Mỗi hộ gia đình sử dụng tới cả kg túi nilon một tháng

Tại Việt Nam, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon mỗi tháng. Riêng Hà Nội và TP.HCM, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon.

 Hội nghị tập huấn thu hút sự quan tâm của các phóng viên, nhà báo, người làm truyền thông

Hội nghị tập huấn thu hút sự quan tâm của các phóng viên, nhà báo, người làm truyền thông

Thông tin đáng chú ý này được ông Đoàn Trường Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Truyền thông (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đưa ra tại hội nghị tập huấn “Nâng cao kỹ năng tuyên truyền, phổ biến chống rác thải nhựa, hướng tới sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường” vừa được tổ chức tại TP Hải Phòng trong 2 ngày 23-24/7.

Chỉ 10% rác thải nhựa được tái chế

Dẫn số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường khẳng định, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa thải ra môi trường. Trong đó có 700 tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.

Tại Việt Nam, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng, riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon.

"Rác thải nhựa dùng một lần tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người cùng các loài sinh vật khác. Điều nguy hiểm nhất của rác thải nhựa là tính chất khó phân hủy, ngay cả khi được chôn lấp vào bùn đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm nghìn năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất", ông Trường Giang nói và cảnh báo việc này sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng, cản trở sinh trưởng và phát triển của các loài động, thực vật,…

 Ông Đoàn Trường Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Truyền thông.

Ông Đoàn Trường Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Truyền thông.

Ông Cao Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, nêu rõ quan điểm tiếp cận của Luật Bảo vệ Môi trường coi chất thải là tài nguyên, với mục tiêu tận dụng tối đa giá trị của các sản phẩm thải bỏ và thúc đẩy một nền kinh tế tuần hoàn cho sự phát triển bền vững.

Tại nền kinh tế đó, mọi chất thải đều được nghiên cứu để tái chế và xử lý theo phương thức phù hợp nhằm giảm thiểu tối đa chất thải phải xử lý ra môi trường, tiến tới một xã hội không còn chất thải.

Cho rằng người dân đang làm quen với việc “ai xả rác nhiều thì phải trả tiền nhiều”, ông Cao Minh Tuấn dẫn thực tế TP Hội An là địa phương đầu tiên trên cả nước thí điểm quy định về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân nhằm hướng đến phương án thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích trước năm 2025 theo luật Bảo vệ môi trường.

 Ông Cao Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường.

Ông Cao Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường.

Thay vì người dân thải rác theo thói quen sinh hoạt hằng ngày và đóng tiền cho công ty vệ sinh môi trường theo tháng, thì nay thành phố cấp phát cho cho gia đình các loại túi nilon đựng chất thải hữu cơ in chữ màu xanh và túi đựng chất thải vô cơ in chữ màu đen… Theo ngày luân phiên trong tuần, xe thu gom rác sẽ tới các khu dân cư để chở rác đi. Nhân viên công ty môi trường sẽ bán túi nylon, người dân sẽ trả tiền tương ứng số túi cần mua.

Từ khi triển khai chương trình, các hộ gia đình được mua các loại túi ni lon theo mức giá được quy đổi. Loại túi nilon 10 lít có giá gần 1.900 đồng, túi 15 lít, giá 5.000 đồng, loại 20 lít, giá 7.500 đồng, loại 30 lít, giá 10.000 đồng và loại 40 lít, giá 15.000 đồng.

 Đông đảo đại biểu chăm chú theo dõi các nội dung tham luận.

Đông đảo đại biểu chăm chú theo dõi các nội dung tham luận.

Hướng tới sử dụng các trang thiết bị điện tử phục vụ tuyên truyền

Không chỉ cần tập trung thông tin trên báo chí chính thống, PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng Khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho rằng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Youtube,… là công cụ truyền tải thông tin nhanh và hiệu quả.

Cùng với đó, bình luận và phản hồi của bạn đọc về bài viết cần được các cơ quan báo chí nhìn nhận đúng mức hơn, vì đó như hàn thử biểu đánh giá mức độ thay đổi nhận thức của người dân. Từ đó, các cơ quan báo chí có cơ sở để thay đổi cách thức, thông điệp truyền thông sao cho phù hợp với người dân.

 PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh chia sẻ về các giải pháp tăng cường, nâng cao hiệu quả truyền thông chống rác thải nhựa.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh chia sẻ về các giải pháp tăng cường, nâng cao hiệu quả truyền thông chống rác thải nhựa.

Chia sẻ với các cơ quan truyền thông trong việc nâng cao nhận thức về rác thải nhựa, ông Nguyễn Anh Tú, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo TP. Hải Phòng cho biết, thông qua các tác phẩm báo chí, Hải Phòng đã tăng cường vận động doanh nghiệp, người dân cùng tham gia vào lối sống “nói không” với rác thải nhựa. Mục tiêu trung hạn 2021-2025 là 100% các cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố không sử dụng vật dụng hoặc đồ nhựa sử dụng một lần (chai nước, ống hút nhựa...), hạn chế sử dụng băng rôn, khẩu hiệu… dùng một lần.

Đặc biệt, lãnh đạo Hội Nhà báo TP. Hải Phòng cho biết một trong những việc cần làm để đạt mục tiêu này là chuyển sang sử dụng các trang thiết bị điện tử phục vụ tuyên truyền trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện.

 Ông Nguyễn Anh Tú (bên phải).

Ông Nguyễn Anh Tú (bên phải).

Tuy vậy, theo ông nguyễn Anh Tú, việc hạn chế rác thải nhựa còn rất khó khăn. Cùng với sự vào cuộc của các địa phương và các ngành chức năng thì người dân cần thay đổi nhận thức, hạn chế việc sử dụng đồ nhựa để bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp góp phần không nhỏ vào việc chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Do vậy, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc sử dụng các loại bao bì thân thiện môi trường phục vụ cho mục đích sinh hoạt để thay thế túi nilon khó phân hủy là yếu tố then chốt.

Tại Hội nghị tập huấn, các tuyên truyền viên, báo cáo viên, phóng viên, biên tập viên được chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về thực trạng ô nhiễm chất thải nhựa; tác hại của chất thải nhựa tới môi trường, đời sống và sức khỏe của con người; được chia sẻ các kỹ năng tuyên truyền, phổ biến những hành vi gây hại tới môi trường và các giải pháp phòng, chống và hạn chế sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng một lần.

 Ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng Biên tập VietTimes, góp ý về công tác truyền thông chống rác thải nhựa.

Ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng Biên tập VietTimes, góp ý về công tác truyền thông chống rác thải nhựa.

Đóng góp ý kiến, ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng Biên tập VietTimes, cho rằng việc tuyên truyền chống rác thải nhựa cần một cách làm mới, bởi việc sử dụng nilon đã trở thành thói quen của người dân, bởi sự tiện lợi và giá thành rất rẻ. Lấy đơn cử như việc sử dụng túi nilon, các bà nội trợ mua cả bịch túi to, đủ dùng trong vài tháng chỉ với giá 100.000 đồng, ông Nguyễn Bá Kiên cho rằng muốn truyền thông chống rác thải nhựa hiệu quả không thể bằng sự hô hào, động viên mà phải bằng chính sách, bằng những lợi ích thiết thực cụ thể đối với người dân khi chấp nhận thay đổi thói quen.

Dẫn ví dụ thực tế, ông Kiên cho biết trước tháng 6/2022, tỷ lệ ô tô dán thẻ thu phí không dừng rất thấp. Nhưng sau khi Chính phủ quyết định chỉ phương tiện dán thẻ thu phí tự động mới được đi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tỷ lệ ô tô của cả nước tự nguyện dán thẻ đã tăng lên hơn 90% sau 6 tháng.

"Khi người dân thấy được cái lợi của việc dán thẻ phu phí là lưu thông nhanh, không phải chờ đợi, lại hạch toán minh bạch thì họ sẽ lựa chọn. Do đó, việc kêu gọi người dân không sử dụng túi ni lông hay chai, hộp nhựa cũng cần có chính sách đồng bộ để người dân thấy có lợi khi không dùng những thứ độc hại đó, như thế mới thành công." - Tổng Biên tập Tạp chí VietTimes nêu ý kiến.

Anh Lê

Đình Huy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/moi-ho-gia-dinh-su-dung-toi-ca-kg-tui-nilon-mot-thang-post176760.html