Môi giới xuất khẩu lao động bát nháo, người dân mất tiền
Thời gian qua, thị trường xuất khẩu lao động không chỉ tắc do dịch COVID-19 mà còn bị bao phủ bởi gam màu tối do hoạt động bát nháo của các công ty không có giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (gọi tắt công ty môi giới).
Việc quản lý những công ty này dường như bị bỏ ngỏ, hàng trăm vụ lừa đảo xảy ra khiến người lao động (NLĐ) rơi vào cảnh khốn cùng.
Hoạt động tràn lan
“Từ cuối năm ngoái, em chưa về nhà lần nào. Bao nhiêu tiền bố mẹ vay để đi làm việc ở nước ngoài bị công ty lừa hết. Bố mẹ gọi ra hỏi, em phải viện lý do học nhiều, không về được. Đợt vừa rồi, em xin vào làm công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Nhưng được ít hôm, dịch COVID-19 bùng phát, công ty đóng cửa, cho nghỉ không lương, một mình nằm trong phòng trọ xa quê mà ứa nước mắt”. Đó là lời tâm sự của Hoàng Đức Pháp (25 tuổi, Quảng Nam) khi nói về hành trình đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) của mình.
Tháng 8/2018, Pháp cùng nhóm bạn vượt cả nghìn cây số ra Hà Nội nộp hồ sơ để sang Nhật Bản làm việc. Qua giới thiệu, Pháp tìm đến Cty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ AFS Thăng Long (gọi tắt Cty AFS Thăng Long). Phía công ty yêu cầu mỗi người đóng trước 4.000 USD (khoảng 94 triệu đồng) để đặt cọc và cam kết đến ngày 10/2/2019 sẽ đưa lao động xuất cảnh.
Tuy nhiên, sau khi học xong tiếng Nhật, đến hẹn, công ty vẫn không đưa được lao động đi làm việc ở nước ngoài. Còn tiền đặt cọc, công ty “om” không chịu trả lại. Gần 100 lao động rơi vào cảnh khốn cùng, từ mơ ước xuất ngoại đổi đời, họ trở thành những lao động bất đắc dĩ mắc kẹt ở Hà Nội. Để tiếp tục bám trụ đòi nợ, nhiều lao động phải chạy xe ôm, phụ hồ, làm nhân viên nhà hàng… Có lao động tiếp tục học để thi đơn hàng khác nhưng sau đó tiếp tục bị công ty môi giới lừa, phải dạt vào các khu công nghiệp tìm việc.
“Đến cuối tuần, cả nhóm hẹn nhau đi tìm bà Vân (Phó GĐ Cty AFS Thăng Long - PV) để đòi tiền. Nhưng hai năm qua, số tiền gần một trăm triệu của mỗi lao động vẫn chưa đòi lại được. Đơn tố cáo gửi cơ quan công an, mấy tháng trước họ thông báo đình chỉ nên giờ anh em cũng không biết trông chờ vào đâu”, Pháp nói. Một trường hợp tương tự mà phóng viên Tiền Phong nhận được phản ánh là trường hợp của Cty Cổ phần Đầu tư và xúc tiến thương mại QLT Việt Nam (gọi tắt Cty QLT Việt Nam).
Tháng 4/2019, sau khi chương trình lao động kỹ năng đặc định bắt đầu có hiệu lực, lợi dụng nhu cầu đi làm việc tại Nhật Bản tăng cao, Cty QLT Việt Nam được thành lập và quảng cáo đưa được NLĐ sang Nhật theo chương trình này. Chỉ trong vòng nửa năm, công ty này “dụ” được cả nghìn NLĐ đăng ký tham gia. Sự việc chỉ vỡ lở sau khi NLĐ đã chi đủ mọi khoản tiền để ăn, học, nhưng chờ mãi công ty vẫn không đưa được xuất cảnh.
