranh khốc liệt.

Ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Kim Group

Việc các công ty chứng khoán ứng dụng công nghệ AI vào việc hỗ trợ khách hàng xử lý các vấn đề phát sinh được dự báo sẽ trở thành xu thế trong tương lai. Thêm vào đó, các công ty chứng khoán còn ứng dụng AI để đưa ra các bản phân tích đầu tư tự động các mã chứng khoán, thậm chí định giá các mã cổ phiếu, từ đó hỗ trợ khách hàng đưa ra quyết định đầu tư thông minh. Khách hàng chỉ cần vào ứng dụng, gõ mã cổ phiếu quan tâm là sẽ ra một bản báo cáo phân tích rất đầy đủ và chất lượng.

Theo thống kê từ Schwab, mức tuổi trung bình của nhà đầu tư tại Mỹ trước năm 2020 là 48 tuổi, còn sau năm 2020 có 66% nhà đầu tư trẻ hơn 45 tuổi và 22% có độ tuổi từ 28 - 29. Đây cũng là xu hướng tại thị trường Việt Nam, nhiều nhà đầu tư bắt đầu tiếp cận với chứng khoán khi còn là sinh viên. Con số này cho thấy, số lượng nhà đầu tư trên thị trường đang có xu hướng trẻ hóa và cũng là những thế hệ nhà đầu tư tiếp cận công nghệ nhanh nhạy hơn. Đây cũng là cơ sở để các công ty chứng khoán đầu tư mạnh hơn vào công nghệ để gia tăng trải nghiệm khách hàng.

Ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Kim Group cho rằng, ứng dụng AI vào việc hoạt động môi giới, tư vấn cho khách hàng là xu thế tất yếu của ngành chứng khoán và sẽ ngày càng mạnh mẽ trong thời đại công nghệ đang len lỏi đến từng lĩnh vực kinh tế và trong đời sống hàng ngày. Điều này sẽ khiến cho nhân sự trong lĩnh vực môi giới chứng khoán ngày càng áp lực và chịu sự cạnh tranh khốc liệt, do các công việc trước đây môi giới phải xử lý thì hiện tại đã được công nghệ thay thế.

Tuy vậy, nói đi thì cũng phải nói lại, công nghệ dù hỗ trợ và thay thế con người trong nhiều hoạt động, nhưng không thể thay thế hoàn toàn nhân viên môi giới, đặc biệt là trong lĩnh vực đặc thù như tài chính, chứng khoán. Bởi nhân viên môi giới sẽ hiểu tâm lý, mục tiêu, tính cách, sở thích của khách hàng hơn nên sẽ có những tư vấn chiến lược đầu tư hợp lý. Chưa kể, ở những thời điểm khó khăn trong đầu tư, nhân viên môi giới càng phải tiếp xúc với khách hàng nhiều hơn để hỗ trợ về mặt tinh thần, giúp khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn đó.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, hoạt động môi giới số có sự khác biệt lớn với sự chú trọng vào công nghệ tư vấn, sản phẩm hướng tới khách hàng đầu tư vừa và nhỏ (nhưng số lượng lớn). Kể từ làn sóng đầu tư hậu Covid-19 đến nay, thị trường đầu tư đã chứng kiến những thay đổi có tính chất cách mạng ở các khía cạnh. Thứ nhất là phí giao dịch, các công ty chứng khoán đang dần có xu hướng chuyển mức phí giao dịch về 0, để tiếp cận nhóm nhà đầu tư cá nhân. Thứ hai là về trải nghiệm giao dịch. Thời điểm hiện tại, phần lớn các nhà đầu tư cá nhân đã có thể giao dịch các ngày trong tuần, ở nhiều nền tảng giao dịch phổ biến... Tại Việt Nam, ngày càng nhiều công ty chứng khoán triển khai mô hình không broker, xu hướng này sẽ phổ biến hơn trong 3 - 5 năm tới.

“Sẽ có sự chuyển dịch quan trọng về mô hình kinh doanh của những tổ chức môi giới và ngân hàng đầu tư hàng đầu thị trường, hướng về hoạt động môi giới số”, ông Đạt chia sẻ.

Hoàng Anh / Theo Đặc san Toàn cảnh Doanh nghiệp Niêm yết 2024

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/moi-gioi-ao-xu-the-cua-tuong-lai-post350613.html