Mối họa tiềm ẩn trong đội tuyển Bồ Đào Nha
Liệu 'quả bom truyền thông' mà Cristiano Ronaldo tung ra có ảnh hưởng đến đội tuyển Bồ Đào Nha tại World Cup 2022.
Phải nói rõ rằng, Ronaldo đã trù tính mọi thứ khi tung “quả bom” này ra. Cách đây 3 tháng, ngày 16/8, anh đã úp mở trước báo giới là anh sẽ nói hết “sự thật” vào một thời điểm thích hợp.
Lúc đó là đầu mùa bóng, có nghĩa là Ronaldo đã bất bình với HLV Erik Ten Hag ngay trong thời gian tập luyện chuẩn bị cho mùa bóng. Chứ không phải là sau đó, khi Ten Hag ít dùng Ronaldo trong đội hình xuất phát.
“Bom nổ” ở Old Trafford, không ở Qatar?
Ronaldo đã nảy sinh tư tưởng muốn ra đi vào thời điểm đó, dù hợp đồng của anh với Manchester United kết thúc ngay khi hết mùa bóng này. Anh không thể đợi được lâu, muốn thoát khỏi sân Old Trafford mà anh gọi là “nhà tù vàng”, muốn tìm cho mình một bến đỗ mới ngay trong kỳ chuyển nhượng mùa đông.
Ronaldo chọn nhà báo thân thiết của anh Piers Morgan thực hiện cuộc phỏng vấn, rõ ràng để nói những gì anh muốn nói, chứ không phải là một cuộc phỏng vấn mang tính khách quan. Ronaldo chọn “tung bom” thời điểm này là để không phải đối mặt với ban lãnh đạo, các đồng đội, các CĐV Manchester United, luật sư hay buổi điều trần nào hết. Vì anh đang ở Qatar dự World Cup rồi.
Đây là mánh lới thường thấy ở nhiều cầu thủ mỗi khi họ muốn ra đi hay thực hiện yêu sách nào đó với CLB của họ, được dày công đạo diễn bởi những người đại diện. Cầu thủ càng lớn, chuyện của họ càng ăn khách, càng được truyền thông phóng đại to hơn. Và họ có đạt được mục đích hay không tùy thuộc vào thế đứng giữa họ với CLB.
Manchester United trong thời gian qua đã khá mềm yếu khi dời vạch giới hạn vài lần cho Ronaldo. Ở một CLB cấp lớn khác ta thấy là Real Madrid, thì không có chuyện đó. Vạch giới hạn rõ ràng, Iker Casillas và Sergio Ramos bị buộc phải rời Real khi họ còn mang băng thủ quân của CLB. Real đã loại trừ mầm họa ngay từ khi cầu thủ muốn tỏ ra lớn hơn CLB.
Đội tuyển Bồ Đào Nha có ảnh hưởng bởi “quả bom” của Ronaldo? Không. Hoặc nói chính xác ra là chưa. Thứ nhất, chuyện của Ronaldo là với Manchester United, không phải với Bồ Đào Nha.
Thứ hai, các cầu thủ đều biết thừa những mánh lới của nhau khi muốn đào thoát khỏi một CLB, nên khó có chuyện “chuột trù chê khỉ rằng hôi”. Thứ ba, cái bóng Ronaldo vẫn quá lớn trong đội để các thành viên khác có thể có ý kiến nào đó về chuyện cá nhân của anh.
Quá khứ muốn quên của đội Bồ Đào Nha
Nhắc đến đội Bồ Đào Nha, phải nói về câu chuyện chuẩn bị World Cup 1986 đầy bê bối của họ. Kể từ khi danh thủ Eusebio tỏa sáng tại World Cup 1966, sau 20 năm, Bồ Đào Nha mới vượt qua vòng loại đến một kỳ World Cup. Khi chuẩn bị, HLV Jose Torres đã loại ngôi sao tại Euro 1984 là Rui Jordao và vua phá lưới giải VĐQG Bồ Đào Nha mùa bóng 1985/86 Manuel Fernandes ra khỏi đội tuyển.
Một tuần trước khi lên đường đi Mexico, có tin thủ quân CLB Benfica là Antonio Veloso dương tính với doping. Hậu vệ này phản đối mạnh mẽ, nhưng vô ích khi HLV Torres loại ông ra khỏi đội và gọi người khác vào thế chỗ. Vài ngày sau, cuộc kiểm tra thứ hai chứng minh Veloso trong sạch nhưng ông không được phục hồi vị trí trong đội tuyển.
Thay vì bay thẳng từ Lisbon tới Mexico City, đội tuyển quá cảnh ở Frankfurt (Đức) và Dallas (Mỹ). Sau đó họ hạ trại tại Saltillo, một thành phố nghèo nàn ở độ cao 1.600m trong khi các quan chức LĐBĐ Mexico thì lập văn phòng ở thủ đô Mexico cách đó hơn 1.000 km. Một trận giao hữu được đề xuất với Chile bị các quan chức hủy bỏ với lý do thiếu kinh phí. Đội tuyển chuẩn bị bằng trận đấu với đội bóng bán chuyên địa phương được tạo thành từ các nhân viên nhà hàng.
Cơ cấu tiền thưởng cho các cầu thủ Bồ Đào Nha tại World Cup 1986 là thấp nhất trong số 24 đội tham dự. Mỗi người chơi được trả số tiền tương đương 20 euro mỗi ngày, 500 euro mỗi trận, 1000 euro để mặc áo mang các nhãn hàng tài trợ khi tập, và thậm chí không được trả tiền để mặc áo này khi nói chuyện với giới truyền thông.
Đội trưởng Manuel Bento đại diện cho các cầu thủ trong cuộc họp báo có sự tham dự của giới truyền thông quốc tế, tuyên bố nếu đội không được tăng tiền thưởng và nhận được phần doanh thu quảng cáo chưa thanh toán, họ sẽ không tập luyện nữa.
Các cầu thủ, vì do chán, không tập trung vào bóng đá. Họ tổ chức những bữa tiệc riêng có sự xuất hiện của nhiều phụ nữ hấp dẫn được gọi đến. HLV Torres và ban huấn luyện không làm gì ngăn chặn những bữa tiệc như vậy. Khi báo chí đưa tin về những gì đang xảy ra, nó đã khơi dậy cơn thịnh nộ của các bà vợ cầu thủ, họ tấn công chồng họ và LĐBĐ Bồ Đào Nha bằng các cuộc gọi. Nhiều nghị sĩ trong nước kêu gọi đuổi cả đội về nước như một hình phạt vì đã làm xấu hổ đất nước.
Nhưng rồi trận mở màn, Bồ Đào Nha đã hạ Anh 1-0. Danh thủ Paolo Futre giải thích về động lực đánh bại đội Anh: “Chúng tôi chơi với sự cuồng nộ, chúng tôi thắng không vì đất nước, mà vì muốn tát vào mặt ông Chủ tịch LĐBĐ Silva Resende”. Song sự cuồng nộ đó không được duy trì, đội trưởng Bento gãy chân trong một buổi tập, Bồ Đào Nha thua Ba Lan 0-1, thua Morocco 1-3, bị loại ở vòng bảng.
Sau khi bị loại, đội còn ở lại Saltillo vài ngày. Ông Chủ tịch LĐBĐ Resende không được FIFA cấp đi xe riêng nữa, buộc phải đi chung xe bus với các cầu thủ. Hầu hết cầu thủ đều chửi rủa, xúc phạm Resende trên xe, mọi thứ hỗn loạn. Để trả đũa, Resende không cho gọi các cầu thủ hàng đầu Diamantino, Jaime Pacheco, Joao Pinto, Fernando Gomes, Paulo Futre và Carlos Manuel dự vòng loại Euro 1988. 10 năm sau, Bồ Đào Nha mới trở lại một giải lớn là Euro 1996.
Tiềm tàng mối họa trong đội Bồ Đào Nha?
Mối đe dọa bất hòa nội bộ trong một đội tuyển thường bắt nguồn từ đâu? Một là từ HLV với các cầu thủ, khi họ không ủng hộ đấu pháp của HLV. Thường sẽ có một ngôi sao làm đầu trò, dẫn đầu các cầu thủ, như Lionel Messi đối đầu với HLV Jorge Sampaoli tại World Cup 2018.
Hai là từ LĐBĐ với tập thể cầu thủ, đã xảy ra nhiều chuyện như này, thí dụ chuyện đội Bồ Đào Nha kể trên, hay chuyện đội Tây Đức trước World Cup 1974. Thứ ba là chuyện đối đầu giữa hai nhóm cầu thủ trong đội đến từ hai CLB kình địch nhau trong giải VĐQG. Và thứ tư là đối đầu giữa cầu thủ danh tiếng nhất với tập thể đội, như khả năng có thể xảy ra với Ronaldo cùng đội Bồ Đào Nha hiện tại.
Những chuyện từ đội Bồ Đào Nha vừa được thấy trên truyền thông chưa phải nghiêm trọng. Cái từ chối bắt tay Ronaldo của Bruno Fernandes khi gặp mặt có lẽ chỉ là một trò đùa mà các cầu thủ hay làm với nhau.
Hay khuôn mặt bất mãn của Joao Cancelo sau một hành động ra vẻ “anh hai” của Ronaldo trên sân tập cũng xảy ra thường ngày. Nhưng những thứ xảy ra thường ngày đó sẽ bị phóng đại lên rất nhiều sau sự kiện “quả bom truyền thông” của Ronaldo. Các hành động của đội Bồ Đào Nha sẽ bị soi mói, suy diễn nhiều hơn.
Tâm trạng của Ronaldo hẳn đang có vấn đề. Anh đã quá quen với việc đi theo con đường của riêng mình, với việc là siêu sao, với việc vây quanh bởi những lời xu nịnh, với những người chớp chớp hàng mi của họ khi nghe anh nói. Anh luôn xem mọi người vây quanh mình đến từ “Hành tinh Ronaldo”.
Nhưng Ronaldo cũng đủ tỉnh táo để biết khả năng chơi bóng của mình đang mờ nhạt dần, mình không còn đóng vai Chúa toàn năng trong đội nữa. Rồi khi anh thấy những “hành động bình thường trong một ngày bình thường” của Fernandes và Cancelo lộ ra truyền thông cùng vô số lời bàn tán.
Rồi khi vào trận, anh cảm thấy các đồng đội không còn chuyền đủ bóng cho mình nữa, anh sẽ cảm thấy cái tôi của mình bị tổn thương sâu sắc, cảm thấy hẫng hụt, cảm thấy bị quay lưng, cảm thấy mọi sự sụp đổ dưới chân.
Đây là thời điểm tâm lý của Ronaldo rất nhạy cảm. Những thứ bình thường lúc trước, qua đầu Ronaldo lúc này không còn bình thường nữa rồi. Sự nhảy cảm này có thể là “quả bom” hẹn giờ tiếp theo trong đội tuyển Bồ Đào Nha.
Để dẹp mối họa tiềm ẩn này, Ronaldo cần phải nói rõ với các đồng đội về cảm giác của mình. Các cầu thủ Bồ Đào Nha khác cũng phải hiểu nỗi bất an của Ronaldo. HLV Fernando Santos cần siết chặt các phát ngôn trong đội, đóng cửa nhiều buổi tập với đám đông, và nhắc nhở các cầu thủ loại bớt những trò đùa không hay trong đội bóng.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/moi-hoa-tiem-an-trong-doi-tuyen-bo-dao-nha-post1376080.html