Mới hẹn hò ít tháng, giới trẻ Singapore vội cưới để mua nhà giá rẻ
Ngay buổi hẹn hò thứ hai, Serena Wong (28 tuổi) đã thảo luận cùng bạn trai về việc mua nhà. Điều kiện để họ nhận được chìa khóa nhà ở xã hội là cả hai phải kết hôn.
Serena Wong, quản lý phát triển kinh doanh tại một công ty công nghệ, và bạn trai nộp đơn xin mua một căn nhà ở xã hội sau nửa năm kể từ cuộc hẹn hò thứ 2.
Trong 10 tháng tiếp theo, họ đã đặt cọc 40.000 SGD (29.577 USD), bắt đầu hành trình chờ đợi kéo dài 5 năm để có được căn hộ 3 phòng ngủ trị giá 620.000 SGD (khoảng 460.000 USD) ở khu Queenstown. Tại đây, giá bán lại cân hộ đắt hơn 50%.
Bên cạnh đó, cặp đôi phải nộp giấy chứng nhận kết hôn cho hội đồng nhà ở Singapore trong vòng 3 tháng kể từ khi nhận được chìa khóa căn hộ.
Trường hợp Serena Wong và người yêu thực chất không quá xa lạ ở Singapore. Thời gian chờ đợi lâu, cùng chi phí sinh hoạt tăng cao khiến người dân quốc đảo sư tử phải sớm quyết định hôn nhân, theo Bloomberg.
Kết hôn sớm
Tỷ lệ sở hữu nhà ở Singapore gần 90%, với hơn 3/4 công dân sống trong các căn hộ xã hội do Ban Phát triển & Nhà ở trợ cấp (HDB) của chính phủ cung cấp.
Những căn hộ này rộng rãi và có vị trí tốt, có giá trị bán lại có thể tăng hơn 80% kể từ năm 2009. Người dân có thể mua những căn hộ mới rẻ hơn và nhận được các khoản trợ cấp nhà ở hào phóng từ chính phủ.
Tuy nhiên, để đủ điều kiện, những người dưới 35 tuổi phải đính hôn, kết hôn, có con hoặc nộp đơn mua nhà cùng với các thành viên khác trong gia đình.
Theo đó, nhiều người trẻ tuổi bắt đầu đề cập đến hôn nhân và sẵn sàng đặt cọc tới 20% để đặt trước căn hộ trong nhiều năm trước khi chúng được xây dựng. Nếu ly hôn với bạn đời, họ sẽ mất số tiền đó. Ngoài ra, khi mua căn hộ mới, các cặp đôi có tổng thu nhập hàng tháng không quá 14.000 SGD (10.344 USD).
Phyllis Kum (25 tuổi), kế toán, mua được một căn hộ trị giá 550.000 SGD vào tháng 12/2023. Căn hộ này sẵn sàng để ở vào năm 2027. Tuy nhiên, nếu thu nhập của cô và người yêu tăng lên, có thể họ sẽ không còn hợp lệ để đăng ký được nhà ở.
Kum gặp bạn trai của mình vào tháng 6/2022. Cô đề nghị mua nhà từ sớm do giới hạn thu nhập và phải chờ đợi căn hộ mới quá lâu. Cả hai sẽ đặt cọc 5% và dự định kết hôn vào năm 2026.
Tổng tỷ suất sinh của đảo quốc sư tử đã giảm trong nhiều năm và đạt mức thấp lịch sử là 0,97 vào năm 2023. Singapore từ lâu đã kêu gọi người dân sinh thêm con bằng nhiều phúc lợi và trợ cấp hấp dẫn.
Các cặp vợ chồng trẻ có thể nhận được trợ cấp nhà ở lên tới 80.000 SGD. Người mua nhà lần đầu là cặp vợ chồng trẻ hoặc gia đình có con nhỏ cũng được ưu tiên khi có căn hộ mới.
Sinh viên (đang học toàn thời gian hoặc mới tốt nghiệp) và quân nhân có thể đủ điều kiện để được giảm khoản trả trước chỉ còn 2,5%. Họ cũng có thể hoãn việc chứng minh thu nhập của mình cho đến khi các căn hộ gần hoàn thiện.
Kết hôn sớm, ly hôn sớm
Một nghiên cứu được công bố gần đây của 4 học giả từ Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho thấy tỷ lệ kết hôn và ly hôn gia tăng trùng với thời điểm Singapore triển khai chương trình nhà ở "Built-to-order" (Xây dựng theo đơn đặt hàng - BTO) vào năm 2001 và mở rộng chương trình này từ năm 2011.
Trong khoảng thời gian phân tích (năm 2000-2014), tỷ lệ kết hôn của phụ nữ 25-29 tuổi đã tăng từ 45% lên gần 60% và của nam giới 30-34 tuổi tăng từ 22% lên 37%.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tỷ lệ ly hôn cũng tăng ở các độ tuổi tiếp theo: từ 4% lên 7,2% ở phụ nữ 30-34 tuổi, và từ 3,5% lên 6,3% ở nam giới 35-39 tuổi.
"Hôn nhân không nên bắt nguồn từ nhà ở mà vì tình yêu", Sing Tien Foo, giáo sư tại NUS và đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết trong một cuộc phỏng vấn. Ông lưu ý rằng các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu của khoảng 2 triệu người.
Nghiên cứu kết luận rằng các cặp vợ chồng sống trong căn hộ BTO trẻ hơn đáng kể và khả năng cao có cuộc hôn nhân ngắn hơn so với các cặp vợ chồng sống trong các loại hình nhà ở khác.
Dorothy Tan, Phó giám đốc Nhóm Thực hành Gia đình và Ly hôn tại công ty luật PKWA Law Practice LLC, cho biết độ tuổi trung bình của khách hàng của bà ngày càng trẻ hơn, với một số người ở độ tuổi đầu 20.
Bà cho biết chi phí nhà ở và cải tạo cao đã gây căng thẳng về tài chính cho một số cặp vợ chồng. Đây cũng là một điều thuộc danh sách những nguyên nhân khiến hôn nhân tan vỡ.
Bên cạnh đó, tỷ lệ ly hôn của Singapore đạt trung bình 7/1.000 người đã kết hôn trong hai thập kỷ qua, mới giảm xuống còn 6,1 vào năm 2022. Tỷ lệ này thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ ly hôn ở Mỹ, vốn đang giảm dần và ở mức 13,6/1.000 người đã kết hôn vào năm 2022.
Luật sư ly hôn Mohamed Baiross cho biết ông nhận được ít nhất 50 yêu cầu mỗi tháng từ các cặp vợ chồng muốn chia tay nhưng còn vướng bận chuyện nhà cửa. Người mua của đa số căn hộ nhà ở xã hội mới không được phép bán chúng trong 5 năm sau đó.
Như vậy, các đôi ly hôn trước thời hạn này đồng nghĩa với việc họ phải bán lại căn hộ cho chính phủ với mức lỗ trong khi việc giữ lại gần như sẽ đảm bảo có lãi. Do đó, một số đôi vẫn đồng ý sống chung cho đến khi bán được nhà, dù không còn tình cảm với nhau.