Số tiền cọc bỏ ra gần 50 triệu đồng của mỗi lao động bị lãnh đạo công ty chiếm giữ, chia nhau. Hàng trăm lao động ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, thậm chí có lao động ở Cà Mau, Kiên Giang… về Hà Nội căng băng rôn đòi tiền. Suốt hơn nửa năm nay, cuộc sống của NLĐ dường như bị đảo lộn trong những cuộc truy tìm. Còn lãnh đạo công ty thì trốn tránh và viện đủ lý do để phủi trách nhiệm.
Hiện có khoảng hơn 300 lao động làm đơn tố cáo Cty QLT Việt Nam gửi Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Theo phản ánh, số tiền mà công ty này đang chiếm giữ của NLĐ lên đến hàng chục tỷ đồng.
“Cha chung không ai khóc”
Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, trên thực tế, có nhiều công ty không có chức năng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài nhưng vẫn tuyển dụng NLĐ. Số lượng những công ty này thậm chí gấp 3-4 lần so với các công ty có giấy phép. Một cán bộ công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho phóng viên Tiền Phong biết, qua công tác nắm địa bàn riêng khu vực giáp ranh giữa hai quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm, tính sơ bộ có gần 100 công ty không có giấy phép hoạt động, chưa kể các trung tâm du học, đào tạo ngoại ngữ hoạt động trá hình.
Các công ty này dùng đủ trò để lách luật, như: ghi biên lai thu tiền không có dấu đỏ, không có hợp đồng giữa công ty và NLĐ… Có người phản ánh, có công ty còn thuê người nước ngoài về để giả vờ phỏng vấn, tạo sự tin tưởng cho NLĐ. Khi rơi vào vòng lừa đảo của các công ty này, NLĐ chỉ biết ngậm ngùi cay đắng.
Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), đơn vị này chỉ quản lý các công ty có giấy phép đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, những công ty không có giấy phép như Cty AFS Thăng Long, Cty QLT Việt Nam không thuộc phạm vi quản lý của Cục nên không thể xử lý được. “Nếu có đơn tố cáo của NLĐ, Cục chỉ gửi thông tin đến cơ quan công an để vào cuộc xử lý. Trách nhiệm quản lý những công ty này thuộc về chính quyền địa phương”, ông Liêm nói.
Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, nói rằng, cơ quan này cũng không quản lý, không thanh tra những công ty không có giấy phép nên không nắm được. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Nam Từ Liêm, cũng phát ngôn tương tự. Trong khi hàng trăm lao động đã nhiều lần treo băng rôn đi đòi nợ tại văn phòng Cty QLT Việt Nam (số 8, Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm) và gửi đơn tố cáo đến đủ cấp thẩm quyền nhưng vị này nói rằng, phía quận vẫn chưa nắm được thông tin.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Thành Long, Trưởng công an quận Nam Từ Liêm, cho biết, đơn vị này nhận được gần 300 đơn tố cáo Cty QLT Việt Nam của NLĐ. Việc quản lý những công ty này không thuộc phạm vi của công an quận, đơn vị chỉ vào cuộc điều tra khi nhận được đơn tố cáo. Nếu có đủ chứng cứ tội phạm, công an mới khởi tố hình sự.
Dù vụ việc có tính chất phức tạp với quy mô lừa đảo lên đến hàng trăm người nhưng sau hơn nửa năm vào cuộc, Công an quận Cầu Giấy và Công an quận Nam Từ Liêm đều đã đình chỉ vụ án. Nguyên nhân đình chỉ được đại diện công an các quận cho biết: “Do vụ việc liên quan đến yếu tố nước ngoài, cơ quan công an cần phối hợp với các đơn vị của Nhật Bản để xác minh. Nhưng đến nay, phía Nhật chưa trả lời”.
Luật sư Nguyễn Thanh Hải, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, nói rằng, đối với các công ty không có giấy phép đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, nếu thu tiền và tuyển lao động sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 3, Điều 46 Nghị định 28/2020. Mức phạt từ 80-100 triệu đồng. Thẩm quyền xử phạt thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố và Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH.