Mời gọi doanh nghiệp FDI đầu tư chế biến sâu

Mỗi năm, Đồng Nai đưa ra thị trường hơn 1,7 triệu tấn nông sản. Tuy nhiên, nông sản chủ yếu bán cho các thương lái nên giá cả bấp bênh. Vì vậy, tỉnh đã mời gọi doanh nghiệp trong nước và FDI đầu tư vào chế biến sâu, liên kết với các trang trại, câu lạc bộ, hợp tác xã tạo thành chuỗi nâng giá trị gia tăng cho nông sản.

Công ty TNHH Koyu & Unitek ở Khu công nghiệp Loteco (TP.Biên Hòa) liên kết đầu tư chế biến thịt gà xuất khẩu vào Nhật Bản. Ảnh: K.MINH

Công ty TNHH Koyu & Unitek ở Khu công nghiệp Loteco (TP.Biên Hòa) liên kết đầu tư chế biến thịt gà xuất khẩu vào Nhật Bản. Ảnh: K.MINH

Tuy là tỉnh công nghiệp, nhưng hơn 60% dân số của Đồng Nai vẫn sống bằng nông nghiệp. Do đó, nông nghiệp là lĩnh vực được tỉnh ưu tiên đầu tư. Theo tính toán của một số chuyên gia kinh tế, nông sản chế biến sâu tiêu thụ thị trường trong nước, xuất khẩu có thể gia tăng giá trị thêm 3-10 lần so với bán thô.

* Đầu tư chưa đồng đều

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - đầu tư), nguồn vốn FDI đăng ký vào chế biến sâu nông sản rất hạn chế, chỉ chiếm 1-2% trong tổng vốn FDI vào Việt Nam hằng năm.

Trong các đợt xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh đều mời gọi doanh nghiệp FDI “rót vốn” vào nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản. Thế nhưng, doanh nghiệp FDI mới chỉ chú ý đến khâu sơ chế trong chế biến mì, bắp, cà phê, hạt điều, heo, gà. Một số loại cây trồng có sản lượng lớn ở Đồng Nai vẫn còn “vắng bóng” doanh nghiệp ngoại tham gia chế biến.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết: “Lĩnh vực chế biến nông sản đang được tỉnh ưu tiên mời gọi các công ty FDI đầu tư. Tỉnh có những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp “rót vốn” vào lĩnh vực nông nghiệp dựa trên Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo quy định, các doanh nghiệp thuộc đối tượng ưu đãi sẽ được miễn, giảm tiền sử dụng đất, giảm tiền thuê đất, tiếp cận tín dụng...”.

Tại Đồng Nai, trong các khu công nghiệp có khoảng 130 doanh nghiệp tham gia chế biến nông sản, thực phẩm, trong số đó có gần 100 doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, tỉnh có 2 nhóm cây trồng có sản lượng lớn là trái cây (khoảng 608 ngàn tấn/năm) và rau (hơn 255 ngàn tấn/năm) nhưng lại rất hiếm công ty nước ngoài sơ chế, chế biến để xuất khẩu hoặc tiêu thụ ở thị trường nội địa.

PGS-TS.Võ Phước Tấn, Chủ nhiệm Khoa Quản trị kinh doanh (Trường đại học công nghiệp thực phẩm TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ, sản phẩm nông nghiệp chế biến, chế biến sâu khi xuất khẩu có thể nâng giá trị gia tăng cao gấp 3-10 lần so với xuất tươi. Đồng thời, đến vụ thu hoạch rộ nông dân không phải lo thị trường cung vượt cầu giá giảm sâu.

* Cần sự liên kết

Đồng Nai là nơi có sản lượng nông sản, thực phẩm lớn nhưng đa số vẫn sản xuất nhỏ lẻ, mỗi người một giống, quy trình khác nhau nên các công ty FDI rất khó gắn kết để hình thành chuỗi từ vùng nguyên liệu - nhà máy sản xuất - xuất khẩu. Theo các doanh nghiệp FDI, đây là lĩnh vực rủi ro cao, nhưng chính sách ưu đãi của Chính phủ lại chưa đủ hấp dẫn nên chưa tạo ra bước đột phá trong phát triển lĩnh vực chế biến sâu nông sản.

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi của tỉnh ngoài đối mặt với dịch bệnh thì các hộ dân bị các doanh nghiệp ngoại lấn sân. Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công cho rằng, hiện nay, thị phần lớn của ngành chăn nuôi ở Đồng Nai đã thuộc về những công ty FDI. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ của tỉnh ngày càng bị thu hẹp, vì thế muốn tồn tại phải liên kết lại hình thành các hợp tác xã tạo thành chuỗi chủ động được từ khâu giống, thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ. “Khoảng 30 năm trước, chăn nuôi ở Pháp cũng do doanh nghiệp FDI giữ ưu thế, chăn nuôi trong nước nhỏ lẻ bị thu hẹp dần. Họ đã “lội ngược dòng” bằng cách liên kết dưới dạng hợp tác xã chia sẻ lợi nhuận, khó khăn và giành lại sân nhà khá ngoạn mục với tỷ lệ hơn 95%” - ông Công nói.

Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh nhấn mạnh: “Năng suất nhiều loại cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh cao hơn bình quân chung của cả nước. Trong đó, nhiều loại cây trồng, vật nuôi có sản lượng rất lớn. Tỉnh đang vận động nông dân hợp lại thành hợp tác xã xây dựng các vùng chuyên canh, năng suất, chất lượng cao để liên kết các doanh nghiệp FDI đầu tư vào chế biến sâu xuất khẩu”.

Có đầu ra ổn định, người dân chỉ tập trung vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, như vậy nông nghiệp của Đồng Nai mới phát triển bền vững được. Đồng thời, hình thành được những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, doanh nghiệp FDI mới mạnh dạn liên kết bao tiêu đầu ra.

Khánh Minh

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202002/moi-goi-doanh-nghiep-fdi-dau-tu-che-bien-sau-2986271/